Nâng cao ý thức vệ sinh môi trường

Rác ùn ứ ven đường nông thôn, hẻm phố vắng như một chuyện thường tình bấy nay và chưa có bất kỳ lời giải nào cho chuyện rác. Đang trong những ngày hè nóng nực, những bãi rác tự phát này là ổ chứa ruồi nhặng, mầm bệnh.

Nâng cao ý thức vệ sinh môi trường

Bài & ảnh: DUYÊN DUYỀN

Thứ Ba, 01-06-2021, 14:55

+ | Print

Bãi rác tự phát trên cánh đồng xã Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam.

Bãi rác tự phát trên cánh đồng xã Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam.

Rác ùn ứ ven đường nông thôn, hẻm phố vắng như một chuyện thường tình bấy nay và chưa có bất kỳ lời giải nào cho chuyện rác. Đang trong những ngày hè nóng nực, những bãi rác tự phát này là ổ chứa ruồi nhặng, mầm bệnh.

Ấm ức người trong hẻm...

Trong một con hẻm sâu trên đường Trần Nhân Tông, Hội An (Quảng Nam), một bên là đất phân lô, cỏ mọc. Bên kia bờ sông, dừa nước mọc tốt lùm. Cuối hẻm, một căn villa, khách nước ngoài đang thuê. Chính không gian này tạo điều kiện cho những hộ gần đó ném trộm rác vào hai bên lối đi. Ông Alex (người Scotland), thuê căn villa này luôn phàn nàn với chủ nhà rằng: “Đường vào nhà tôi không phải là bãi rác”!

Sau những phàn nàn, chủ nhà, chị Đỗ Thị Ngọc Hồng luôn ra dọn rác, thứ đốt, thứ dẹp vào sâu bên trong, thứ đẩy đùn xuống dòng sông nhỏ trôi đi chỗ khác, để khách bớt kêu. Thực tế, chị không muốn dọn dẹp không công cho những ai tiện tay ném, xả. Chị Hồng cho hay: “Đốt rác như vầy, không lựa theo chiều gió, tàn bay vào bể bơi, khói bay vào nhà rất độc cho người thuê ở, cho những nhà chung quanh”.

Giãn cách ba tuần vừa qua, không bán hàng ăn, chị Hồng ở nhà. Nhưng, chiều đó, chị nghe tiếng la quát từ căn nhà villa của mình. Chị Hồng chạy ra, thấy hai người đàn ông đẩy xe hai bánh, chất: ga, nệm, phông, rèm... cũ. Một bên là hai người hàng xóm của chị, một bên là người thuê nhà của chị. Chị Hồng nói to: “Nếu không có ông ấy phát hiện, tôi không biết được ai xả rác ở đây? Tại sao anh đi dọn dẹp các khách sạn, cứ tha lôi đồ cũ về đây bỏ. Từ nay có rác chỗ này, là tôi nói anh xả. Nếu có đoàn vệ sinh môi trường về đây kiểm tra, tôi cũng sẽ nói là anh”.

Lời đanh thép đó không làm nhụt chí kẻ đổ rác. Vị khách nước ngoài cũng muốn hăm dọa mạnh hơn, túm tay anh kéo xe, tay kia giơ nắm đấm. Anh đẩy xe nói: “Đây là đất không có chủ. Mi sợ chi. Đánh thằng tây đi”. Chị Hồng nói to: “Không được đánh người ta. Người ta ở đây hợp pháp. Họ nói điều chính đáng. Anh làm như vậy có đúng không? Anh có thấy tôi bao buổi chiều dọn dẹp rác ở đây không”?...

Nhưng tất cả những lời can ngăn vẫn thua hai người đàn ông khỏe mạnh và cùn. Họ vứt đồ xuống mép sông, châm mồi lửa cháy bùng. Khói bay tạt vào những nhà phía ngoài hẻm, nhiều người chạy ra nói rằng, mẹ tôi nằm nhà, khói này bay vào, mẹ tôi khó thở. Mẹ tôi là thím, là dì của các anh. Tại sao các anh lại làm điều đó?

Đó là một trong vô vàn chuyện đổ rác khu dân cư diễn ra hằng ngày, người ném rác, người đổ rác với lý do không là đất đai của ai, nơi đó sẽ là bãi rác. Người chung quanh cũng rất e ngại khi lên tiếng. Thành thử, rác vẫn tồn tại, đốt, tuồn xuống sông rạch, được một vài ngày lại xuất hiện rác mới.

Đường làng thơ mộng... rác!

Cô Lê Thị Thiêm sống ở làng tranh Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) về Hội An chơi. Tôi nói: “Đường Thanh Niên ven biển xuyên qua hàng dương rất đẹp”. Cô Thiêm cười lạt, căn dặn tôi rằng: “Nay, đừng đi đường đó. Rác tấp hai đường, thúi rình!”.

Rác ven đường khuất lấp nhà dân đang thành nỗi hoảng sợ của con người, không ai vô can, rác thành câu chuyện hòa cả làng vì ai cũng là thủ phạm. Không riêng gì ở Quảng Nam mà rác thải vứt bừa bãi đang là tình trạng đáng lo ngại ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước. Cạnh những con đường liên thôn, liên xã ở đâu cũng bắt gặp những bãi rác tự phát dăm bữa, nửa tháng có khi hằng năm. Ví như con đường liên thôn thuộc xã Duy Vinh (Duy Xuyên, Quảng Nam) là một thí dụ sinh động về “thành lũy” xây lên từ rác.

Mặc dù đến nay đã có khoảng 50% các xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom chưa đáp ứng nhu cầu nên rác vẫn tràn ngập khắp nơi công cộng, ao, hồ và các điểm giáp ranh giữa các thôn, xóm. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn được người dân đóng thành bao ném xuống sông, trên các kênh, rạch, sông ngòi… Bão lụt năm 2020, phố cổ Hội An ngập rác từ thượng nguồn theo nước lũ tràn về phố.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước vì rác không được xử lý. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng chất thải sinh hoạt nông thôn trong cả nước khoảng 32 nghìn tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom còn thấp, trung bình đạt khoảng 40 - 50% so lượng chất thải sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ thu gom chất thải tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, thị tứ cao hơn tỷ lệ thu gom tại các vùng sâu, vùng xa.

Khảo sát trong nhiều địa bàn dân cư, người dân vẫn tồn tại suy nghĩ ném rác ra khỏi nhà, chưa ý thức được môi trường chung của cộng đồng chung sống. Ngay tại những địa điểm có bố trí thùng rác, vẫn bắt gặp người dân không mở thùng cho rác vào mà để rác bên cạnh, vứt lên nóc thùng. Vấn đề rác và vệ sinh chung, cần phải nỗ lực tuyên truyền nhiều hơn nữa, vận động, huy động nhiều ban, ngành đoàn thể cơ sở để người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/nang-cao-y-thuc-ve-sinh-moi-truong-648789/