Nâng chất lượng để tăng giá trị lúa gạo Việt Nam
Thời gian qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước. Vậy điều gì khiến gạo Việt Nam có được những thay đổi như vậy?
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết tình hình xuất khẩu gạo của nước ta từ đầu năm đến nay?
Ông Lê Thanh Hòa: Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam xuất khẩu được 4,5 triệu tấn gạo với giá trị 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Các thị trường chính nhập khẩu gạo của Việt Nam, gồm: Philippines, Senegal, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc. Theo dự báo, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ không giảm và có thể tăng so với năm 2019 do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính thường tăng vào dịp cuối năm.
PV: Việc tái cơ cấu ngành đã tác động như thế nào đến sản xuất, xuất khẩu lúa gạo thời gian qua, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hòa: Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai kế hoạch tái cơ cấu, trong đó có ngành hàng lúa gạo. Việc tái cơ cấu góp phần nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm lúa gạo của Việt Nam, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện chủng loại gạo của Việt Nam đã có sự thay đổi, gạo trắng thường xuất khẩu chỉ còn khoảng 40% tổng kim ngạch; các loại gạo thơm, chất lượng cao có sự tăng trưởng, chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu. Thêm vào đó, giá gạo xuất khẩu tăng hơn 13% so với năm 2019, đạt bình quân khoảng 485 USD/tấn. Việc tái cơ cấu cũng đã thúc đẩy việc lai tạo và chọn giống, lần đầu tiên Việt Nam có giống gạo thơm đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới là gạo ST25. Tuy nhiên, để nhân giống, sản xuất đại trà và có nguồn cung ổn định còn cần thời gian.
PV: Xuất khẩu là quan trọng đối với ngành hàng lúa gạo nhưng với thị trường nội địa khoảng 96 triệu dân cũng không thể coi nhẹ, thậm chí còn quan trọng hơn vì nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lớn hơn nhiều so với sản lượng xuất khẩu. Vậy ngành nông nghiệp sẽ làm gì để chinh phục các “thượng đế” ngay trên “sân nhà”, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hòa: Việt Nam sản xuất trung bình mỗi năm khoảng 40-43 triệu tấn lúa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của phần lớn người dân trong nước và một phần xuất khẩu ra thế giới. Để phục vụ người tiêu dùng trong nước, các địa phương đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng các giống lúa gắn với tính đặc thù của địa phương mình; ví như gạo Tám Điện Biên, gạo Séng Cù Lào Cai, gạo Tám Hải Hậu, gạo Tài Nguyên Chợ Đào..., gần đây là ST24 và ST25. Các loại gạo hạt trong từ giống lúa Nhật Bản cũng đã được trồng và phát triển tại nhiều địa phương. Với việc phát triển các loại gạo ngon đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân các vùng miền trong cả nước; trên thực tế, các doanh nghiệp chế biến và thương mại đã rất thành công trong việc cung ứng cho thị trường nội địa.
PV: Với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực và khoảng 80.000 tấn gạo của Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ được miễn thuế; ngoài việc bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu vào thị trường khó tính này, ông có những lưu ý gì đối với doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu?
Ông Lê Thanh Hòa: EU là thị trường đòi hỏi yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm. Gần đây, EU dự kiến áp dụng quy định mức dư lượng tối đa đối với một số hóa chất bảo vệ thực vật (rất thấp, khoảng 0,01 ppm) nên doanh nghiệp và nhà sản xuất cần lưu ý khi sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác lúa gạo xuất khẩu vào thị trường này. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác phải bảo đảm đúng các yêu cầu của EU. Các doanh nghiệp cần phải có định hướng xây dựng thương hiệu gắn với đặc thù của sản phẩm, chỉ dẫn địa lý để phát triển và khai thác tốt thị trường này. Riêng về chứng nhận gạo thơm xuất khẩu vào EU (hạn ngạch 30 nghìn tấn phải bảo đảm tính đúng giống theo danh mục 9 giống lúa thơm là Jasmine 85, ST 20, ST 5, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào. Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 4-9-2020 quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU.
PV: Hiện lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu vào EU vẫn rất khiêm tốn so với Thái Lan, Ấn Độ, thậm chí cả Campuchia. Vậy gạo Việt Nam trong thời gian tới sẽ phải làm gì để có thêm thị phần từ thị trường này (bên cạnh lợi thế về 80.000 tấn được miễn thuế), thưa ông?
Ông Lê Thanh Hòa: EU là thị trường lớn, mỗi năm tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu gạo vào EU đạt 5,6 triệu USD, tăng 41,3% so với năm 2017; năm 2019 đạt 10,7 triệu USD, tăng 92,1% so với năm 2018 và 6 tháng năm 2020 đạt 7 triệu USD, tăng 61,2% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, trong những năm vừa qua, Việt Nam xuất khẩu vào EU lượng gạo trung bình từ 15.000 đến 20.000 tấn và giá xuất khẩu trung bình năm 2019 khoảng 700 USD/tấn. Xét về tổng thể, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU đúng là rất khiêm tốn so với hạn ngạch 80.000 tấn mà EU cấp cho chúng ta khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Hơn thế nữa, gạo tấm của ta xuất khẩu vào EU cũng được giảm thuế chỉ còn 65 eur/tấn, thấp hơn 1/2 thuế suất của các nước khác và sẽ được cắt giảm về 0% sau 5 năm. Như vậy, dư địa cho việc gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu vào EU trong các năm tới là rất lớn. Nếu doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, tìm kiếm được các đối tác khách hàng, khả năng lượng gạo xuất khẩu vào EU có thể vượt 100.000 tấn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!