Nàng dâu lo lắng vì về nhà chồng ở cữ mà mẹ chồng hay ỉ việc, nhờ vả
Chị Hà sắp sinh con mà thấy mẹ chồng có thói xấu ỉ lại, nhờ vả mọi người xung quanh khiến chị lo lắng không biết rồi bà chăm bé sơ sinh, chăm dâu ở cữ kiểu gì?
Chị Nguyễn Thị Hà (Nghệ An) chia sẻ, sắp đến ngày dự sinh mà cứ nghĩ đến mẹ chồng lại mất ngủ. Chị về nhà chồng nghỉ dịch và đợi sinh đã 2 tháng nay, nhưng quan hệ với mẹ chồng ngày càng không ổn.
Mấy ngày đầu chị phục mẹ chồng có thói quen dậy sớm lo việc nhà, nhưng hóa ra bà ra quét sân, quét ngõ để tiện... buôn chuyện với xóm giềng, tiện thể nhờ mua giùm rau, thức ăn cho cả nhà. Vì thế mà đồ ăn nấu lên không bao giờ đủ rau gia vị, bởi khi thì thiếu hành, khi thiếu thơm, hay miếng gừng, quả sấu... Cũng vì thế mà 2 tháng ở nhà chồng dù chị đưa tiền ăn phụ mẹ nhưng chưa bao giờ được mẹ chồng gửi mua hộ cho con dâu bầu bí món ăn riêng, hay miếng bánh cho bữa ăn sáng.
Kể cả khi nhà có giỗ, chị xin mẹ chồng cho đi chợ mua đồ nhưng bà dứt khoát không nghe, vẫn ra cổng gửi hết người nọ, người kia đi mua hộ đồ cúng lễ. Khi đồ mua hộ mang về, bà vào bếp thì gọi tất chồng con vào bếp cùng làm cỗ bàn. Bà còn trẻ, nhưng thói quen ỉ lại nhờ vả, sai bảo khiến chị thấy bà vô tâm, vụng về quá. Đã 2 lần chị bảo những việc đó để hai mẹ con cùng làm, để bố chồng và chồng lo việc khác... Nhưng mẹ chồng không chịu nên chị Hà càng thêm lo lắng bởi không biết khi sinh nở thì mẹ chồng hay ỉ việc, nhờ vả thế này sẽ chăm cháu sơ sinh, chăm dâu ở cữ kiểu gì?
Chị Lê Thị Na (Hà Nam) cũng tâm sự, sau 2 năm kết hôn, bé gái đầu lòng ra đời thì hạnh phúc dần chạy đâu mất, chỉ còn những tháng ngày đau khổ. Chồng chị chuyển chỗ làm mới và sinh tật nghiện rượu, hôm thì nhậu nhẹt với bạn ở chỗ làm, hôm thì ghé quán dọc đường uống, hoặc mua về nhà uống một mình... Sự bê tha khiến hai vợ chồng cãi nhau triền miên, và xô xát liên tục...
Nhà chồng biết con trai họ nghiện ngập đã không ngăn chặn, còn lấy việc hai vợ chồng thu nhập thấp, lại ầm ĩ liên tục nên bỏ mặc hai mẹ con chị, kèm theo những ánh mắt, lời nói châm chọc chửi bới khiến chị vô cùng tủi thân, nhưng vẫn cố bám víu nhà chồng để con có mái ấm, có đủ bố mẹ.
Gần đây chị Na mới đánh liều ra thuê trọ và mở quán bán tạp phẩm. Chồng chị cũng ra theo giúp việc vặt cho vợ. Tưởng anh tu chí làm ăn chị rất mừng và có bầu thêm bé thứ hai. Ai ngờ chồng nghiện ngập lại, nhiều lần say làm ầm ĩ khiến chị mất khách. Chị mệt mỏi, chán chường, tuyệt vọng...
Chị Hà, chị Na là hai trong rất nhiều phụ nữ giàu tình yêu thương và nhẫn nhịn nên không ít người đã tự làm tổn thương mình, đẩy mình vào hoàn cảnh bế tắc, thậm chí không giữ được cảm xúc còn làm tổn thương sang những người xung quanh.
Để thoát khỏi những bế tắc trong hôn nhân trước hết phụ nữ hãy học cách buông xả sự bám víu, sở hữu, thói quen... hay điều khiển người khác.
Việc buông xả dễ mà khó, khó mà dễ, nhưng có học được buông xả mới có cuộc sống tốt hơn, và có 4 lý do sau để phụ nữ cần buông xả:
1. Buông xả những gì mình đã lo toan cho người mình yêu thương để bản ngã của mình không tăng trưởng, để chính mình không bị mắc kẹt vào những việc mình đã cho đi, để mình có thể dễ dàng tôn trọng và biết ơn người ấy.
2. Buông xả những yếu kém, vụng về, khuyết điểm và cả sai lầm của người thân để chính bạn được sống thư thái, tốt hơn và để người ấy cũng có cơ hội thay đổi tốt hơn, để còn thấy trong nhau còn nhiều giá trị.
3. Buông xả những đòi hỏi dư thừa, những mong cầu không phù hợp, hoặc mình nghĩ nó là điều hiển nhiên với mình, nhưng lại gây vấn đề là gánh nặng cho người thân. Như thế cả bạn, cả người thân cũng bớt áp lực trong mối quan hệ.
4. Buông xả những lo lắng không cần thiết là đã giải quyết được vấn đề không cần phải lo nghĩ. Nếu không giải quyết được thì lo cũng chẳng để làm gì. Chúng ta thường lo vì muốn mọi thứ phải theo ý mình và sợ những thứ không như ý mình sẽ đến. Hãy cài đặt tâm thức là việc có như ý, hay không như ý đều chấp nhận và bình thản chuyển hóa thì mọi chuyện sẽ bớt lo. Khi mọi chuyện bớt lo bạn sẽ giữ được thái độ sống cho mình lúc nào cũng an lành, vui vẻ, dễ thương - đó mới là điều quan trọng.
Sau khi buông xả rồi thì cần thay đổi, học cách để sống vui. Nếu bạn nghĩ mình khổ thì cái khổ sẽ đến, nghĩ mình sung sướng thì sẽ được sướng. Bạn muốn gì thì hãy luôn chọn từ đó (như sung sướng, hạnh phúc...) trong suy nghĩ. Vì vậy đừng có hỏi: "Tại sao tôi khổ thế", mà hãy hỏi: "Cần làm gì để mình hạnh phúc hơn" - câu hỏi đúng chính là câu trả lời, thay đổi câu hỏi là thay đổi cuộc đời.
Cảm xúc là của bạn, hãy học cách lãnh đạo nó đừng đưa điều khiển "kênh truyền hình cảm xúc" của bạn cho bất kì ai thích bật kênh gì thì bật, mà tự bạn hãy nắm giữ và điều khiển cảm xúc của mình. Khi vui bạn cũng nên cười, mà buồn thì càng nên cười tươi. Thay đổi trạng thái là một trong những cách nhanh nhất để thay đổi cảm xúc.
Phụ nữ hãy là chính mình trong cuộc đời này, cho dù bạn khác biệt, mơ mộng hay kì dị... nhưng mơ thì cũng phải tỉnh dậy, hành động đến cùng, học hỏi liên tục và đứng lên sau vấp ngã. Bạn hãy tập trung làm việc của mình, ngừng xen vào chuyện của người khác, ngừng lo nghĩ... để từ đó có cơ hội tiếp cận với những năng lượng tích cực, và niềm vui, hạnh phúc sẽ đến với bạn.
Hôn nhân đẹp là khi cả hai vợ chồng đều có năng lực sống hạnh phúc với chính mình để ở bên nhau, chia sẻ hạnh phúc ấy cho nhau, chứ không phải dựa dẫm vào nhau, bòn rút năng lượng từ nhau, mong cầu và kiểm soát nhau... Đó là một trong những điều quan trọng giúp bạn thay đổi góc nhìn trong hôn nhân để có cuộc sống an bình, hạnh phúc.