Nâng chất phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'

Thời gian qua, phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh An Giang triển khai rộng khắp, gắn với nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng lối sống văn hóa

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa thực sự trở thành phong trào thi đua rộng lớn, thu hút các gia đình tham gia. Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực hiện nếp sống văn minh được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, tạo được sự đồng tình, hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Qua đó, số lượng các cơ quan, đơn vị, trường học, DN đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh công nhận 507.165 hộ gia đình văn hóa (đạt 94% tổng số hộ); 879 khóm, ấp văn hóa (đạt 100%); 87 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới (đạt 75%); 27 phường, thị trấn văn minh đô thị (đạt 72,97%).

Cuộc sống người dân trong tỉnh ngày càng nâng cao

Cuộc sống người dân trong tỉnh ngày càng nâng cao

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang đã ban hành Hướng dẫn 286/HD-SVHTTDL, ngày 27/9/2016 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh; lồng ghép những nội dung này vào tiêu chuẩn, tiêu chí để xét, công nhận các danh hiệu văn hóa, như: Gia đình văn hóa, khóm, ấp văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa… và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị đến Ban Chỉ đạo công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp, ban, ngành, đoàn thể và đoàn viên, hội viên ở cơ sở; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện sát với tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, phổ biến rộng rãi chủ trương này đến từng hộ gia đình, cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện trước để Nhân dân noi theo.

Các cấp, ngành, chính quyền địa phương vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và nơi công cộng, xây dựng quy ước khóm, ấp văn hóa, ứng xử lịch sự trong giao tiếp, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương trợ lẫn nhau; đấu tranh, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm, bạo lực gia đình; xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại địa bàn dân cư.

Các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền và phát huy Pháp lệnh dân chủ cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện đúng quy định, mỗi khóm, ấp đều có tổ hòa giải, có sổ theo dõi ghi nhận, giải quyết, tỷ lệ hòa giải thành trên 80% tại các khóm, ấp. Tiếp tục phát huy truyền thống gia đình, dòng họ trong việc giáo dục đạo đức, lối sống trong xây dựng môi trường văn hóa.

Đưa phong trào đi vào chiều sâu, thiết thực

Để thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021 - 2026, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tổ chức, triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm tạo sự chuyển biến tích cực và sâu rộng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Đồng thời, tập trung lãnh, chỉ đạo các nội dung của phong trào nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp; chấn chỉnh kỷ cương, đẩy lùi bệnh hình thức, đặc biệt chú trọng văn hóa ứng xử, văn hóa DN, văn hóa giao thông.

Các hoạt động văn hóa - văn nghệ góp phần nâng cao đời sống tinh thần Nhân dân

Các hoạt động văn hóa - văn nghệ góp phần nâng cao đời sống tinh thần Nhân dân

Trong đó, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiêu biểu; khu dân cư văn hóa, tiêu biểu; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới; xây dựng cơ quan, đơn vị, DN văn hóa; lồng ghép thực hiện các cuộc vận động, phong trào hiện có gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyên môn, nghiệp vụ tại địa phương, đơn vị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết, để thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ngành văn hóa thành phố, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến cuộc sống của người dân, các tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, khóm, ấp văn hóa; xã văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn văn minh đô thị…

“Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang phối hợp các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực hiện nếp sống văn minh; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; chọn lọc, tiếp thu và bồi đắp nhiều giá trị văn hóa mới, tiên tiến; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân… Qua đó, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người An Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp nhấn mạnh.

THU THẢO

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-chat-phong-trao-toan-dan-doan-ket-xay-dung-doi-song-van-hoa--a371939.html