Nâng cấp công nghệ, sửa đổi quy chế để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
Cùng với hệ thống công nghệ thông tin mới được kỳ vọng sẽ thay đổi hoạt động giao dịch và thanh toán bù trừ trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các giải pháp về pháp lý, quy chế, tháo gỡ vướng mắc… để giúp thị trường tiến gần hơn với mục tiêu nâng hạng.
Chia sẻ với báo chí, Bộ Tài chính cho biết nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn thuộc đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” và dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Cụ thể, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ được nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi trước 2025.
Theo Bộ Tài chính, việc nâng hạng thị trường chứng khoán phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức xếp hạng như MSCI và hay FTSE.
Hệ thống công nghệ thông tin mới dự kiến hoạt động từ cuối năm 2022 sẽ giúp thị trường chứng khoán tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng. Ảnh minh họa: M.P
Hiện cơ quan này đang thực hiện một số giải pháp để rút ngắn lộ trình được nâng hạng của thị trường chứng khoán.
Về khung khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường, gồm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; bù trừ và thanh toán trên thị trường chứng khoán; tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư.
Về hoạt động thực tiễn, cơ quan quản lý thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế của thị trường chứng khoán Việt Nam và có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện thêm. Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc với Ngân hàng Thế giới và FTSE Russell để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào ngày 24-6.
Cũng theo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ trao đổi với các cơ quan bộ ngành, hiệp hội, thành viên thị trường và các nhà đầu tư, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tháo gỡ các vấn đề rất quan trọng như tỷ lệ sở hữu nước ngoài, một số quy định trên thị trường ngoại hối trong thời gian tới.
Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan để xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư 2020, đặc biệt là các nội dung về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường công khai, minh bạch về tỷ lệ sở hữu nước ngoài để nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời; nghiên cứu và đưa chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) vào thị trường giao dịch; tập trung hoàn thiện, vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường chứng khoán; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán…
“Hiện các quy định hiện hành đã được sửa đổi theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường áp dụng công nghệ trên thị trường, theo đó, một trong những điểm nổi bật là cho phép đăng ký mã số giao dịch trực tuyến”, Bộ Tài chính thông tin.
Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã lấy ý kiến về dự thảo quy chế thay thế quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán và quy chế thành viên lưu ký. Theo đó, thời gian thanh toán, bù trừ chứng khoán sẽ được rút ngắn từ tháng 8-2022, giúp nhà đầu tư giao dịch ngay trong chiều ngày T+2.
Chính sách này, theo Bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giúp rút ngắn thời gian xử lý ở từng khâu, giảm chi phí lãi suất cho nhà đầu tư trong trường hợp sử dụng vay margin.
Về giải pháp công nghệ, bà Bình cho biết cơ quan này và Bộ Tài chính đang nỗ lực đưa hệ thống giao dịch mới đi vào vận hành từ nay đến cuối năm.
“Hệ thống công nghệ thông tin mới là giải pháp công nghệ không chỉ cho riêng từng sở giao dịch mà cho toàn bộ thị trường chứng khoán với các thay đổi ở cả hoạt động giao dịch và thanh toán bù trừ. Giải pháp này không chỉ giải quyết vấn đề về quy mô giao dịch mà còn mở ra khả năng triển khai giải pháp giao dịch và thanh toán bù trừ mới, hỗ trợ nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian tới”, bà Bình nói tại tọa đàm “Đầu tư tài chính 2022″ ngày 29-6.
Cũng theo bà Bình, việc giao dịch lô lẻ đang trong quá trình tiến hành thử nghiệm tại các công ty chứng khoán thành viên, dự kiến thực hiện xong trong tháng 7 và có thể đưa vào vận hành vào tháng 8-2022.
Về giải pháp dài hạn, cơ quan quản lý sẽ sẽ là năm triển khai quyết liệt việc tái cấu trúc hàng hóa trên hai sở giao dịch trong năm 2023. Cụ thể, các cổ phiếu sẽ chuyển sang tập trung giao dịch ở sàn HOSE, còn sàn HNX sẽ tập trung giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh.
Vân Phong