Nâng chất nguồn nhân lực, kiến tạo tương lai
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tỉnh. Đây không chỉ là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
An Giang thuộc vùng ĐBSCL, kinh tế - xã hội (KTXH) đang trên đà phát triển. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò then chốt. Theo UBND tỉnh, toàn tỉnh có gần 2.200 cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Trong đó, cán bộ, công chức cấp huyện chiếm trên 51% và cán bộ, công chức cấp tỉnh chiếm gần 49%. Qua đó, phản ánh sự cân đối tương đối giữa 2 cấp, phù hợp yêu cầu triển khai các nhiệm vụ hành chính công và phục vụ trực tiếp người dân.
Về cơ cấu trình độ chuyên môn, tỷ lệ cán bộ có trình độ từ đại học trở lên gần 96%. Trong đó, trình độ đại học gần 70%, thạc sĩ trên 25%, tiến sĩ gần 1%. Nhóm cán bộ, công chức có trình độ dưới đại học chỉ chiếm hơn 4%. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, toàn tỉnh có trên 32.300 người. Trình độ chuyên môn của viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập có trình độ đại học chiếm 77,44%. Tỷ lệ viên chức có trình độ sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) tuy còn khiêm tốn, lần lượt là 5,92% và 0,37%, nhưng đây vẫn là nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị.

Những năm qua, tỉnh triển khai nhiều chính sách, pháp luật nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH. Cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh nghiêm túc quán triệt và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội và Chính phủ được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, tạo nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Theo Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành trong việc thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Các lĩnh vực trọng tâm, như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng triển khai, mang lại nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề tăng lên, chất lượng giáo dục ở các khu vực khó khăn từng bước được cải thiện và nhận thức về chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước ngày càng rõ nét.
Các chính sách và chương trình phát triển nhân lực được triển khai một cách đồng bộ, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, như: Giáo dục, y tế, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ du lịch. Công tác đào tạo nguồn nhân lực gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn của địa phương, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Đặc biệt, các trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú và các chương trình đào tạo nghề đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng nền tảng nhân lực cho tỉnh. Việc thu hút đầu tư từ xã hội và doanh nghiệp vào công tác đào tạo đạt những kết quả nhất định, tạo thêm nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nhân tài. Tuy nhiên, tỉnh vẫn đối mặt với nhiều thách thức, như: Sự chênh lệch về chất lượng nhân lực giữa các khu vực đô thị và nông thôn, thiếu hụt lao động có tay nghề cao ở các ngành mũi nhọn, hạn chế trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên
Để phát triển nguồn nhân lực để tăng trưởng KTXH, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, cụ thể: Ban hành chính sách đặc thù thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại tỉnh, với các ưu đãi về tài chính, nhà ở và cơ hội đào tạo nâng cao. Xây dựng các cơ chế khuyến khích người lao động quay trở về làm việc sau khi được đào tạo ở nước ngoài, thông qua hỗ trợ tài chính hoặc đảm bảo vị trí công việc phù hợp. Đồng thời, cải thiện chính sách đãi ngộ… Ưu tiên đào tạo và bố trí nhân lực phục vụ các ngành nghề tại khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Tăng cường hợp tác đào tạo và sử dụng nhân lực, như: Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để xây dựng các chương trình đào tạo thực tế, gắn liền với nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động. Thiết lập các chương trình đào tạo kép (kết hợp học lý thuyết và thực hành tại doanh nghiệp) để nâng cao kỹ năng thực tế cho lao động trẻ. Phát triển năng lực đội ngũ cán bộ quản lý thông qua việc thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ quản lý trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực. Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giám sát và đánh giá hiệu quả các chương trình phát triển nhân lực. Xây dựng môi trường làm việc năng động, sáng tạo, thu hút và giữ chân nhân tài…
Với sự quan tâm, đầu tư đúng mức, An Giang sẽ xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH trong thời kỳ hội nhập.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-chat-nguon-nhan-luc-kien-tao-tuong-lai-a418020.html