Nâng chất lượng chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là ngành y tế luôn chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ở vùng khó khăn.

Cán bộ Trạm Y tế xã Hùng Việt, huyện Tràng Định khám sức khỏe cho người dân

Cán bộ Trạm Y tế xã Hùng Việt, huyện Tràng Định khám sức khỏe cho người dân

Toàn tỉnh hiện có trên 812.000 người, trong đó trên 83% là người DTTS. Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với quyết tâm mang đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ở vùng khó khăn, ngành y tế đã tập trung nâng cấp cơ sở vật chất y tế tại vùng sâu, vùng xa cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao, am hiểu văn hóa và tâm lý của đồng bào. Bên cạnh đó, ngành thường xuyên tổ chức các chương trình khám, chữa bệnh lưu động, các hoạt động truyền thông về sức khỏe, tập trung vào đối tượng người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhất là người DTTS về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe và tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận những dịch vụ y tế tốt nhất ngay từ cơ sở.

Theo đó, Sở Y tế đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025).

Để tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào DTTS đối với các dịch vụ chăm sóc có chất lượng về sức khỏe, ngành y tế đã cải thiện chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở bằng những giải pháp thiết thực như: xây dựng, nâng cấp các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế, có cơ chế đào tạo cán bộ là người DTTS. Giai đoạn 2016 - 2023, toàn ngành đã có 2.982 lượt cán bộ y tế được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có 2.336 lượt cán bộ y tế là người DTTS, chiếm 78,3%.

Nhờ đó, đến nay mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động với 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 83,5% xã có bác sĩ làm việc (tăng 3% so với năm 2019); 97% xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh (tăng 0,5% so với năm 2019); 11,3 bác sĩ/vạn dân (tăng 0,3 so với năm 2019).

Bà Nguyễn Thị Nhâm, 75 tuổi, dân tộc Tày ở xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cho biết: Tôi bị cao huyết áp, xương khớp hơn chục năm nay. Những năm gần đây, tôi khám định kỳ hằng tháng ở Trạm Y tế xã không phải đến Trung tâm Y tế huyện như trước nữa. Tại đây, tôi được bác sĩ khám, tư vấn và phát thuốc hằng tháng. Tôi uống đều nên huyết áp ổn định, chân tay không đau nhức.

Cùng với củng cố mạng lưới y tế cơ sở, công tác kiểm soát dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS được chú trọng. Thông qua truyền thông, công tác phòng, chống dịch bệnh ở vùng DTTS ngày càng được quan tâm, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân được nâng lên. Đơn cử, bệnh sốt rét được loại trừ từ năm 2019; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm A (H5N1, H9N2), sốt xuất huyết, bệnh dại, bạch hầu đều được giám sát chặt chẽ. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 8 ca sốt xuất huyết, giảm 16 ca so với cùng kỳ năm 2023.

Bác sĩ Bế Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm Y tế Tràng Định cho biết: Với trên 90% dân số là đồng bào DTTS, những năm qua, trung tâm đã tập trung chỉ đạo nâng cao khả năng, chất lượng khám, chữa bệnh của cả 2 tuyến, đặc biệt quan tâm đến y tế cơ sở. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, số lượt khám bệnh của toàn huyện đạt hơn 97.000 lượt, trong đó tuyến xã chiếm gần 70%. Cùng đó, chúng tôi luôn thực hiện tốt vai trò tham mưu triển khai các hoạt động phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường truyền thông tư vấn, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của cộng đồng.

Cùng đó, các cơ sở y tế trên địa bàn đã quan tâm triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao sức khỏe, thể trạng, tầm vóc cho người dân vùng DTTS như: tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh; mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại các xã đặc biệt khó khăn…

Nhờ đó, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS trên địa bàn ngày càng được nâng lên. Đến nay, tỉ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh tại các xã có triển khai can thiệp tại khu vực III thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 29,3%, vượt 4,3% so với chỉ tiêu giao; trên 90% phụ nữ mang thai được tư vấn dinh dưỡng; trên 95% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào DTTS được tiếp cận với các sản phẩm can thiệp dinh dưỡng… Qua đó, góp phần phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, nâng cao sức khỏe, tầm vóc thanh, thiếu niên DTTS. Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi về cân nặng là 15,1%, (giảm 2,1% so với năm 2019), về chiều cao là 21,8% (giảm 3,6%).

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, nhất là khám, chữa bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở; ưu tiên kết nối, hội chẩn, khám bệnh, chữa bệnh từ xa với tất cả các cơ sở y tế có khám, chữa bệnh cho người bệnh là người DTTS.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/vuot-kho-nang-chat-luong-cham-soc-suc-khoe-dong-bao-dan-toc-thieu-so-5027582.html