Nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy
Diễn biến về tình hình cháy nổ trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước gây ra những hậu quả nặng nề về người và tài sản cho thấy công tác phòng cháy chữa cháy hiện nay được đề cao hơn bao giờ hết; trong đó ý thức của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần phải được đặt lên hàng đầu.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có 3.562 cơ sở thuộc diện quản lí nhà nước về phòng cháy chữa cháy (PCCC), trong đó có 716 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao gồm: Các kho vật liệu nổ công nghiệp; các kho và cửa hàng xăng dầu - gas, các chợ và trung tâm thương mại, các khu công nghiệp, khu thương mại, rừng các loại, đặc biệt là rừng thông, rừng keo, các khách sạn, các trạm biến áp, 220kV, 110kV, các nhà máy may công nghiệp, nhà máy ván ép, xí nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ có lò sấy, bệnh viện, trường học, thư viện... Đặc biệt, trong đó có 462 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nằm xen cài trong khu dân cư. Ngoài ra, còn có 275 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh. Có thể nói, nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ đang ngày càng có những diễn biến phức tạp.
Trong giai đoạn 2014-2018, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 213 vụ cháy làm chết 3 người, bị thương 16 người, thiệt hại 48,297 tỉ đồng và 319,77 ha rừng; nếu tính cả thiệt hại gián tiếp như chi phí khắc phục hậu quả, thất thu thuế… thì thiệt hại tăng lên gấp 3- 4 lần. Bên cạnh đó, có những thiệt hại không thể thống kê thành tiền được như ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tác động đến môi trường đầu tư, môi trường sinh thái, tính mạng, sức khỏe con người… Qua điều tra cho thấy, nguyên nhân chính chủ yếu là do con người thiếu ý thức và kiến thức về PCCC; số vụ cháy, nổ do ý thức chủ quan của con người gây ra chiếm tỉ lệ tới 56% tổng số vụ cháy, nổ.
Từ diễn biến cháy nổ trong thời gian qua trên phạm vi của nước và tại Quảng Trị nói riêng, các giải pháp về PCCC đang được các ngành chức năng triển khai mạnh mẽ như hoàn thiện kết cấu hạ tầng về PCCC, thực hiện nghiêm ngặt các quy định pháp luật về PCCC, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Trên tinh thần “Toàn dân tham gia PCCC” các lực lượng chức năng đã tổ chức 207 lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở; tổ chức tuyên truyền tại các khu dân cư, hội họp đoàn thể, trường học với 4.218 người tham gia. Bên cạnh đó, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở với 12.742 người tham gia. Thông qua công tác tuyên truyền, huấn luyện, ý thức của các đơn vị, doanh nghiệp, người dân trong chấp hành chính sách pháp luật về PCCC được nâng lên rõ rệt, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực về ý thức PCCC trong toàn dân, qua công tác thanh tra, kiểm tra vẫn phát hiện nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ dân còn xem nhẹ công tác PCCC. Mới đây, qua giám sát và kiểm tra hiện trường, các cơ quan chức năng ghi nhận thực trạng hệ thống điện trong các chợ trên địa bàn tỉnh mặc dù đã có những cải thiện nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro chập cháy, nhất là các chợ khu vực, chợ cấp xã. Phần lớn các chợ chưa lắp đặt được hệ thống camera kiểm soát hệ thống báo cháy tự động, nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ còn cao. Đặc biệt, đối với các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố Đông Hà, dù được đầu tư trang bị hệ thống PCCC khá đồng bộ nhưng không có người được huấn luyện sử dụng trang, thiết bị ứng trực thường xuyên; các nhân viên phụ trách các thiết bị PCCC gặp lúng túng trong vận hành; việc huấn luyện cho lực lượng PCCC tại các cơ sở này chưa đáp ứng được yêu cầu; hệ thống thoát nạn có chú ý quan tâm lắp đặt nhưng chưa bảo đảm thoát nạn nhanh, có nơi còn lắp đặt theo kiểu đối phó, không có tác dụng thoát nạn. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất quy mô lớn, sử dụng hàng ngàn lao động nhưng thiết kế, lắp đặt các biểu bảng về tiêu lệnh chữa cháy, nội quy PCCC còn sơ sài, chữ nhỏ, mờ, lại treo ở chỗ khuất tầm nhìn nên hiệu quả tuyên truyền trực quan cho người lao động chưa cao… Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện 94 trường hợp vi phạm và phải xử lí hành chính. Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay vẫn còn 248 cơ sở, doanh nghiệp chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Thực trạng trên cho thấy một bộ phận tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình vẫn còn xem nhẹ công tác PCCC dẫn đến nguy cơ mất an toàn về cháy nổ ngày càng cao. Theo dự báo của các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, với sự phát triển kinh tế - xã hội, quy mô, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp, các địa điểm kinh doanh dịch vụ ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc sử dụng các dạng năng lượng đầu vào như điện, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng cũng tăng lên... dẫn đến nguy cơ cháy và thiệt hại có chiều hướng gia tăng. Tình hình cháy rừng tiếp tục có những diễn biến khó lường do biến đổi khí hậu theo chiều hướng nhiệt độ trái đất nóng lên, trong khi đó tập quán phát nương làm rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn duy trì…
Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về PCCC trong toàn dân cần phải được đặt lên hàng đầu theo hướng phòng ngừa là chính. Trong đó, cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC trong các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, từng khu dân cư, từng hộ gia đình, để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ gây nên cháy, nổ. Có như vậy, mới hạn chế được các trường hợp cháy nổ xảy ra, gây thiệt hại cho xã hội.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=142947