Nâng chất công tác xét xử, giải quyết án theo tinh thần cải cách tư pháp

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2022, ngành Tòa án tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật, từng bước nâng chất công tác xét xử các loại án gắn với thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, cải cách tư pháp (CCTP).

Nhiều kết quả nổi bật

Thông tin từ Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, năm 2022, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết các loại vụ việc. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của toàn ngành, nhất là năm 2022 cũng là năm thứ 6 ngành triển khai, thực hiện 14 nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại án theo tinh thần CCTP, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh tập trung chỉ đạo và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của TAND 2 cấp tỉnh.

Nâng cao chất lượng công tác xét xử, bảo đảm tòa án là trung tâm, công tác xét xử là trọng tâm trong thực hiện chiến lược cải cách tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tòa án

Nâng cao chất lượng công tác xét xử, bảo đảm tòa án là trung tâm, công tác xét xử là trọng tâm trong thực hiện chiến lược cải cách tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tòa án

Năm 2022, TAND 2 cấp tỉnh thụ lý trên 16.600 vụ án các loại, giải quyết 12.525 vụ, đạt 85,69%, tăng 1.898 vụ so cùng kỳ, giải quyết tăng 3.408 vụ. Trong đó, án hình sự thụ lý 1.452 vụ, đã giải quyết 1.425 vụ, đạt 98,14%; thụ lý 12.570 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động, giải quyết 10.547 vụ, đạt 83,9%; thụ lý 333 vụ án hành chính, giải quyết 292 vụ, đạt 87,69%. Năm 2022, án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chiếm 0,3%, so cùng kỳ giảm 0,19%; án tạm đình chỉ chiếm 2,75%, không có án quá hạn theo luật định.

Theo Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng, mặc dù yêu cầu, nhiệm vụ của ngành rất nặng nề, số lượng án tăng qua từng năm nhưng TAND 2 cấp tỉnh luôn nêu cao tinh thần chủ động để hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, chất lượng xét xử các loại án được bảo đảm; tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan dưới mức quy định của Quốc hội và TAND Tối cao; tỷ lệ giải quyết án hình sự, hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa đều đạt và vượt chỉ tiêu của TAND Tối cao đề ra.

Đặc biệt, năm 2022, TAND 2 cấp tỉnh triển khai, thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Theo đó, ngay sau khi Luật có hiệu lực, TAND 2 cấp tỉnh tập trung phối hợp các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm phổ biến Luật đến các tầng lớp nhân dân. Đến nay, TAND 2 cấp bổ nhiệm 85 hòa giải viên và trang bị cơ sở vật chất cho công tác hòa giải tại tòa. Riêng năm 2022, có trên 5.600 trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn hòa giải, đối thoại theo luật. Qua hòa giải, đối thoại, có 2.295 vụ việc được hòa giải, đối thoại thành. TAND 2 cấp ra quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành với 1.868 vụ. Bên cạnh đó, một trong những điểm sáng trong công tác xét xử năm 2022 của ngành Tòa án là tổ chức thành công, hiệu quả 70 phiên tòa trực tuyến, bảo đảm đúng, đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng, đáp ứng tiến trình công tác CCTP, xây dựng tòa án điện tử.

Một trong những điểm nổi bật trong CCTP tại TAND 2 cấp tỉnh là công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Trang thông tin điện tử của TAND Tối cao. Trong đó, năm 2022, TAND 2 cấp tỉnh công bố 3.035 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đủ điều kiện công khai theo quy định, đạt 100%. Để xây dựng hình ảnh tòa án thân thiện, gần dân, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, TAND 2 cấp tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Trong đó, tập trung xây dựng Tổ Hành chính Tư pháp theo mô hình "một cửa" của cơ quan tòa án, bảo đảm tách bạch với hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu giải quyết khối lượng công việc ngày càng nhiều của ngành Tòa án.

Nâng cao chất lượng công tác xét xử

Trong năm 2022, TAND huyện Đức Hòa thụ lý 2.674 vụ việc các loại, giải quyết 2.315 vụ việc, đạt 86,57%. So với năm 2021, số vụ việc thụ lý tăng 474 vụ, giải quyết tăng 738 vụ; bình quân mỗi thẩm phán thụ lý 12,9 vụ/tháng, giải quyết 12,05 vụ/tháng, cao gấp 2 lần so với quy định của TAND Tối cao. Trước áp lực lớn, TAND huyện Đức Hòa tập trung xây dựng các giải pháp bảo đảm đẩy nhanh tiến độ giải quyết án và nâng chất lượng công tác xét xử. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, không gây phiền hà, hách dịch, sách nhiễu đương sự khi liên hệ công việc; từng cá nhân, công chức trong đơn vị làm theo khẩu hiệu “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, gần dân, học dân, hiểu dân để giúp dân.

Mỗi thẩm phán sau khi được phân công hồ sơ vụ án phải xác định nội dung đơn khởi kiện có những yêu cầu, quan hệ pháp luật nào cần giải quyết, có bao nhiêu người tham gia tố tụng cần triệu tập, ghi ra bìa hồ sơ để lên kế hoạch xây dựng hồ sơ, phát hành giấy triệu tập mời đương sự. Trường hợp đương sự bận không đến tòa án giải quyết thì thư ký phải hướng dẫn đương sự làm đơn xin giải quyết vắng mặt nhằm rút ngắn thời gian tố tụng của vụ án. Bên cạnh đó, cuối mỗi quí, TAND huyện họp kiểm điểm và rút kinh nghiệm án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan nhằm không để tình trạng án bị hủy, sửa có nguyên nhân giống với án hủy, sửa trước đó.

Năm 2023, Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ và nâng chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm tòa án là trung tâm, công tác xét xử là trọng tâm trong thực hiện chiến lược cải cách tư pháp.

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh - Lê Quốc Dũng

Còn tại TAND TP.Tân An - đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của ngành Tòa án, năm 2022, thụ lý 1.063 vụ án các loại. Nhiều vụ việc có tranh chấp phức tạp, nhất là các tranh chấp về hợp đồng mua bán, hợp đồng vay tài sản, quyền sử dụng đất, đòi lại tài sản hay ly hôn, chia tài sản tạo áp lực trong công tác thụ lý, xét xử. Tuy nhiên, với nỗ lực của toàn đơn vị, năm 2022, tỷ lệ giải quyết, xét xử các loại án của TAND TP.Tân An đạt và vượt chỉ tiêu được giao, đạt 92% so với án thụ lý. Trong năm, TAND TP.Tân An tổ chức 44 phiên tòa theo tinh thần CCTP với 3 phiên tòa trực tuyến, tăng 19 phiên tòa so với năm 2021. Đạt kết quả trên, ngay từ đầu năm, TAND TP.Tân An tập trung thực hiện các giải pháp, sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử và cải cách hành chính tư pháp tại đơn vị. Trong đó, chú trọng công tác đối thoại, hòa giải thành các vụ án dân sự cũng như đối thoại các vụ án hành chính. Bên cạnh đó, TAND TP.Tân An tập trung tổ chức các phiên tòa theo tinh thần CCTP, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa nhằm nâng chất lượng công tác xét xử.

Theo Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng, năm 2023, TAND 2 cấp tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và CCTP. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ và nâng chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm tòa án là trung tâm, công tác xét xử là trọng tâm trong thực hiện chiến lược CCTP./.

Hiện nay, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp, áp lực công việc lớn, trong khi đó, ngành Tòa án vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế nên số lượng thẩm phán, thư ký chưa đủ để đáp ứng yêu cầu công việc. Từ đó, tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc dân sự dù vượt chỉ tiêu nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Thông tin từ Tòa án nhân dân tỉnh

Kiên Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nang-chat-cong-tac-xet-xu-giai-quyet-an-theo-tinh-than-cai-cach-tu-phap-a148301.html