Nâng cao y thuật, bồi dưỡng y đức ở Bệnh viện Quân y 211

Hiện nay, bình quân mỗi ngày, gần 300 lượt người bệnh đến khám và 450 lượt người tới điều trị tại Bệnh viện Quân y (BVQY) 211 (Quân đoàn 3); trong đó, gần 100% bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Chính y đức trong sáng, y thuật tinh thông của đội ngũ thầy thuốc BVQY 211 trở thành 'lực hút' để người dân tin, đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

“3 xin” ở Khoa Khám bệnh

Chị Bùi Thị Nghĩa đưa em gái là Bùi Thị Nguyễn (35 tuổi), dân tộc Mường, ở thôn 1, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông (Gia Lai) tới BVQY 211 để phẫu thuật nối xương cánh tay bị gãy do tai nạn giao thông. Có BHYT nhưng chị Nghĩa lại lo lắng việc điều trị bảo hiểm thủ tục rườm rà, chờ đợi lâu và chất lượng không tốt như điều trị dịch vụ. Hiểu rõ tâm lý của người dân, bác sĩ Khoa Khám bệnh (BVQY 211) đã tư vấn, động viên và tiến hành làm thủ tục nhập viện cho chị Nguyễn.

 Bác sĩ Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Quân y 211) siêu âm cho bệnh nhân.

Bác sĩ Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Quân y 211) siêu âm cho bệnh nhân.

Quan sát thực tế tại Khoa Khám bệnh, chúng tôi thấy không chỉ có trường hợp chị em chị Nghĩa mà hàng trăm lượt người dân đến khám, điều trị BHYT tại đây đều được đội ngũ y sĩ, bác sĩ tư vấn, hướng dẫn tận tình, chu đáo. Tâm lý chung của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đến khám lần đầu thường rất lo lắng về thái độ của các thầy thuốc, thủ tục và chất lượng khám, điều trị của bệnh viện.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thiệu, Chủ nhiệm Khoa Khám bệnh (BVQY 211): Khoa Khám bệnh được ví như những người “làm dâu trăm họ”, chỉ sơ suất nhỏ trong thái độ phục vụ hoặc chậm trễ trong chuyên môn cũng gây phiền hà lớn cho người bệnh. Vì vậy, khoa đã quán triệt và thực hiện triệt để nguyên tắc “3 xin” (xin chào, xin lỗi, xin phép) khi tiếp xúc với người bệnh. Đối với những bệnh nhân người dân tộc thiểu số, người già, người khuyết tật, khoa cử nhân viên giúp đỡ, chỉ dẫn tận tình.

Gặp lại chị Nghĩa khi em gái chuẩn bị được phẫu thuật, nét mặt chị không còn những lo âu, hồi hộp như khi mới đến bệnh viện. “Ở dưới huyện ai cũng nói ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình của BVQY 211 là số một khu vực Tây Nguyên; em gái tôi được điều trị ở đây, gia đình yên tâm lắm, các bác sĩ lại rất nhiệt tình, chu đáo”, chị Nghĩa xúc động nói. Còn cụ Lê Công Văn (81 tuổi), trú tại phường Yên Thế, TP Pleiku (Gia Lai), trải lòng: “BVQY 211 như ngôi nhà thứ hai của tôi. Tôi sống được là nhờ các bác sĩ quân y”.

Người dân không phải đi xa

Không chỉ ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình như chị Nghĩa nói, những năm gần đây, BVQY 211 đã khẳng định được thương hiệu với những chuyên khoa sâu và kỹ thuật cao, như: Kỹ thuật vi phẫu nối mạch máu, nối dây thần kinh, nối chi thể đứt lìa, phẫu thuật phaco đặt thủy tinh thể, phẫu thuật nội soi tán sỏi ngược dòng bằng tia laser, điều trị viêm não mô cầu, điều trị ung thư, thẩm mỹ bằng công nghệ laser, xét nghiệm sinh hóa… mang lại niềm hạnh phúc cho hàng nghìn bệnh nhân trên địa bàn Tây Nguyên. Anh Nguyễn Văn Quyết (32 tuổi), ở xã Ia Púch, huyện Chư Prông (Gia Lai) đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về vụ tai nạn xảy ra năm 2014. Trong lúc làm vườn, anh bị máy cắt cỏ cắt đứt lìa bàn chân phải. Gia đình đưa anh và chi thể đứt lìa đến BVQY 211 trong sự hoang mang, lo sợ. Tại đây, các thầy thuốc Khoa Ngoại chấn thương đã tiến hành phẫu thuật nối chân cho anh. Điều mà anh Quyết và gia đình không thể tin nổi là chân anh bây giờ trở lại bình thường như xưa. “Trước đây, tôi nghĩ việc nối chi thể đứt lìa phải được thực hiện tại các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội chứ không thể làm được trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Vậy mà đội ngũ thầy thuốc BVQY 211 đã làm được”, anh Quyết chia sẻ.

 Bác sĩ Trần Xuân Lợi (thứ 2 từ trái sang) phẫu thuật cho bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Xuân Lợi (thứ 2 từ trái sang) phẫu thuật cho bệnh nhân.

Đến nay, đã có gần 80 ca đứt lìa chi được BVQY 211 nối thành công, mang lại hạnh phúc cho bệnh nhân và gia đình. Trao đổi với Thượng tá, bác sĩ Trần Xuân Lợi, Chủ nhiệm Khoa Ngoại chấn thương, chúng tôi được biết, hầu hết các ca phẫu thuật nối chi thể đứt lìa sau khi ra viện đều liên lạc với anh và tình trạng sức khỏe của họ rất tốt, mọi sinh hoạt, lao động trở lại bình thường như trước. Anh Lợi còn cho chúng tôi xem những đoạn video do bệnh nhân gửi về hoạt động của chi thể được nối lại sau khi đứt lìa, như khẳng định sự thành công kỹ thuật vi phẫu tại BVQY 211. “Trên địa bàn Tây Nguyên, tai nạn dẫn đến bị đứt lìa chi thể rất nhiều. Trước đây, bệnh nhân phải đến các thành phố lớn mới thực hiện phẫu thuật được. Nhưng việc đi xa mất nhiều thời gian nên kết quả điều trị không cao, lại tốn kém tiền của. Được sự giúp đỡ của lãnh đạo bệnh viện, đội ngũ thầy thuốc trong khoa và tôi quyết tâm học tập, làm chủ công nghệ vi phẫu để thực hiện các ca nối chi thể đứt lìa”, anh Lợi cho biết.

Theo Đại tá Lê Mạnh Hùng, Chính ủy BVQY 211: Tiến tới xây dựng bệnh viện thông minh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn, Đảng ủy, Ban giám đốc BVQY 211 đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc theo phương châm: “Lấy chuyên môn làm trọng, y đức làm đầu”. Chuyển giao và làm chủ công nghệ, kỹ thuật y học tiên tiến, hiện đại để người dân Tây Nguyên và bộ đội không phải đi điều trị ở các trung tâm lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.

NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/nang-cao-y-thuat-boi-duong-y-duc-o-benh-vien-quan-y-211-592776