Nàng dâu run rẩy khi chuyển tiền cho bố mẹ đẻ bị mẹ chồng bắt gặp
Nói rồi Nga cúp luôn máy vì sợ bố con nói chuyện người ngoài lại nghe thấy. Ai ngờ, quay ra cô đã thấy mẹ chồng đứng ngoài cửa từ khi nào.
Sống chung với mẹ chồng luôn là nỗi ám ảnh của chị em phụ nữ. Song cuộc sống làm dâu chưa hẳn đã đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi không phải mẹ chồng nào cũng tai quái, khắt khe với nàng dâu.
Thực tế có rất nhiều bà mẹ chồng tâm lý, lúc nào cũng đứng trên lập trường của người đi làm dâu để suy nghĩ cho vợ của con trai mình. Giống như mẹ chồng của Thu Nga trong câu chuyện cô chia sẻ dưới đây chẳng hạn.
Nga kể, thời con gái lúc nào Nga cũng tự nhủ sau này có lấy chồng, kiểu gì cô cũng sẽ ở riêng. Nhưng đúng là đời người nói trước, bước chẳng qua. Cưới Khương rồi, giấc mơ ở riêng của Nga tan như bong bóng. Bởi Khương là con một, bố anh lại mất sớm. Thành thử sau cưới, vợ chồng Nga phải ở cùng để phụng dưỡng mẹ anh.
Mẹ Khương năm nay gần 70 tuổi, bà còn khỏe và minh mẫn lắm. Có điều từ ngày bước chân về làm dâu nhà bà, trừ những câu nói xã giao ra thì hầu như mẹ chồng nàng dâu chẳng bao giờ ngồi nói chuyện với nhau. Nhiều lúc Nga cũng cố gắng gợi chuyện với bà. Song đáp lại sự nỗ lực nhiệt tình của cô, mẹ Khương chỉ lạnh lùng "ừ" qua quýt cho xong, khiến Nga có muốn kể chuyện tiếp cũng không được.
Nga bảo, thời gian đầu cô cũng buồn lòng lắm. Cô nghĩ hay bà ghét gì cô nên mới lạnh nhạt như vậy. Song Nga để ý, không chỉ với riêng con dâu, mà với những người khác, mẹ Khương cũng kiệm lời như thế. Vậy là Nga chặc lưỡi mặc kệ.
Được cái, tuy không trò chuyện với con dâu, nhưng đổi lại mẹ Khương cũng không làm khó Nga bao giờ. Cô dậy sớm, dậy muộn thế nào là tùy. Cơm cô nấu bà ăn không khen cũng chẳng chê. Nga nghĩ, so với nhiều người thì cuộc sống làm dâu của cô vẫn còn dễ thở chán.
Cách đây vài tháng, mẹ đẻ Nga bị đột quỵ. May giữ được mạng sống nhưng sức khỏe của bà yếu đi trông thấy. Bà phải nằm viện 2 tháng trời. Nguyên tiền thuốc thang, viện phí cũng lên tới cả trăm triệu. Mà mẹ cô lại chẳng có lương, mọi chi phí chỉ trông chờ vào vài triệu lương hưu của bố.
Thương bố mẹ, Nga mất ăn mất ngủ cả tháng. Nga tâm sự, lúc ấy đầu óc cô lúc nào cũng ngổn ngang với suy nghĩ làm sao có thể đỡ được 1 phần khó khăn cho bố mẹ. Thật ra ngoài khoản tiền hàng tháng góp chung với chồng lo chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, Nga cũng dành dụm tiết kiệm được khoản riêng từ việc làm thêm.
Tính ra cũng được hơn 30 triệu, Nga lập một tài khoản riêng đứng tên cô đề phòng khi bất chắc. Nga giải thích, không phải cô không tin chồng, mà cuộc đời nhiều khi khó lường trước lắm. Tốt nhất cô cứ chuẩn bị cho mình 1 nước phòng thân.
Hôm ấy, tranh thủ lúc chồng ra ngoài, Nga lấy máy chuyển khoản cho bố. Bất ngờ nhận được số tiền lớn của con gái. Bố Nga lập tức gọi lại: "Con lấy đâu ra nhiều tiền mà chuyển cho bố thế? Chuyện này con đã bàn qua với thằng Khương chưa?".
Nga vội vàng giải thích: "Đây là tiền riêng của con. Anh Khương không biết nên bố đừng nói với anh ấy nhé. Bố cứ cầm tiền lo cho mẹ là được rồi".
Nói rồi Nga cúp luôn máy không sợ bố con nói chuyện nhiều người ngoài lại nghe thấy. Ai ngờ, quay ra cô đã thấy mẹ chồng đứng ngoài cửa từ khi nào. Bà hắng giọng nhẹ nhàng giục Nga: "Muộn rồi đó, con đi nấu cơm đi".
Hoảng hồn, Nga vâng dạ đi ngay xuống bếp. Cô đoán chắc mẹ Khương đã nghe rõ mọi lời cô nói với bố. Song tại sao bà lại không nói gì. Câu hỏi này làm Nga không còn tâm trí đứng nấu cơm được nữa.
Sau cô quyết định lên khai thật với mẹ chồng. Cô sẽ giải thích tường tận, còn bà có hiểu cho cô hay không thì tùy.
Nghĩ thế, Nga tắt bếp đi lên gõ cửa phòng mẹ chồng. Nhưng đứng trước bà, Nga ngập ngừng mãi không biết mở lời ra làm sao. Mẹ Khương thấy vậy mới lên tiếng: "Con định giải thích với mẹ chuyện con có quỹ đen, và giấu chồng cho tiền bố mẹ đẻ hả?".
Nga im lặng gật đầu, mẹ Khương nói tiếp: "Với mẹ đó không phải là chuyện gì quá to tát. Phụ nữ cũng nên có khoản riêng để phòng thân trong những tình huống đặc biệt giống chuyện con vừa làm đó. Vì đấy là tiền của con nên con có toàn quyền chi tiêu sử dụng. Mẹ không trách mắng gì con đâu, có điều làm gì cũng nên cân nhắc sao cho hợp lý".
Nga kể, nghe bà nói xong mà cô rưng rưng nước mắt cảm động. Bởi cô không nghĩ rằng mẹ chồng mình lại tâm lý, hiểu, thông cảm cho con dâu như thế. Đặc biệt, Nga chia sẻ thêm, sau chuyện này, Nga với mẹ chồng mỗi ngày một thêm gần gũi. Nga nhận ra, đằng sau vẻ lạnh lùng của là cả một tấm lòng nhân hậu.