Nâng cao ý thức về văn hóa công vụ
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an cho biết: Từ ngày 30/8/2023 đến ngày 25/9/2023, các tổ công tác Cục CSGT đã phối hợp Công an địa phương trực tiếp kiểm soát 104.799 phương tiện (59.153 xe ô tô, 45.646 xe mô tô và xe máy điện), phát hiện và bàn giao cho Công an các đơn vị địa phương lập biên bản xử lý 3.617 trường hợp (936 ô tô, 2.670 mô tô, 11 xe máy điện).
Đáng chú ý là: Trong số các trường hợp vi phạm, có 3.453 trường hợp người điều khiển phương tiện (885 ô tô, 2.558 mô tô, 10 xe máy điện) vi phạm về nồng độ cồn, 35 trường hợp (10 ô tô, 24 mô tô, 1 xe máy điện) không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, 160 trường hợp là công chức, Công an, Bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, nhà báo…
Ở một diễn biến khác: Triển khai kế hoạch kiểm tra, đôn đốc về việc thực hiện “Tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container và các hành vi vi phạm Trật tự an toàn giao thông”, ngày 23/9/2023, các Tổ công tác của Cục CSGT đã phối hợp Công an 5 địa phương trực tiếp kiểm soát phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn các tỉnh: Bắc Giang, Đắk Lắk, Trà Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh. Qua đó đã phát hiện xử lý 199 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn (54 ô tô, 144 xe mô tô, 1 xe máy điện), 1 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Trong các trường hợp vi phạm, có nhiều người là cán bộ công chức.
Cụ thể, tại Bắc Giang, trong 92 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, có 1 trường hợp Phó Giám đốc Trung tâm quỹ đất TP. Bắc Giang; 1 trường hợp là Trưởng phòng Tài nguyên môi trường TP. Bắc Giang. Tại tỉnh Đắk Lắk, trong số 45 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, có trường hợp là nhà báo, 1 trường hợp là Giám đốc Bưu điện TP. Buôn Ma Thuột, 1 Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Ea Kar, 1 Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Kar, Giám đốc Trạm đăng kiểm số 4703D, 1 cán bộ Chi cục Thú y Đắk Lắk...
Căn cứ nội dung của Chỉ thị 10/CT-TTg (ngày 19/4/2023 của Chính phủ) về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn ngoài xử lý theo quy định, lực lượng CSGT còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, cơ quan. Vấn đề còn lại là việc xử lý có nghiêm minh hay không của các cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị đối với người vi phạm?
Những thông tin kể trên nói lên 2 điều:
Thứ nhất, mặc dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền về tác hại của rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông, nhưng số người vi phạm vẫn còn đông, đặc biệt là không ít cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên.
Thứ hai, lực lượng CSGT đã xử lý nghiêm minh, thể hiện rất rõ yêu cầu “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý vi phạm nồng độ cồn, kể cả với người trong lực lượng Công an.
Chấp hành các qui định về an toàn giao thông là nghĩa vụ của mọi công dân. Riêng với đảng viên, cán bộ, công chức… thì còn được yêu cầu phải gương mẫu chấp hành. Và việc này, nhìn một cách rộng hơn, đó chính là văn hóa công vụ. Khi đảng viên, cán bộ, công chức không chấp hành các qui định của pháp luật thì rất khó để đòi hỏi các thành phần công dân khác trong xã hội.
Không thể nói văn hóa công vụ chỉ thể hiện ở nơi thực hành công vụ, còn ngoài đường thì không. Vì thế, các qui định của Đảng, Nhà nước cũng như các cơ quan, đơn vị đều đặt ra yêu cầu đối với tinh thần tự giác của đảng viên, cán bộ, công chức, trong việc chấp hành các qui định của pháp luật, chấp hành mọi lúc, mọi nơi, cả nơi làm việc lẫn nơi sinh sống - nói rộng ra là trong toàn bộ đời sống.
Một nét văn hóa công vụ đặc sắc mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến là gương mẫu và nêu gương sáng. Khi nói về đời sống mới trong công sở, Người khẳng định: “Những người làm trong các công sở càng phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, người cán bộ, công chức muốn dân tin, dân theo, dân ủng hộ thì phải làm tấm gương cho quần chúng noi theo.
Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đặc biệt chú trọng, chăm lo giáo dục, rèn luyện, đề cao tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chúng ta có thể thấy các Quy định số 101-QĐ/TW (ngày 7/6/2012) của Ban Bí thư; Quy định số 55-QĐ/TW (ngày 19/12/2016) của Bộ Chính trị; Quy định số 08-QĐi/TW (ngày 25/10/2018) của Ban Chấp hành Trung ương, cũng như rất nhiều văn kiện ở các hội nghị của Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đề cập đến việc nêu gương của cán bộ, đảng viên và một số việc cần làm ngay. Nhìn vào việc chấp hành các qui định về an toàn giao thông, có thể thấy được nhiều vấn đề khác sâu rộng hơn, mà mỗi công dân, đặc biệt là đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức phải suy nghĩ.