Nâng cao ý thức hộ gia đình phòng, chống sốt xuất huyết

Trước diễn biến số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng gia tăng, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nâng cao ý thức hộ gia đình thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hướng dẫn người dân đậy kín các dụng cụ chứa nước quanh nhà để hạn chế nơi sinh sản của muỗi.

Hướng dẫn người dân đậy kín các dụng cụ chứa nước quanh nhà để hạn chế nơi sinh sản của muỗi.

Theo Trung tâm Y tế huyện Cai Lậy, đến ngày 14-8-2022 (tuần thứ 33), huyện Cai Lậy ghi nhận 641 ca mắc SXH (tăng 136,5% so với cùng kỳ năm 2021), 156 ổ dịch (tăng 271% so với cùng kỳ).

16 xã trên địa bàn huyện Cai Lậy đã triển khai Chiến dịch “Diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống SXH Dengue và bệnh do virus Zika” đợt 1 và đợt 2. Các ngành, đoàn thể, cán bộ phụ trách 122 ấp phối hợp vãng gia các hộ gia đình, kiểm tra các dụng cụ chứa nước và tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp diệt lăng quăng, loại bỏ các vật phế thải chứa nước quanh nhà ngăn không cho muỗi sinh sản; vận động nhân dân ký cam kết diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống SXH. Công tác truyền thông đã nâng cao ý thức phòng, bệnh của mỗi người dân, mỗi gia đình.

Chị Nguyễn Thị Bé Lan (ngụ ấp 4, xã Phú An) chia sẻ: “Qua thông tin tuyên truyền, tôi biết được sự nguy hiểm của bệnh SXH. Mỗi người phải thường xuyên vệ sinh xung quanh nhà tạo môi trường thông thoáng để muỗi không có nơi sinh sản. Bản thân thường xuyên thu gom và hủy các vật phế thải trong nhà và xung quanh nhà (chai, lọ, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến)…”.

Người dân ký cam kết diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống SXH.

Người dân ký cam kết diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống SXH.

Tuy nhiên, hiện nay, còn một số gia đình vẫn còn chủ quan trong phòng, chống SXH. Các thói quen sinh hoạt như sử dụng lu, kiệu chứa nước mưa nhưng không đậy kín; phơi vỏ dừa làm chất đốt và các dụng cụ chứa nước mưa chưa dùng đến nhưng không lật úp hoặc đậy kín làm đọng nước mưa, vô tình làm chỗ cho muỗi đẻ trứng…

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận Lê Phước Tùng cho biết, qua kiểm tra, vẫn còn không ít hộ dân chủ quan, chưa có thói quen diệt muỗi, diệt lăng quăng một cách triệt để trong các thói quen sinh hoạt hằng ngày, cần sớm khắc phục để phòng, chống bệnh SXH hiệu quả. Huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, nâng cao trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong công tác vận động, kiểm tra, giám sát để người dân quan tâm, tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH…

Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi, lăng quăng phát triển, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch SXH nếu người dân không dọn sạch các vật dụng đọng nước, đậy kín lu chứa nước, vệ sinh môi trường thường xuyên. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ cơ sở, rất cần ý thức của mỗi người, mỗi gia đình trong việc loại trừ các ổ sinh sản của muỗi, áp dụng các biện pháp phòng, chống muỗi chích, đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu của bệnh SXH để được tư vấn và điều trị kịp thời.

TRƯỜNG GIANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202208/nang-cao-y-thuc-ho-gia-dinh-phong-chong-sot-xuat-huyet-958118/