Nâng cao ý thức cộng đồng, giữ gìn nét đẹp văn hóa mùa lễ hội

Thanh Hóa là nơi có nhiều lễ hội diễn ra ở khắp các vùng miền vào tất cả các mùa trong năm nhưng chủ yếu tập trung vào mùa xuân, đặc biệt là tháng giêng.

Mỗi người tự nâng cao ý thức hành động sẽ đem đến một mùa lễ hội giàu ý nghĩa.

Đây là hoạt động không thể thiếu trong sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức lễ hội còn tồn tại những vấn đề bất cập làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm của chốn linh thiêng.

Thực tế, những năm qua, các cấp các ngành đã có những cách làm chặt chẽ trong công tác quản lý, tổ chức nên các lễ hội diễn ra đúng quy định và có nhiều chuyển biến rõ nét. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lễ hội và các vấn đề thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được đặc biệt quan tâm. Ông Phạm Đình Cường, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc, cho biết: Để chuẩn bị cho mùa lễ hội, chính quyền địa phương đã tăng cường vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau các lễ hội, nhất là việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; quyết liệt ngăn chặn, xử lý những sai phạm như tình trạng đeo bám, chèo kéo, nâng giá, ép giá, “chặt chém” du khách... Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường cũng được chú trọng. Qua đó đã thu hút sự tham gia của đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động du lịch; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, lành mạnh, giúp người dân và du khách khi đến với Ngọc Lặc sẽ hiểu hơn về con người và văn hóa, lịch sử địa phương.

Sự chuyển biến tích cực đã thể hiện rõ ở nhiều điểm văn hóa tâm linh. Nếu như những năm trước, khi đến đền Cửa Đạt (Thường Xuân), Phủ Na (Triệu Sơn)... du khách không khó để nhận thấy hiện tượng có nhiều người chèo kéo khấn thuê, xem bói. Trò cờ bạc trá hình qua các trò chơi cũng xuất hiện nhiều làm mất an ninh trật tự và gây phản cảm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, tình trạng này hầu như đã được dẹp bỏ, an ninh trật tự cũng được thắt chặt hơn, tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho khách tham quan và dự lễ.

Tuy vậy, nhiều nơi vẫn còn tồn tại những hình ảnh, hành động phản cảm. Dù đã được tuyên truyền rộng rãi cũng như có sự giám sát, quản lý chặt chẽ từ phía ban tổ chức lễ hội nhưng nhiều người tham gia lễ hội vẫn phớt lờ các quy định. Việc thể hiện lòng thành kính một cách thiếu hiểu biết bằng cách đốt nhiều vàng mã gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Nhiều khuôn viên điểm lễ hội bị khói bụi từ khu vực hóa vàng bay mù mịt rất mất mỹ quan. Vẫn còn nhiều hành vi ngang nhiên “mua bán” với thần, thánh. Một trong những biểu hiện của điều này là ở nhiều lễ hội diễn ra cảnh tượng người người đua nhau nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật và khu vực thờ tự không khác gì hành vi hối lộ, mặc cả với thần, thánh... Nhiều bạn trẻ tham gia lễ hội ăn mặc những bộ cánh phản cảm, xả rác bừa bãi, cười nói thô tục... Tình trạng ăn xin, hành khất nằm, ngồi trước cổng đền, chùa; người bán hàng, khấn thuê, xem bói đeo bám, chèo kéo gây phiền nhiễu cho du khách vẫn còn làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của lễ hội.

Lại một mùa lễ hội nữa đã đến. Để lễ hội phát triển đúng hướng, thật sự là hoạt động văn hóa tín ngưỡng lành mạnh, bên cạnh việc thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong các lễ hội theo Chỉ thị số 27/CT-TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý các hoạt động lễ hội nhằm phát huy những yếu tố tích cực và ngăn chặn những yếu tố tiêu cực trong lễ hội truyền thống. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng tổ chức lễ hội phù hợp với tâm lý, nguyện vọng của nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khắc phục tư duy coi lễ hội là dịp kinh doanh, cơ hội để “moi tiền” của du khách thập phương. Làm sao để mỗi người tham gia thấy được việc đến với lễ hội không chỉ là cuộc du ngoạn tâm linh, mà còn để làm cho con người trí thêm sáng, tâm thêm trong, từ đó nâng cao ý thức, hành xử văn minh, góp phần nâng tầm ý nghĩa của việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa lễ hội trong đời sống hiện đại.

Bên cạnh sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội, rất cần nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội, của cả cộng đồng và xã hội đối với hoạt động có ý nghĩa này. Mỗi người dân thực hiện nếp sống văn minh là góp phần để lễ hội diễn ra thực sự vui tươi, ý nghĩa, thu hút ngày càng đông du khách thập phương về với Thanh Hóa.

Thu Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nang-cao-y-thuc-cong-dong-giu-gin-net-dep-van-hoa-mua-le-hoi/114112.htm