Nâng 'chất' cho thống kê kinh tế
Theo Quyết định của Thủ tướng về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 (Quyết định số 307/QÐ-TTg ngày 27-02-2020), từ ngày 1-3-2021, Tổng cục Thống kê triển khai tổ chức điều tra thu thập thông tin có quy mô lớn và độ phức tạp nhất của ngành.
Theo Quyết định của Thủ tướng về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 (Quyết định số 307/QÐ-TTg ngày 27-02-2020), từ ngày 1-3-2021, Tổng cục Thống kê triển khai tổ chức điều tra thu thập thông tin có quy mô lớn và độ phức tạp nhất của ngành.
Trong đó, thông tin thu thập được từ Ðiều tra doanh nghiệp (DN) năm 2021 đóng vai trò đặc biệt quan trọng, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục được tình trạng kê thiếu, kê trùng.
Đại dịch Covid-19 xảy ra trong năm 2020, tiếp diễn vào năm 2021 là những trở ngại không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của từng DN và người dân. Chính vì vậy, triển khai Tổng điều tra kinh tế, tuy là việc diễn ra thường xuyên 5 năm một lần, nhưng Tổng điều tra năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thu thập thông tin đầy đủ để thấy rõ bức tranh kinh tế toàn diện của cả nước, sự phát triển của từng khối đơn vị kinh tế thế nào, của từng địa phương, khu vực ra sao. Kết quả thu được là cơ sở quan trọng để Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các địa phương xây dựng, đề ra các chính sách, giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của cả nước, từng ngành và từng địa phương.
Dựa trên kết quả của Tổng điều tra có thể đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất, kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương.
Ðối với Tổng cục Thống kê, kết quả Tổng điều tra là một trong những cơ sở quan trọng biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê. Ðồng thời, để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh, phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội; xây dựng dàn mẫu chủ về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành Thống kê, các bộ, ngành và địa phương.
Những năm trước đây, Ðiều tra DN được thực hiện theo hình thức điều tra gián tiếp hoặc trực tiếp bằng phiếu giấy. Từ năm 2020, phương án điều tra đã có sự thay đổi, khâu thu thập thông tin được thực hiện bằng phiếu điện tử. Tuy nhiên, thông tin thu thập trong phiếu điện tử năm nay có thay đổi lớn so với Ðiều tra DN năm trước; đặc biệt trong việc xác định rõ cơ sở sản xuất với tên, số lượng sản phẩm chính và địa điểm để phản ánh hoạt động sản xuất, kinh doanh đến ngành cấp ba trên địa bàn cấp xã. Tức là, Ðiều tra DN năm 2021 sẽ tiếp cận để cập nhật, khai thác thông tin của các đơn vị điều tra theo định nghĩa chuẩn của quốc tế. DN cung cấp thông tin chi tiết của các chi nhánh, cơ sở sản xuất cùng với địa chỉ, doanh thu hoặc số lượng các sản phẩm chính, chi phí sản xuất và số lượng lao động.
Tuy nhiên, thách thức không nhỏ nảy sinh từ chính việc sử dụng hình thức thu thập thông tin bằng phiếu điện tử trên Webform. Các DN sẽ tự kê khai thông tin trên bảng hỏi trực tuyến, do đó, muốn thu thập đầy đủ số lượng và chất lượng thông tin từ DN, các điều tra viên phải nắm rất rõ quy trình thu thập thông tin, luồng thông tin và các chỉ tiêu cần thu thập để hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm cho DN cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác.
Trong quá trình triển khai thu thập thông tin, có nhiều DN không sẵn sàng hợp tác để cung cấp thông tin, các điều tra viên sẽ phải giải quyết như thế nào cũng là câu hỏi khó cần phải giải. Thêm nữa, phiếu điều tra bao gồm nhiều nội dung chuyên ngành, chuyên sâu, yêu cầu điều tra viên phải có kiến thức am hiểu về kinh tế, thống kê, kế toán và sử dụng thành thạo máy tính. Vì vậy, để tuyển chọn được các điều tra viên đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng là một khó khăn lớn.
Thời gian triển khai thu thập thông tin trùng vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, gây khó khăn cho công tác tập huấn cho điều tra viên và công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai thu thập thông tin. Do đó, công tác tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên các cấp cần được chuẩn bị kỹ lưỡng với nhiều hình thức tập huấn. Ðiều tra viên cũng cần thường xuyên liên hệ với DN để hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ, giải đáp các thắc mắc trong quá trình điền thông tin phiếu điều tra trực tuyến để tránh việc bỏ sót thông tin và nâng cao chất lượng số liệu. Trong trường hợp DN không có đủ điều kiện để điền thông tin trực tuyến, điều tra viên sẽ áp dụng biện pháp điều tra trực tiếp để thu thập thông tin bảo đảm nội dung, chất lượng và tiến độ của cuộc điều tra…
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 nói chung và Ðiều tra DN năm 2021 nói riêng là cuộc Tổng điều tra khó nhất của ngành Thống kê, xét từ cả góc độ lý luận và thực tiễn triển khai thực hiện. Từ những thay đổi về cách thức điều tra DN năm 2021, chất lượng thông tin thống kê DN sẽ được bảo đảm. Trong đó, tính chính xác với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin được nâng cao; việc kiểm tra, kiểm soát thông tin được thực hiện ngay trong quá trình thu thập thông tin; tính kịp thời được bảo đảm khi việc xử lý thông tin được tiến hành đồng thời với quá trình thu thập số liệu. Nhờ những đổi mới của điều tra DN năm 2021, dự kiến kinh phí cho điều tra sẽ tiết kiệm được so các kỳ điều tra trước. Dự kiến, kết quả sơ bộ sẽ được công bố vào tháng 12-2021 và kết quả chính thức vào tháng 1-2022.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/goc-nhin-kinh-te/nang-chat-cho-thong-ke-kinh-te-638327/