Nâng chất đội ngũ triển khai CTGDPT mới - đa hình thức linh hoạt
Để triển khai hiệu quả Chương trình, SGK mới, ngành GD các địa phương đã chủ động kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn GV. Nhiều nơi xem khâu chuẩn bị đội ngũ là nhiệm vụ quan trọng và dành nguồn lực ưu tiên đầu tư.
Linh động đào tạo, bồi dưỡng
Chuẩn bị Chương trình GDPT mới, từ năm 2017, ngành Giáo dục TP Cần Thơ chủ động triển khai Mô hình Trường điển hình đổi mới. Đây được xem là bước chuẩn bị quan trọng để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vững vàng khi bắt tay thực hiện chương trình mới.
Thực hiện Mô hình Trường điển hình đổi mới, các trường học phải phát huy vai trò tiên phong đổi mới dạy, học và được chú trọng khâu đầu tư con người, cơ sở vật chất. Về đội ngũ, ngành Giáo dục TP Cần Thơ tổ chức, hướng dẫn các trường tiểu học thực hiện việc rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ hiện có, đồng thời căn cứ lộ trình triển khai áp dụng Chương trình GDPT mới, xác định đối tượng và số lượng giáo viên cần đào tạo, bồi dưỡng từng năm để xây dựng kế hoạch.
TP Cần Thơ có 660 giáo viên chủ nhiệm và 745 giáo viên bộ môn dạy lớp 1 được bồi dưỡng. Ngành cử 46 cán bộ quản lý và 289 giáo viên cốt cán tham dự đầy đủ, hiệu quả các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn do Bộ GD&ĐT tổ chức. Tổ chức 37 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên về Chương trình GDPT mới với 3.388 lượt tham dự. Trong đó tiểu học 11 lớp với 998 lượt; THCS 13 lớp với 1.260 lượt; THPT 13 lớp với 1.130 lượt…
Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT rà soát, lập danh sách giáo viên chuẩn bị dạy lớp 2, lớp 6 cho năm học 2021 - 2022. Từ đó, sở xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên cốt cán; tập huấn giáo viên đại trà; tập huấn sử dụng SGK. Tổ chức bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên các cấp học với mô-đun được Bộ GD&ĐT triển khai. Đặc biệt, 100% giáo viên dự kiến được phân công giảng dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 - 2022 được bồi dưỡng các mô-đun theo quy định trước 31/7/2021. Tiếp tục tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên các cấp. Tăng cường tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt cụm, nhóm chuyên môn theo quận, huyện, cụm trường… để giúp giáo viên trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy Chương trình GDPT mới…
Tỉnh Cà Mau dành quan tâm hàng đầu cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ thực hiện Chương trình GDPT mới. Tỉnh điều chỉnh sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và các bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn mới và đáp ứng với yêu cầu thực hiện chương trình mới…
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, triển khai Chương trình, SGK mới, tỉnh đánh giá đúng thực trạng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trường học. Có biện pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp... Ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện kế hoạch lựa chọn SGK phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, điều kiện tổ chức dạy học của địa phương. Rà soát, hoàn thiện các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để triển khai Chương trình, SGK phổ thông mới, nhất là các cơ sở giáo dục tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021 và cho những năm tiếp theo đối với các lớp học, cấp học còn lại theo lộ trình…
Nâng chất đội ngũ là nhiệm vụ trọng tâm
Ở góc độ nhà trường, theo chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP Cần Thơ), xuất phát từ quan điểm “thành bại của công việc quyết định ở con người”, nhà trường coi việc nâng chất đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm khi chuẩn bị các điều kiện áp dụng Chương trình, SGK mới.
Theo thầy Bắc, khó khăn lớn nhất trong việc chuẩn bị đội ngũ là trường đang ở giai đoạn chuyển giao độ tuổi. Thời điểm áp dụng chương trình mới, trường có 16 giáo viên nghỉ hưu, hết chu kỳ thay SGK năm 2025 có thêm 18 giáo viên nghỉ hưu, chiếm tỷ lệ 39,5% đội ngũ giáo viên của trường.
Trong việc nâng chất đội ngũ giáo viên, Ban giám hiệu Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa đặt ra hai nhiệm vụ: Động viên giáo viên lớn tuổi tiếp tục tự bồi dưỡng để đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ theo chương trình GDPT hiện hành với định hướng mới, vừa là tấm gương cho đội ngũ giáo viên trẻ noi theo trong việc tự học, tự rèn; Xây dựng đội ngũ giáo viên của trường còn thời gian phục vụ từ 8 năm trở lên trở thành lực lượng cốt cán trong việc giáo dục học sinh theo Chương trình GDPT mới.
“Giải pháp trước tiên là học tập, bồi dưỡng bằng cách tổ chức tìm hiểu chương trình GDPT của môn học. Xây dựng và phát triển chương trình môn học của nhà trường. Sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; Xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng; Học tập thông qua trải nghiệm…”, thầy Bắc cho biết.
Trao đổi về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình mới, thầy Nguyễn Minh Nhựt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Mỹ, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) thông tin: Trường tập trung cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1 về năng lực, hiểu rõ chương trình tổng thể và sẵn sàng giảng dạy SGK mới. Trường thường xuyên triển khai tập huấn giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, tăng cường kỹ năng thực hành, tổ chức ngoại khóa… giúp thầy cô nắm được lý thuyết, sau đó ứng dụng vào thực tế.
Đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép địa phương tổ chức tập huấn linh hoạt bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến nhằm đáp ứng mục tiêu 100% cán bộ quản lý và giáo viên được tập huấn Chương trình GDPT mới; được bồi dưỡng sử dụng SGK mới với chi phí thấp, hiệu quả. - Bà Trần Hồng Thắm