Nâng cao ý thức phòng, chống dịch tại các lễ hội, di tích

Mặc dù các khu, điểm di tích trên địa bàn tỉnh đã khuyến cáo, yêu cầu người dân, du khách thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19, nhưng tại một số lễ hội, di tích vẫn còn tình trạng người dân chủ quan, chưa nâng cao ý thức phòng, chống dịch.

Cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch của của người dân khi tham gia các lễ hội

Cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch của của người dân khi tham gia các lễ hội

Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL: “Lễ hội Xuân Nhâm Dần 2022 đã gia tăng đột biến về số lượng du khách, chủ yếu tại Khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo.

Qua kiểm tra, giám sát trực tiếp tại hệ thống cáp treo của Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng, chỉ tính riêng trong ngày mùng 4 Tết, có khoảng 6.000 du khách sử dụng cáp treo để đến với các điểm di tích trong quần thể di tích Tây Thiên (chưa tính số lượng đáng kể du khách sử dụng hành lang đi bộ).

Tính đến ngày 28/2, Khu danh thắng Tây Thiên đã đón khoảng 115.000 lượt du khách. Mặc dù gần 100% du khách đến với di tích đều đeo khẩu trang theo quy định, tuy nhiên, do số lượng du khách rất đông, nên một số thời điểm chưa đảm bảo yêu cầu 5K, chưa đảm bảo khoảng cách, khử khuẩn, nguy cơ mất an toàn liên quan đến dịch bệnh khá cao”.

Thực hiện nghiêm quy định của tỉnh, hầu hết các lễ hội lớn trên địa bàn như Kéo Song, huyện Bình Xuyên; Đền Thính, huyện Yên Lạc; Rước cây bông, chọi trâu, huyện Sông Lô; Cướp Phết, huyện Lập Thạch; Đúc Bụt, huyện Tam Dương… đều tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Tuy nhiên, tại các lễ hội này, nhiều người dân, du khách vẫn chưa nêu cao ý thức phòng, chống dịch.

Tại Khu danh thắng Tây Thiên, tuy chưa vào chính hội, nhưng từ đầu tháng Giêng đến nay đã thu hút một lượng lớn du khách và người dân thập phương tới hành hương, chiêm bái.

Đại diện Ban Quản lý Khu danh thắng Tây Thiên cho biết: “Do lượng khách tới khá đông, nhất là vào các ngày cuối tuần, nên sự giãn cách chưa đảm bảo. Đặc biệt, khi làm lễ, dù đã được nhắc nhở, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để đảm bảo yêu cầu 5K nhưng vẫn xảy ra tình trạng người dân chen lấn, va chạm nhau khi hành lễ, di chuyển”.

Hơn nữa, việc bảo vệ môi trường trong tổ chức lễ hội được các Ban Quản lý di tích trên địa bàn tỉnh nhắc nhở, yêu cầu du khách tuân thủ từ việc không tập trung ăn uống, vứt rác đúng nơi quy định… nhưng tình trạng này vẫn diễn ra sau khi du khách hành lễ, cùng nhau “tản lộc” ăn uống thành nhóm nhỏ, tháo khẩu trang và vứt rác bừa bãi. Đây cũng là những nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch bệnh.

Thực trạng không khai báo y tế cũng là điều đáng nói. Tại nhiều điểm di tích, do lượng du khách quá đông, lực lượng quản lý mỏng, người dân chen lấn, tranh thủ “vượt mặt” cán bộ di tích gây ra việc “bỏ lọt” danh sách thông tin.

Trưởng Tiểu Ban quản lý di tích đền Mẫu Hóa, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo Phạm Văn Minh cho biết: “Tranh thủ cán bộ quản lý di tích nghỉ ăn cơm giữa giờ hoặc kiểm tra một số điểm lễ trong đền, nhiều trường hợp người dân tới hành lễ không chờ đợi khai báo, qua luôn “cửa gác” vào bên trong. Khi phát hiện, Tiểu Ban quản lý đã yêu cầu du khách quay lại khai báo, thực hiện sát khuẩn đầy đủ mới có thể tham gia hoạt động lễ bái tại đây”.

Có thể nói, việc đeo khẩu trang được du khách, nhân dân thực hiện khá nghiêm túc khi đến với các di tích, lễ hội, nhưng đảm bảo giãn cách khi di chuyển cũng như ý thức việc sát khuẩn, khai báo y tế, gìn giữ môi trường còn chưa được thực hiện tốt.

Nhằm hạn chế tình trạng trên, ngoài sự tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở của các ban, tiểu ban quản lý di tích địa phương, lực lượng chức năng thì người dân cần nâng cao ý thức, nhận thức sâu sắc về nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các di tích, lễ hội.

Chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường hoạt động quản lý, kiểm tra. Đoàn thanh tra của ngành Văn hóa cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét việc tạm dừng đón khách đối với những lễ hội, di tích có số lượng du khách đến quá đông, có nguy cơ cao mất an toàn về phòng, chống dịch.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/74356/nang-cao-y-thuc-phong-chong-dich-tai-cac-le-hoi-di-tich.html