Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Dọc theo các tuyến đường trên địa bàn thành phố Nam Định như: Mạc Đĩnh Chi, Lưu Hữu Phước kéo dài… dễ dàng bắt gặp hình ảnh rác thải vứt bừa bãi dưới chân cột điện, dưới gốc cây hay ngoài thùng rác. Nhiều nơi dù có thùng rác công cộng nhưng một bộ phận người dân vẫn vứt các loại rác... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thời gian qua, ở một số địa phương vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, đặt ra yêu cầu cần phải giải quyết triệt để.
Dọc theo các tuyến đường trên địa bàn thành phố Nam Định như: Mạc Đĩnh Chi, Lưu Hữu Phước kéo dài… dễ dàng bắt gặp hình ảnh rác thải vứt bừa bãi dưới chân cột điện, dưới gốc cây hay ngoài thùng rác. Nhiều nơi dù có thùng rác công cộng nhưng một bộ phận người dân vẫn vứt các loại rác: bao bì bánh kẹo, hộp nhựa đựng nước uống, túi ni-lông… không đúng nơi quy định. Hành động thiếu ý thức này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống mà còn làm mất mỹ quan đô thị. Hàng ngày chở con đi học tại Trường Tiểu học Chu Văn An (khu đô thị Thống Nhất) qua đường Mạc Đĩnh Chi, chị Nguyễn Thị Huệ không khỏi bức xúc trước hình ảnh bãi rác nằm ngay cạnh trường, nơi khu đất trống chưa có người dân xây dựng tồn tại một thời gian dài gây mất mỹ quan đô thị và mất vệ sinh nơi công cộng. Chị Huệ cho biết: Nơi đây không phải là điểm tập kết nhưng rác chất thành đống vừa hôi hám, vừa mất mỹ quan đô thị. Đống rác tự phát này thỉnh thoảng được dọn sạch, nhưng chỉ sau vài ngày thì đâu lại vào đấy, rác lại xuất hiện.
Còn tại khu vực đường Lưu Hữu Phước kéo dài nối đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang xây dựng, con đường dài gần 1km nhưng có nhiều đống rác lớn nhỏ, trong đó có những vật dụng cồng kềnh, khó phân hủy như: giường, tủ, ghế sô pha… bị vứt bỏ thành những đống lớn. Ở một số tuyến đường tại các khu vực thưa thớt khu dân cư, rác được vứt bừa bãi đến nỗi bít hết các đường thoát nước. Ông Nguyễn Nam Sơn, người dân sinh sống tại đường Lưu Hữu Phước, cho biết: “Tôi thường xuyên tập thể dục ở nơi đây, thấy rác thải vứt bừa bãi tràn cả ra lòng đường, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Tôi mong chính quyền sớm xử lý tình trạng này để nhân dân chúng tôi có nơi sinh hoạt và tập thể dục”.
Bên cạnh việc hầu hết người dân đều có ý thức bảo vệ môi trường, chỉ có một bộ phận người dân vẫn còn hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, mất mỹ quan. Mặc dù ngành chức năng cùng địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân thu gom, phân loại, để rác đúng nơi quy định; tăng cường các giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý rác nhưng vẫn chưa thể giữ cho môi trường luôn sạch, đẹp. Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2022. Theo đó, nghị định này thay thế Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021. Các hành vi sẽ bị xử phạt ngay theo Nghị định 45 và mức phạt gồm: Hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 150-250 nghìn đồng. Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch… sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng… Mặc dù, chế tài xử lý đã có, nhưng các hành vi vi phạm vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đã liên tục cho người dọn dẹp nhưng dẹp xong thì mấy ngày sau, các bãi rác tự phát này lại tràn ngập rác. Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng, bên cạnh việc kiểm tra, xử lý, chế tài xử phạt nặng hơn đối với các trường hợp vi phạm thì cần những biện pháp căn cơ hơn để xây dựng tinh thần, ý thức bảo vệ môi trường.
Giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những việc làm rất quan trọng nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân và cả cộng đồng. Để làm được điều này, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan, giữ gìn vệ sinh chung bằng những hành động thiết thực hàng ngày như: thường xuyên tuyên truyền, vận động người thân cùng gia đình tham gia quét dọn đường làng, ngõ phố; dọn dẹp, thu gom, không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định; hình thành nét đẹp văn hóa cùng chung tay bảo vệ môi trường ngay tại khu dân cư, nơi công cộng... Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người dân cũng cần tham gia giám sát, lên án hành vi vứt rác bừa bãi của các đối tượng vi phạm để cùng chung tay bảo vệ, làm cho môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp./.