Nâng chất tổ chức hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Cán bộ Hội LHPN tỉnh truyền thông nâng cao nhận thức về xây dựng gia đình hạnh phúc cho phụ nữ DTTS huyện Sông Hinh. Ảnh: NGỌC QUỲNH
Tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, hướng hoạt động về cơ sở, nâng cao chất lượng đời sống hội viên, thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đến với tổ chức hội… Đây là những giải pháp đã và đang giúp cho các cấp hội phụ nữ vùng đồng bào DTTS xây dựng, phát triển và nâng chất tổ chức hội vững mạnh.
Thu hút hội viên đến với hội
Xã Sông Hinh có 7 dân tộc anh em chung sống như: Kinh, Ba Na, Ê Đê, Chăm, Tày, Nùng, Rắc Lay, trong đó người đồng bào DTTS chiếm 60% ở các thôn Hòa Sơn, Bình Yên, Ea Ngao, Hà Roi và buôn Kít. Với mục tiêu hỗ trợ hội viên, phụ nữ (HVPN) có đời sống khó khăn, Hội LHPN xã Sông Hinh đã tích cực vận động hội viên tham gia các mô hình thực hành “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm”, “Biến rác thải thành tiền”… để trợ giúp hàng chục lượt phụ nữ khó khăn trên địa bàn mỗi năm. Đồng thời, Hội LHPN xã khuyến khích, hỗ trợ HVPN DTTS cải thiện đời sống, tăng thu nhập thông qua phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tổ nhóm phụ nữ tiết kiệm.
Chị Ka So Hờ Vĩ, Chủ tịch Hội LHPN xã Sông Hinh phấn khởi chia sẻ: “Năm qua, Hội LHPN xã đã giúp 2 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo, đó là chị Hờ Tấng ở thôn Ea Ngao và Kso Hờ Thái ở thôn Hà Roi, bằng hình thức giúp họ tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ con giống để phát triển kinh tế. Ngoài ra, tổ chức hội còn hỗ trợ nhiều chị em trên địa bàn khởi nghiệp với các mô hình nuôi heo sạch, gà sạch cũng như tích cực khai thác nguồn vốn các ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ địa phương làm ăn, nâng cao chất lượng đời sống. Nhờ tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống cho phụ nữ cơ sở và đẩy mạnh các phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT, tạo điều kiện cho HVPN vui chơi, giải trí sau những ngày lao động vất vả, nên chị em ngày càng tin tưởng tham gia tổ chức hội. Hiện tại, Hội LHPN xã có 488 hội viên, tỉ lệ hội viên tham gia sinh hoạt hội thường xuyên từ 70% trở lên”.
Phát triển hội viên là hoạt động có tính quyết định trong việc xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Vì vậy, việc xây dựng các mô hình tập hợp thu hút HVPN có vai trò vô cùng quan trọng. Thời gian qua, không chỉ Hội LHPN xã Sông Hinh mà Hội LHPN ở các xã khác vùng đồng bào DTTS cũng đặc biệt chú trọng đến vấn đề này thông qua việc nâng cao chất lượng hoạt động hội; tích cực triển khai phong trào thi đua và các nhiệm vụ của hội theo hướng gắn bó thiết thực, chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho HVPN cơ sở. Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Hòa Nguyễn Thị Tạo cho biết: Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cấp hội tập trung hướng hoạt động về cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ các địa phương tham gia tổ chức hội. Đồng thời, huyện hội hướng dẫn, giúp đỡ những cơ sở hội có tỉ lệ thu hút hội viên thấp; cử cán bộ chuyên trách bám sát địa bàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của HVPN; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc để từ đó giúp chị em thấy được những lợi ích khi tham gia tổ chức hội.
Đa dạng hình thức tập hợp
Trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thu Huyên cho biết: Thực hiện khâu đột phá nâng cao chất lượng tổ chức hội và hoạt động hội cơ sở, đa dạng hóa hình thức tập hợp phụ nữ, phát huy quyền làm chủ của HVPN trong nhiệm kỳ 2016-2021, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh luôn tập trung hướng hoạt động về cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút HVPN vùng đồng bào DTTS thông qua các chương trình, các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Thông qua đó chăm lo đời sống vật chất, tinh thần phụ nữ DTTS, đặc biệt là phụ nữ nghèo, cận nghèo, giúp chị em phát huy nội lực để xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, tích cực tham gia hoạt động hội và của địa phương.
Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ sẽ tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với từng địa bàn, tập quán đồng bào DTTS; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ hội làm công tác dân tộc, nhất là cán bộ cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động HVPN học tập, nâng cao trình độ, nhận thức, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, các cấp hội vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng DTTS tham gia công tác vận động phụ nữ tại các địa phương…
Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức hội vùng DTTS là góp phần chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho HVPN cơ sở, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.