Nâng độ bao phủ bảo hiểm xã hội: Cần có chính sách hỗ trợ

Tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn còn thấp so với mục tiêu BHXH toàn dân. Bởi vậy, các chuyên gia lao động cho rằng, để khuyến khích người dân trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, Nhà nước cần hỗ trợ và mở rộng chính sách BHXH cho khu vực phi chính thức.

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội thất nghiệp tại Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội thất nghiệp tại Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Bỏ sót đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, tính đến hết năm 2020 cả nước mới có hơn 16 triệu người tham gia BHXH (chiếm khoảng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi), vẫn còn gần 32 triệu người trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH. Điều này cho thấy, quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp. Theo Bộ LĐTB&XH, chính sách BHXH cho khu vực phi chính thức mới giới hạn ở hai chế độ hưu trí và tử tuất, trong khi đó, một thời gian dài không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý DN, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động (NLĐ) làm việc theo chế độ linh hoạt. Vì thế, mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 45% và đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28 của T.Ư là một thách thức rất lớn.
Nhằm mở rộng độ bao phủ của BHXH, Bộ LĐTB&XH đã có Tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi, trong đó đã đề xuất các chính sách: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, khuyến khích thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu; tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện. Bộ LĐTB&XH cũng đưa ra các giải pháp thực hiện như: Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý DN, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương. Đồng thời, có quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ làm việc không trọn thời gian; bổ sung quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với công chức, viên chức, NLĐ không chuyên trách ở cấp xã, đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động...
Tăng hỗ trợ cho nông dân nghèo
Nhiều chuyên gia lao động cho rằng, thực tế vẫn còn số lượng lớn NLĐ thuộc khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH, chính là BHXH tự nguyện chỉ có hai chế độ hưởng (hưu trí, tử tuất). Hơn nữa, thu nhập không cao, bấp bênh, lại có nhiều khoản chi trong gia đình như học phí, chăm sóc sức khỏe... nên nhiều người băn khoăn về thời gian đóng dài. Vì thế, Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 10 - 15 năm cũng là cách để thu hút NLĐ tham gia BHXH, nhất là lao động làm việc ở khu vực phi chính thức.
PGS.TS Giang Thanh Long – Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Nhà nước hỗ trợ cho NLĐ ở khu vực phi chính thức để khuyến khích họ tham gia BHXH. Có thể tham khảo cách làm của Trung Quốc, Thái Lan áp dụng hệ thống đồng đóng góp, trong đó NLĐ đóng một phần và chính phủ hỗ trợ một phần. Một số quốc gia khác giảm học phí cho con NLĐ chưa tham gia BHXH để họ dùng tiền đó đóng BHXH. PGS.TS Giang Thanh Long cũng khuyến nghị bổ sung dần các chế độ hưởng BHXH như thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau để hấp dẫn NLĐ tham gia BHXH.
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH, để tăng độ bao phủ của BHXH cần phải có quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với lao động có thu nhập bình quân tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương tối thiểu vùng. Những người này làm trong khu vực nông nghiệp làm kinh tế hộ gia đình; sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo mô hình kinh tế trang trại. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc còn là NLĐ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức như hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh, lao động làm trong nền kinh tế chia sẻ (bán hàng online, dịch vụ liên quan đến công nghệ cao...). “Nếu thu nhập của NLĐ dưới mức tiền lương tối thiểu vùng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giống như đang áp dụng đối với nông dân tham gia BHXH tự nguyện. Nhà nước cũng cần tăng phần hỗ trợ cho lao động nông dân nghèo, mới thoát nghèo tham gia BHXH tự nguyện” – TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Nhưng, giải pháp tổng thể là quản trị tốt thị trường lao động để hạn chế lao động nhảy việc hưởng BHXH một lần. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động khu vực nông thôn, phi chính thức sang khu vực có quan hệ lao động để NLĐ tham gia BHXH bắt buộc.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nang-do-bao-phu-bao-hiem-xa-hoi-can-co-chinh-sach-ho-tro-419258.html