Nàng dâu hạnh phúc được bố mẹ chồng nấu cơm cữ ngày 3 bữa
Nhờ có sự quan tâm, yêu thương của gia đình chồng mà mẹ sau sinh có sức khỏe tốt, nhiều sữa cho em bé bú.
Gia đình nội ngoại luôn ở bên lo lắng và quan tâm đến mẹ bỉm.
Sau khi đón con chào đời, cuộc sống của mẹ gần như sẽ hoàn toàn thay đổi. Là niềm hạnh phúc khi gia đình có thêm một thành viên mới và cả những khó khăn, lo lắng với tâm lý, cơ thể sau sinh. Lúc này, điều mẹ cần nhất là sự yêu thương, quan tâm của mọi người trong gia đình. Nếu được chăm sóc đầy đủ, chắc chắn người mẹ sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Chị Mai Anh (26 tuổi, sống tại Hà Nội) đã trải qua những ngày tháng ở cữ rất vui vẻ. Một ngày, bà mẹ trẻ được chồng và bố mẹ chồng chăm sóc với 3 bữa ăn ngon. Đây đều là thực đơn mà chị Mai Anh được tự chọn với các món yêu thích.
"Hồi còn yêu nhau, mỗi lần về nhà chồng chơi mình đều rất thích việc cả bố và mẹ cùng nhau nấu cơm. Giờ lấy nhau về cũng học theo bố mẹ, 2 vợ chồng mình mỗi đứa một bếp, chồng nấu canh, vợ kho thịt thế là xong bữa.
Mình ở cữ 1 tháng với 3 cái răng đau, món gì ông bà cũng ninh trước khi nấu. Chim hầm, gà hầm, thịt chân giò, đến thịt rang nghệ cũng hầm. Ông bà nội em bé luôn yêu thương, chăm sóc nên sau sinh mổ 10 ngày là mình có sữa đặc sánh tha hồ cho em bé bú no nê", chị Mai Anh kể.
Nhờ chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng nên con gái chị Mai Anh là bé Khánh Đan trộm vía phát triển tốt, khỏe mạnh và bụ bẫm. Được biết, thường ngày, ông bà nội của Khánh Đan vẫn cùng nhau nấu nướng, và thói quen đó luôn được duy trì.
"Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là tấm gương ngay trước mắt để hình thành thói quen trong cuộc sống riêng của vợ chồng mình. Khi ra ở riêng, chồng mình cũng cùng vợ làm tất cả các công việc nhà. Mình thấy điều đó rất vui và ý nghĩa.
Ở cữ là thời gian vô cùng nhạy cảm, khi phụ nữ thay đổi hoàn toàn thói quen và môi trường sống. Sự quan tâm của gia đình nói chung và đặc biệt là vai trò của người chồng rất quan trọng. Khi cả gia đình cùng chăm sóc em bé thì người mẹ sẽ bớt đi rất nhiều phần cô đơn và hạn chế rất nhiều nguy cơ gây nên chứng trầm cảm sau sinh. Không những chỉ đẩy lùi điều không tốt, đây cũng là thời gian quý báu để mọi người trong gia đình thể hiện tình cảm, vun đắp tình cảm với nhau", chị Mai Anh tiết lộ.
Để luôn cảm thấy vui vẻ sau khi sinh, mẹ nên:
- Tham gia các hội nhóm mẹ bỉm sữa để học hỏi kinh nghiệm, trao đổi, chia sẻ tình huống khó khăn, nhờ sự hỗ trợ.
- Thường xuyên trò chuyện cùng chồng, người thân, nhờ sự giúp đỡ, chia sẻ công việc trong gia đình. Sự giúp đỡ của chồng, của người thân trong việc hỗ trợ chăm sóc con nhỏ hoặc trò chuyện, quan tâm đến sản phụ sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng và giảm căng thẳng.
- Sau sinh nhiều sản phụ phải ăn uống kiêng khem. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mẹ nên ăn uống đa dạng để có được nguồn sữa chất lượng. Nếu đang gặp phải tình trạng stress sau sinh, hãy bổ sung vào thực đơn các thực phẩm giàu vitamin B, C, kẽm, magie, Omega-3... vì nó có tác dụng chống lại stress, giúp tinh thần thoải mái hơn.
- Lập thời gian biểu chăm sóc con: Nhiều mẹ căng thẳng, rối loạn khi thời gian chăm sóc con gần như chiếm trọn cả ngày của mẹ. Hơn nữa, giờ giấc sinh hoạt của bé thường xuyên đảo lộn cũng khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, bất lực. Vì thế, lập thời gian biểu chăm sóc con là biện pháp giúp mẹ không còn cảm thấy căng thẳng nữa. Chồng và người thân cũng nên chăm sóc bé để mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi.
- Đừng quá khắt khe với con: Nếu mẹ đang kỳ vọng vào một đứa trẻ sơ sinh ngoan ngoãn, biết ăn no, ngủ kỹ, đúng giờ, không quấy khóc thì khi bé không đạt được những yêu cầu ấy, bạn sẽ cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Quá khắt khe với con cũng là mẹ tự tạo nhiều áp lực cho bản thân.
- Chăm sóc bản thân: Mẹ nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi cũng như chăm sóc bản thân. Hãy nghe những bản nhạc mẹ yêu thích, xem những bộ phim, đọc sách và thư giãn khi em bé ngủ hoặc nhờ người trông bé giúp để mẹ có nhiều thời gian cho bản thân. Như vậy, mẹ sẽ thấy tâm trạng được cải thiện rất nhiều.