Nâng cao ý thức phòng, chống bệnh dại trong mùa hè
Trong 2 năm liên tiếp 2019 – 2020, trên địa bàn tỉnh có trường hợp người tử vong vì bị chó dại cắn. Mùa hè là thời điểm bệnh dại bùng phát mạnh, do đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo, các địa phương và Nhân dân cần quan tâm tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo, cũng như tiêm vắc xin phòng dại kịp thời khi bị động vật nghi dại cắn.
Your browser does not support the audio element.
Những năm qua, theo thống kê của ngành chức năng, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn người phải tiêm phòng điều trị bệnh dại do bị chó, mèo cắn. Như giai đoạn 2013 - 2017, có trên 10 nghìn trường hợp, với 16 ca tử vong do bệnh dại. Trong những năm gần đây, vẫn còn một bộ phận người dân chưa chú trọng tiêm phòng dại cho chó, mèo. Đặc biệt, còn nhiều trường hợp chủ quan không đi tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó cắn, dẫn đến những cái chết thương tâm. Liên tiếp trong 2 năm 2019 - 2020, trên địa bàn tỉnh có trường hợp người tử vong vì bị chó dại cắn. Cụ thể, năm 2019 có 2 trường hợp, năm 2020 có 1 trường hợp, đều xảy ra trên địa bàn huyện Lương Sơn.
Năm 2020, toàn tỉnh có trên 2.100 người phải điều trị phơi nhiễm với bệnh dại. 3 tháng đầu năm nay, con số này là hàng trăm trường hợp. Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh cho biết: Tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh hiện có trên 145 nghìn con. Trong đó, đa số chó được nuôi ở khu vực nông thôn vẫn thả rông nên nguy cơ bùng phát bệnh dại vào mùa hè rất cao, nếu các địa phương không quyết liệt triển khai công tác tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo.
Thực tế như năm 2020, tỷ lệ tiêm phòng dại trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp. Đợt tiêm đầu năm chỉ đạt trên 20%; tổng cả hai đợt tiêm được trên 68.700 liều, chiếm chưa đến 50% tổng đàn chó. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những khó khăn sau sáp nhập ngành chăn nuôi, thú y nên đến hết tháng 8/2020, vẫn còn có những địa phương triển khai tiêm vắc xin phòng dại. Trong khi đó, vào các tháng 5, 6, 7, khi thời tiết nắng nóng gay gắt là điều kiện để virus dại phát triển, nguy cơ bùng phát bệnh dại rất cao.
Năm nay, theo Chi cục CN&TY, đến thời điểm này, các địa phương đang tích cực triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo. Như huyện Kim Bôi đã tiêm được trên 670 liều, Lạc Sơn tiêm được trên 14 nghìn liều, 5 xã của huyện Cao Phong đã triển khai tiêm được trên 1.800 liều. "Từ đầu năm, các huyện đều có kế hoạch tiêm vắc xin phòng dại và ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai tiêm. Qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương, các hộ dân có ý thức về tiêm phòng cho vật nuôi. Tuy nhiên, do lực lượng thú y mỏng nên việc triển khai tiêm còn chậm, thời gian tiêm kéo dài. Có những xã như Nam Thượng (Kim Bôi), tỷ lệ tiêm đạt cao vì các hộ dân đem chó đến một điểm tập trung để tiêm. Còn việc cán bộ thú y phải đến từng hộ tiêm hiệu quả sẽ không cao, thời gian tiêm kéo dài hơn” - đồng chí Trần Tiến Trường cho biết thêm.
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó, mèo. Người nhiễm virus dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì tỷ lệ tử vong gần như là 100%. Để phòng, chống bệnh dại, hàng năm, hộ nuôi chó, mèo cần chấp hành tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi. Đặc biệt, khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân không nên chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị phơi nhiễm với bệnh dại.