Nâng 'chất' tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới

Xác định phát triển giao thông nông thôn (GTNT) là tiền đề thúc đẩy KT-XH, do đó sau khi về đích nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí cứng hóa, mở rộng đường thôn, xã, nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông. Hệ thống đường thôn, xã theo đó ngày càng phong quang, mở rộng, tạo thuận lợi cho người dân lưu thông, phát triển kinh tế.

Mở rộng nhiều tuyến đường quê

Xã Tân Hưng (Lạng Giang) là điển hình trong xây dựng NTM. Năm 2015, sau khi về đích, địa phương tiếp tục quan tâm xây dựng xã NTM nâng cao và kiểu mẫu. Năm 2022, xã đạt NTM nâng cao và ngay năm sau đó tiếp tục đạt xã NTM kiểu mẫu. Được biết, trong quá trình xây dựng, xã tập trung ưu tiên nguồn lực nâng “chất” tiêu chí giao thông.

 Đường giao thông thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) được cứng hóa.

Đường giao thông thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) được cứng hóa.

Dẫn chúng tôi đi trên một số tuyến đường thôn, xã được mở rộng phong quang, sạch đẹp, hai bên là những hàng cau rợp bóng mát, xen lẫn với nhiều loại hoa đua nhau khoe sắc, ông Lê Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn xã có 17 km đường trục xã, 60 km đường thôn và 30 km đường ngõ xóm. Cách đây 9 năm, xã đã cứng hóa 80% đường xã và 100% đường thôn, ngõ xóm song mặt đường còn nhỏ. Những năm gần đây, cùng với việc huy động sức dân, ngân sách huyện hỗ trợ, mỗi năm xã bố trí 30-35 tỷ đồng để làm đường. 4 năm qua, Tân Hưng cứng hóa, mở rộng 38 km đường xã, thôn, mặt đường rộng 5-7,5 m”.

Riêng năm nay, xã Tân Hưng bố trí 40 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ 800 triệu đồng, người dân đóng góp ngày công trị giá 6 tỷ đồng, còn lại là ngân sách xã để mở rộng 6 tuyến đường thôn. Ông Hoàng Văn Dung, thôn Cao Thượng cho biết, sau khi được thôn, xã phổ biến chủ trương mở rộng tuyến đường thôn Cao Thượng - Trại Mới - Mỹ Hưng dài gần 1 km, gia đình ông tự nguyện hiến 300 m2 đất nông nghiệp và đất thổ cư, đóng góp 3,5 triệu đồng để làm đường. Nhiều hộ dân khác trong thôn cũng tích cực đóng góp ngày công, kinh phí, hiến đất. Nhờ vậy, tuyến đường trên đã hoàn thành, mặt đường rộng 7,5m, tăng 3,5-4 m so với đường cũ, người dân đi lại thuận tiện. Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lạng Giang, đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường xã đạt 100%; đường thôn đạt 96,5%; đường ngõ xóm đạt 94,5%.

Tương tự, nhiều xã khác tại các huyện: Tân Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Hiệp Hòa… sau khi về đích NTM cũng tích cực huy động nguồn lực để tiếp tục cứng hóa, mở rộng đường để từng bước nâng “chất” tiêu chí này. Điển hình như tại xã Phúc Hòa (Tân Yên) có hàng loạt các tuyến đường thôn được mở rộng mặt đường từ 3-3,5 m lên 5-7 m. Các công trình này đều có tổng mức đầu tư 2-4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách xã, huyện và người dân đóng góp ngày công, hiến đất. Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết: Mục tiêu của xã từ nay đến năm 2025 sẽ mở rộng đường trục xã, liên thôn tối thiểu lên 8-9 m, đường trục thôn tối thiểu rộng 7-8 m. Các năm tiếp theo, cứng hóa mặt đường rộng từ 5-7 m.

Khơi thông nguồn lực

Theo cơ quan chức năng, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 147/175 xã đạt chuẩn NTM, 51 xã NTM nâng cao và 7 xã kiểu mẫu. Xác định xây dựng NTM là quá trình liên tục do đó sau khi về đích, các xã tiếp tục quan tâm thực hiện các tiêu chí để đạt chuẩn xã nâng cao và kiểu mẫu, nhất là tiêu chí giao thông.

Toàn tỉnh có 147/175 xã đạt chuẩn NTM, 51 xã NTM nâng cao và 7 xã kiểu mẫu. Xác định xây dựng NTM là quá trình liên tục do đó sau khi về đích, các xã tiếp tục quan tâm thực hiện các tiêu chí để đạt chuẩn xã nâng cao và kiểu mẫu, nhất là tiêu chí giao thông. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh nâng cấp, cứng hóa và mở rộng hơn 250 km đường GTNT, trong đó có nhiều tuyến đường được mở rộng tại các xã NTM nâng cao và kiểu mẫu.

Theo quy định, để đạt xã NTM nâng cao thì đường thôn cứng hóa đạt tỷ lệ 100% và hằng năm phải được bảo trì. Trên các tuyến đường cắm biển báo, biển chỉ dẫn, đèn chiếu sáng, gờ giảm tốc và có cây xanh… Phấn đấu đạt mục tiêu trên, nhiều huyện quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các xã làm đường. Ví như huyện Lạng Giang hỗ trợ 100% vật liệu xi măng tại công trình cho các xã đề ra đến năm 2025 đạt mục tiêu đô thị loại V và tiệm cận đô thị loại V để xây dựng các tuyến đường có chiều rộng mặt đường tối thiểu là 7,5 m, phần kinh phí còn do các xã và nhân dân đối ứng. Đồng thời hỗ trợ 300 triệu đồng/km đường cho các xã lắp hệ thống đèn chiếu sáng tại các tuyến đường trục chính.

Hay như tại huyện Hiệp Hòa cũng có cách làm riêng nhằm đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông. Ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, năm nay, địa phương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách hỗ trợ cho các thôn xây dựng NTM kiểu mẫu 300-400 triệu đồng/thôn, xã NTM nâng cao 2 tỷ đồng/xã; xã kiểu mẫu 1 tỷ đồng/xã. Đối với các công trình có tổng mức đầu tư ngoài khả năng thực hiện của xã, huyện đưa vào danh mục công trình kế hoạch đầu tư công để kịp thời hoàn thành các tiêu chí, nhất là tiêu chí về giao thông. Tương tự, huyện Lục Ngạn cũng dành hàng chục tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư, tỉnh, huyện hỗ trợ các xã và huy động sức dân nâng cấp, mở rộng hàng loạt các tuyến đường trọng điểm để kết nối giữa các vùng trên địa bàn…

Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ, nhiều xã cân đối nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng “chất” tiêu chí giao thông, thậm chí, có xã đã ban hành nghị quyết để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường trục chính như xã Phúc Hòa (Tân Yên); có xã ban hành đề án phát triển đường GTNT giai đoạn 2021-2026 như xã Tân Hưng (Lạng Giang). Theo đó, mỗi năm, mỗi nhân khẩu trong xã đóng góp 80 nghìn đồng để làm đường. Đồng thời các xã không ngừng nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất, dịch chuyển cổng, tường rào để mở rộng đường GTNT.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, ngoài nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động sức dân để xây dựng NTM với tổng giá trị gần 205 tỷ đồng. Không chỉ vậy, nhiều địa phương còn có cách làm sáng tạo như giao cho từng tổ liên gia, nhóm hộ đi chung đoạn đường đứng ra đảm nhận, bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân thực hiện” nên bà con phấn khởi tham gia.

Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nang-chat-tieu-chi-giao-thong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-103921.bbg