Nâng công suất điện phục vụ phát triển 'nóng' ở phía Nam Thủ đô
Hiện một số quận, huyện phía Nam Thủ đô như: Thường Tín, Phú Xuyên và vùng phụ cận đang phát triển nóng với việc xây dựng nhiều nhà máy, khu, cụm công nghiệp, khiến cho nhu cầu về điện năng rất cao.
Trong khi đó, có một số máy biến áp (MBA), hạ tầng điện cũ kỹ, công suất thấp chưa đáp ứng được phát triển, dẫn tới có thời điểm, nhiều nhà máy, khu vực kể trên bị cắt điện luân phiên gây ảnh hưởng đến năng, suất chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sử dụng điện; nâng cao độ tin cậy của lưới điện; giảm hao tổn điện năng, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) đã quyết định đầu tư kinh phí nâng công suất MBA T2, cải tạo ngăn lộ 110kV trạm biến áp Tía E10.4, với việc thay thế một MBA 110kV có công suất 63/40/63MVA bằng MBA mới có công suất 63/63/63MVA cùng một số hạng mục khác.
Ông Bành Phước Chung, Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển điện lực Hà Nội (thuộc EVN Hà Nội) cho biết, khi đưa vào hoạt động MBA T2, cải tạo ngăn lộ 110kV trạm biến áp Tía E10.4 sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh của Thủ đô Hà Nội nói chung, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho huyện Thường Tín, Phú Xuyên và khu vực lân cận nói riêng, phù hợp với nhu cầu phụ tải, nơi đang có sự phát triển các khu công nghiệp và khu dân cư.
Mặt khác, công trình còn cải thiện được chất lượng điện năng và nâng cao độ tin cậy của hệ thống điện, đảm bảo sự phát triển kết cấu lưới điện ổn định đúng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như phù hợp với sự phát triển lưới điện trong tương lai; giảm tổn thất điện năng trên lưới điện 110kV, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội khu vực thành phố Hà Nội.
Theo EVN Hà Nội, trạm được xây dựng, lắp đặt với các trang thiết bị hiện đại. Toàn bộ thiết bị trạm được điều khiển bằng hệ thống máy tính, kết nối hệ thống giám sát và điều khiển xa từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc và Thủ đô Hà Nội.
Công trình đã được Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành có liên quan chấp thuận phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt, hệ thống phòng cháy chữa cháy đã được Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố nghiệm thu trước khi đóng điện.
Trong thời gian qua, cùng với việc nâng công suất một số MBA, tuyến đường dây, EVN Hà Nội còn thực hiện ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại trong việc thanh toán tiền điện, đo chỉ số công tơ, cấp điện mới, hợp đồng mua bán điện, yêu cầu về hệ thống đo đếm, đăng ký thanh toán tiền điện, tra cứu thông tin, báo mất điện, tiếp nhận đăng ký dịch vụ của khách hàng, các dịch vụ khác thuộc lĩnh vực chăm sóc khách hàng ngành điện.
Với việc EVN Hà Nội tích cực, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc khách hàng giúp giảm áp lực công việc lên các tư vấn viên và hiện đại hóa phương thức tương tác giữa ngành điện với khách hàng; giảm phiền hà, chi phí, thời gian của khách hàng khi làm việc với ngành điện./.