Nâng cao việc quản lý xe gắn máy trong học sinh: Cơ bản vẫn phải là ý thức của phụ huynh
Việc học sinh sử dụng xe gắn máy dung tích dưới 50cc đến trường ngày một nhiều dấy lên quan ngại về mức độ an toàn giao thông học đường.
Nhiều học sinh không chấp hành quy định về an toàn giao thông. Ảnh: Trung Lê
Nhiều phụ huynh cho rằng việc sắm những chiếc xe này giúp các em di chuyển đến trường bớt vất vả hơn thay vì đi xe đạp.
Chị Nguyễn Thị H (Phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) có con đang học tại Trường THPT Hàm Rồng cho biết: “Năm nay cháu đậu vào lớp 10, do khoảng cách từ nhà đến trường khá xa nên gia đình mua cho cháu chiếc xe với dung tích xi lanh nhỏ để đi lại đỡ vất vả".
Tại các trường THPT trên địa bàn Thanh Hóa hiện có trên 90% học sinh sử dụng xe đạp điện, xe gắn máy dung tích dưới 50cc,. Nhiều học sinh nhà gần trường nhưng gia đình vẫn mua xe cho các em.
Thầy Thiều Ánh Dương, Hiệu trưởng trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) cho biết: “Nhà trường hiện có 1.736 học sinh, trong đó gần 100% học sinh đi xe gắn máy. Năm học 2020 - 2021 nhà trường có 445/554 học sinh khối 10, chủ yếu trong độ tuổi 16 sử dụng xe gắn máy, còn lại đi xe đạp điện.”
Để quản lý lượng học sinh sử dụng xe đạp điện, đặc biệt xe gắn máy, theo thầy Dương nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức học sinh trong việc cháp hành Luật Giao thông đường bộ. Trường đã thành lập các “Đội thanh niên xung kích” nhằm giám sát, ghi chép những học sinh vi phạm như không đeo mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng khi ra cổng trường để có biện pháp xử lý.
Số học sinh trường THPT Lương Đắc Bằng, huyện Hoằng Hóa sử dụng xe gắn máy đến trường ngày một nhiều. Ảnh: Trung Lê
Ngày 23-2 Công an huyện Hậu Lộc đã thông báo đến trường THPT Hậu Lộc 2 (xã Văn Lộc, Hậu Lộc) liên quan một học sinh khối 10 của trường vi phạm luật giao thông (lỗi nẹt bô, xe không gương chiếu hậu).
Thầy Lê Văn Khánh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh vi phạm an toàn giao thông nhà trường sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Do học sinh tại trường chủ yếu ở xa đến học tập, nên lượng xe gắn máy, xe đạp điện khá lớn với gần 700 chiếc/1.243 học sinh. Thời gian qua trường đã phối hợp với cơ quan Công an, Ban An toàn giao thông huyện Hậu Lộc tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến từng học sinh, ký cam kết với phụ huynh trong việc quản lý con em sử dụng phương tiện, gắn trách nhiệm cho từng giáo viên chủ nhiệm trong việc đôn đốc, nhắc nhở, tuyên truyền cho học sinh.
Thầy Nguyễn Quốc Ngân, Hiệu trưởng trường THPT Triệu Sơn 1 chia sẻ: “ Đối với học sinh chưa đủ 16 tuổi, nhà trường tuyên truyền, khuyến cáo phụ huynh động viên con em đi xe đạp để đảm bảo an toàn”.
Hiện nay nhiều học sinh chưa có ý thức, chưa hiểu biết pháp luật về giao thông, thậm chí có những em thích “chơi ngông” tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.
Trong năm học 2020 - 2021, lực lượng Công an huyện Đông Sơn đã xử phạt gần 70 trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông, chủ yếu vi phạm các lỗi không đội mũ, xe không có gương chiếu hậu, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông.
Đại diện Đội cảnh sát giao thông huyện Đông Sơn cho biết hàng năm đơn vị tổ chức tuyên truyền 2 đợt chính và các đợt cao điểm trong năm về phổ biến pháp luật an toàn giao thông; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, sân khấu hóa, các sân chơi, chương trình truyền thanh về an toàn giao thông tai các trường THPT trên địa bàn. Cùng với đó tập trung thực hiện tốt mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”…
Thời gian qua Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng thường xuyên ban hành các văn bản hướn dẫn, yêu cầu thực hiện các chỉ thị của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh. Kiểm tra, rà soát, tổ chức giao thông tại các nhà trường phù hợp để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của học sinh.
Tuy nhiên vì nhiều lý do, trong đó phần nhiều do sự lỏng lẻo trong quản lý của gia đình, nên tình trạng học sinh sử dụng xe gắn máy vẫn còn diễn biến phức tạp.
Khoản 1, Điều 21 Nghị định 46/2016 /NĐ-CP quy định: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, máy kéo tương tự xe ô tô.
Như vậy, chỉ học sinh đủ độ tuổi mới được điều khiển phương tiện nêu trên.