Nàng công chúa thê thảm nhất nhà Đường: Không được Hoàng đế yêu thương, bị 'đày' đến nơi xa xôi, lần lượt gả cho 3 người chồng cùng huyết thống
Yến Quốc Tương Mục Công chúa là Hoàng nữ hòa thân nhà Đường duy nhất không được đưa về cố quốc.
Không phải tất cả các công chúa đều sống trong nhung lụa và có được hạnh phúc như mọi người đều nghĩ. Tuy có địa vị cao quý nhưng công chúa chỉ là những con cờ trong tay Hoàng đế và liên hôn chính trị là trọng trách lớn nhất của họ.
Và một trong những nàng công chúa có số phận thê thảm nhất Trung Hoa cổ đại là Yến Quốc Tương Mục Công chúa, con gái thứ 8 của Đường Đức Tông Lý Thích. Ban đầu, nàng sơ phong là Hàm An Công chúa, sau khi mất mới thay đổi thành Yến Quốc Tương Mục Công chúa.
Mẹ ruột của nàng có xuất thân thấp kém nên không được sủng ái. Sau khi bà mang thai, Hoàng đế rất mong đợi đứa bé là một tiểu Hoàng tử. Tuy nhiên, bào thai đó chỉ là một bé gái.
Điều này đã khiến Đường Đức Tông thất vọng nên không muốn lui đến tẩm cung của mẹ ruột Hàm An Công chúa nữa. Hàm An Công chúa lớn lên với tình yêu thương duy nhất đến từ mẹ ruột. Dù nàng có tướng mạo xuất chúng, có thể gọi là tuyệt sắc mỹ nhân nhưng mẹ ruột xuất thân hèn mọn và bản thân nàng lại là nữ giới nên Hoàng đế hoàn toàn không muốn gặp mặt nàng.
Ảnh minh họa.
Đến tuổi trưởng thành, Hàm An Công chúa bị ép buộc phải gả đến nước Hồi Hột xa xôi. Nguyên nhân sâu xa là vì trước đó Hồi Hột đã giúp Đường Đức Tông dập tắt Loạn An Sứ kéo dài 8 năm.
Hồi Hột chỉ là một đất nước nhỏ nhưng lại đề xuất ý muốn hòa thân với Đại Đường, trong lòng Đường Đức Tông hoàn toàn không đồng ý. Nhưng vì thiên hạ vừa được bình định, ông không muốn lại xảy ra loạn lạc nên miễn cưỡng chấp nhận.
Đường Đức Tông không hề muốn để những cô công chúa mình yêu thương phải đến nơi xa xôi, cuối cùng ông quyết định chọn Hàm An Công chúa vì nàng là người ít được Hoàng đế quan tâm nhất.
Tất nhiên là Hàm An Công chúa không hề muốn gả đến nơi như thế nhưng không thể không tuân theo mệnh lệnh của Hoàng đế. Năm 788, nàng chính thức được gả cho Trường Thọ Thiên Thân Khả hãn, một vị Khả hãn lớn tuổi của Hồi Hột và được sách vi Trí Tuệ Đoan Chính Trường Thọ Hiếu Thuận Khả đôn (Khả đôn là tước hiệu để chỉ vợ của Đại hãn, tương đương Hoàng hậu, Vương phi).
Lúc đó, Khả hãn đã cử em gái và hơn 1 nghìn người dân nước mình đến chào đón Hàm An Công chúa. Cuộc sống của nàng sau khi kết hôn vô cùng khó khăn, vài năm sau đó người chồng già của nàng đã qua đời.
Theo luật lệ Hồi Hột, sau khi một thủ lĩnh qua đời thì người nắm quyền tiếp theo sẽ được thừa kế tất cả mọi thứ của thủ lĩnh đời trước. Chính vì thế, Hàm An Công chúa buộc phải gả cho Khả hãn mới, cũng là con trai của chồng cũ.
Đáng tiếc là vị Khả hãn này cũng chỉ sống thêm vài năm nữa rồi qua đời, Hàm An Công chúa tiếp tục bị ép gả cho con trai của người chồng thứ 2.
Không rõ đây có phải là trò đùa của số phận hay không nhưng Hàm An Công chúa có số khắc phu, người chồng thứ 3 của nàng sau đó cũng qua đời. Nàng tiếp tục bị gả cho người thủ lĩnh mới, người này là tể tướng của chồng cũ.
Sau nhiều thăng trầm, Hàm An Công chúa hoàn toàn kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần, cuối cùng đã ngã bệnh rồi qua đời năm 808, sau 21 năm sống tại Hồi Hột. Sau khi nàng mất, Hồi Hột phái người đến thành Trường An báo tin. Đường Đức Tông đã ra lệnh nghỉ thiết triều 3 ngày và phong nàng thành Yến Quốc Tương Mục Công chúa.
Yến Quốc Tương Mục Công chúa là Hoàng nữ hòa thân nhà Đường duy nhất không được đưa về cố quốc. Người đời sau luôn cảm thương cho số phận của nàng, bởi sinh ra với dòng máu hoàng tộc nhưng nàng vẫn vất cả cả đời.