Nâng 'cấp độ' tinh thần phòng, chống dịch
Hơn một tháng qua, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế đi vào cuộc sống đã cho phép các địa phương trong cả nước phân loại dịch theo bốn cấp độ...
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì.
(baophutho.vn) - Hơn một tháng qua, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế đi vào cuộc sống đã cho phép các địa phương trong cả nước phân loại dịch theo bốn cấp độ, xác định đúng nguy cơ để từ đó đề ra các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Điều này cũng đồng nghĩa với việc muốn hạ cấp độ dịch, “chuyển màu” từ nguy cơ rất cao (màu đỏ) xuống nguy cơ cao (màu cam), nguy cơ trung bình (màu vàng) rồi nguy cơ thấp (màu xanh) thì phải nâng “cấp độ” tinh thần phòng, chống dịch, và như thế, câu chuyện về “cuộc chiến” chống “Cô-vít”, về tinh thần phòng, chống dịch vẫn không bao giờ là cũ, trái lại càng phải sâu sát, quyết liệt hơn khi “trận chiến” ấy vẫn còn không ít cam go và chưa có điểm dừng.
Trên thực tế, dù đã có những chuyển động tích cực từ nhiều góc độ nhưng đối phó với dịch COVID-19 vẫn là mối quan tâm chung, hàng đầu của toàn xã hội. Ngay trong đợt họp tập trung của Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, giữa bộn bề công việc phải bàn thảo để đưa ra quyết định, quyết sách, Quốc hội vẫn dành thời lượng đáng kể cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Từ nghị trường Quốc hội, không ít ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu đã đi sâu phân tích, đánh giá, khẳng định những kết quả đáng mừng trong công tác phòng, chống dịch nhưng cũng đồng thời mổ xẻ, thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn bất cập, đặc biệt là tinh thần phòng, chống dịch ở một số cán bộ, đảng viên.
Đơn cử, cùng với đánh giá cao công tác phòng, chống dịch thời gian qua, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) trăn trở, trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao, bám sát địa bàn để quyết liệt chỉ đạo thì một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chủ quan, bị động trong công tác phòng, chống dịch. Cá biệt, một số cán bộ địa phương có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch như đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực, có trường hợp cán bộ xô xát với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, hoặc có trường hợp cán bộ thi hành công vụ còn xa rơìa thực tế, chưa bám sát nhu cầu của người dân, có nơi còn quá cứng nhắc, lạm quyền trong cách hành xử với người dân, gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù, theo đại biểu, những trường hợp trên tuy không phải là phổ biến nhưng đã tạo ra hình ảnh phản cảm, phần nào ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền, đến công tác phòng, chống dịch.
Người dân huyện Lâm Thao được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19.
Nhìn cùng hệ quy chiếu, có thể thấy, có nhiều nguyên nhân khác nhau chi phối, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng, chống dịch nhưng rõ ràng, yếu tố chủ quan, yếu tố con người vẫn là trên hết, vì thế, rất hiển nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tinh thần phòng, chống dịch phải tiếp tục nâng cao hơn bao giờ hết, hay nói một cách khác, phải nâng “cấp độ” tinh thần phòng, chống dịch. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Công điện số 8149/CĐ-VPCP ngày 7/11/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp chuẩn bị phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn linh hoạt, khoa học, hiệu quả; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả, gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội... Các bộ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, UBND các cấp tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm antoancovid; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không vì đã tiêm vắc xin mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch... cùng nhiều nội dung quan trọng khác.Như vậy, quan điểm chỉ đạo nhất quán của Thủ tướng là phải tiếp tục nâng cao tinh thần phòng, chống dịch bằng tổng hòa các biện pháp, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, cần xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm. Gần ngay với tỉnh ta, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện tự mãn, chủ quan, lơ là; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân chưa làm tròn trách nhiệm, nhiệm vụ, để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng ở 5 ổ dịch mới đây. Công an tỉnh Vĩnh Phúc được giao xem xét, khởi tố đối với một số trường hợp chấp hành không nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch, gây hậu quả về dịch bệnh để đảm bảo tính răn đe của pháp luật.Với Phú Thọ, để tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tình hình thực tiễn, bám sát tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh ngày 11/11/2021, đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã kết luận nhiều nội dung quan trọng, mang định hướng lớn, sâu sát, cụ thể cho công tác phòng, chống dịch, trong đó nhấn mạnh, cần xác định nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bùng phát có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các cấp, các ngành, mỗi địa phương không được chủ quan, lơ là, cần nghiêm túc triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, đồng thời duy trì, phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo ổn định đời sống, TTATXH trên địa bàn...Cùng vận hành trong một chỉnh thể thống nhất, đồng bộ giữa phương châm chỉ đạo và hành động khẩn trương, quyết liệt, tích cực, chủ động, UBND tỉnh cũng đã kịp thời có các văn bản yêu cầu tiếp tục triển khai có hiệu quả, linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn gắn với thực hiện tốt khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kịp thời, đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội; đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ quan, đơn vị... Căn cứ vào tình hình thực tiễn, mới đây, UBND tỉnh đã có Văn bản 5288/UBND-KGVX ngày 13/11/2021 cho phép điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt khi dịch bệnh trên địa bàn dần được kiểm soát chứ tuyệt nhiên không phải giảm nhẹ tinh thần, quyết tâm phòng, chống dịch.Cuộc chiến chống COVID-19 có thể còn gian nan, vất vả nên dù ở bất cứ giai đoạn nào, tinh thần phòng, chống dịch vẫn luôn được đề cao và hy vọng, từ sự đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, chúng ta sẽ sớm có một Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới, “tuyệt đối không để xảy ra bị động, lúng túng, bất ngờ trên cơ sở nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án đối phó phù hợp… góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch” như cách nói của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV.