Nâng đỡ những bước chân trượt ngã

Trường Giáo dưỡng số 2, Bộ Công an nằm trên địa phận xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, hiện đang dạy văn hóa, dạy nghề cho gần 300 học viên cá biệt, vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên.

Việc được và mất trong đời người rồi ai cũng trải qua. Nhưng, ở tuổi dưới 18, thời bắt đầu thanh xuân đời người, nhiều em đã trượt ngã và rồi được những cán bộ công an giáo dục, nâng đỡ để đứng dậy làm lại cuộc đời. Tôi đã lắng nghe được nhiều đối thoại từ phía các em. Lúc các em đánh mất mình, có khi chỉ là khoảnh khắc trong vài phút. Và, sau đó là hành trình 2 năm các em tìm lại niềm tin dưới sự nâng đỡ, giáo dục của nhà trường. Nhiều em thành đạt, quay trở lại trường cảm ơn thầy cô đã giúp mình trưởng thành sau vấp ngã.

Cú ngã đầu đời

Em Phạm Thị Như Quỳnh, học viên Trường Giáo dưỡng số 2 tâm sự: "Sai lầm lớn nhất là em đánh bạn, vì bạn đã vay không trả em 1 triệu đồng. Tức quá, em đánh bạn 5 phút. Cứ đấm, giật tóc và đánh theo bản năng, không ngờ bạn bị chảy máu đầu, thương tổn não. Em phải vào trại giáo dưỡng 15 tháng, bỏ phí mất 2 năm học. Nhưng, cái được sau khi vào đây là em bớt nóng nảy, học được nghề may. Em may khăn, may túi siêu thị, thành thạo một nghề. Em ân hận và nhớ nhà lắm".

Đại tá Trần Hữu Trung - Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 và học viên trò chuyện với các nhà văn tìm hiểu thực tế tại trường.

Đại tá Trần Hữu Trung - Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 và học viên trò chuyện với các nhà văn tìm hiểu thực tế tại trường.

Một học viên khác chia sẻ: "Bố đẻ em nghiện ngập, đi tù, đánh em. Mẹ em cũng đứng về phe ông ấy. Em chán ghét bố mẹ, phóng xe bỏ nhà đi trong sự tức tối. Hậu quả em đã gây ra tai nạn chết người, phải vào trường giáo dưỡng 2 năm. Ở đây em đã dần nhận ra mình sai. Khi các bạn có bố mẹ vào thăm, em cũng tủi thân một chút. Vào trường, em được học nghề lắp cửa nhôm kính, biết cả nghề may. Sau này ra trường em sẽ tự tìm nghề làm nuôi thân, sẽ cố gắng để không còn sân hận và ghét bố đẻ, vì chưa chắc ông đã thay đổi tâm tính. Cũng không biết sao, nhưng em được thầy cô trong trường dạy dỗ, nên em sẽ quay về với gia đình".

Em Chẩu Anh Kiệt thì chỉ còn 2 tháng nữa là ra khỏi trường, tâm sự: Quê em ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đó đáng sống lắm. Nhưng, em đã mắc tội phóng xe vượt ẩu, đâm chết người. Cũng do vô tình thôi, chứ em không cố ý. Em về nhà sẽ học thêm tiếng Nhật, mơ ước của em là giỏi tiếng, sang nước Nhật và học nấu ăn rồi mở một nhà hàng khi về Việt Nam.

Một em khác tôi gặp trong phòng đọc sách thư viện đã nhận ra sai lầm của mình: "Em đã trộm cắp xe máy, đánh nhau gây rối an ninh, trật tự công cộng. Em đã nhận ra lỗi lầm của mình. Em thấy bố mẹ bạn vào đây thăm, còn mình thì không, không có ai cả. Mới đầu em cũng tủi thân lắm, rồi em cũng mơ ước có mẹ vào thăm. Và, em không hận mẹ nữa. Vì mẹ hiền quá, hay thỏa hiệp với mọi hành vi xấu của bố. Bố thì hay uống rượu, cờ bạc, gái gú. Em có nhà mà như không có gia đình. Học nghề trong này xong, ra ngoài em sẽ xin đi hàn, theo nghề thợ sắt, tự lo cho đời mình. Em đã mất 2 năm trong trường, nhưng cái được thì nhiều lắm. Thầy cô trong trường dạy cho em thành người sống ngăn nắp hơn, yêu công việc của mình hơn. Em biết may, biết hàn và biết làm nghề lắp cánh cửa".

Thời gian thực tế tại ngôi trường đặc biệt này tôi đã được nghe nhiều tâm sự của những học trò đặc biệt từng sa ngã, lỗi lầm. Các em được giáo dục, được dạy dỗ để đưa trở lại thành người có ích cho xã hội. Có học viên lúc vào trường, ra trường đều khóc. Em nói, 20 tháng trong trường đã dạy cho em bao điều tử tế, biết sống ngăn nắp, quy củ. Em đã vạch hướng cho tương lai khi được trang bị một nghề để kiếm sống: "Ở trường, thầy cô truyền lửa cho chúng em, có niềm tin thì sẽ làm lại được cuộc đời. Quỹ thời gian của em còn dài...".

Chuyện của những thầy giáo đặc biệt

Đại tá Trần Hữu Trung - Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 kể lại một kỷ niệm đáng nhớ. Một lần anh nhận cuộc điện thoại của học trò cũ. Cậu học trò chờ thầy ở bên kia quốc lộ trước cổng trường. Món quà cậu biếu thầy là một can nước mắm do chính tay làm ra. Ký ức Đại tá Trung trở lại với hình ảnh chính cậu học trò này đã đẩy chiếc gậy vào tay thầy và nói: "Thầy đánh em đi! Em đã không ra người, thầy đánh em đi". Nhưng, thầy Trung không đánh, thầy cất chiếc roi và an ủi, vỗ về trò.

Thiếu tá Đinh Tiến Thiện dạy nghề may cho các học viên.

Thiếu tá Đinh Tiến Thiện dạy nghề may cho các học viên.

Lần khác, khi mùa đông giá rét, có một học trò bị ốm nặng phải nằm viện tại Hà Nội mà không có bất kỳ ai trong gia đình săn sóc, ngoài các thầy cô vừa làm thầy, vừa như bố mẹ. Thầy Trung biết gia đình của em chỉ còn có người ông, dân tộc Mông. Thầy gọi điện thoại cho ông của em và nói chuyện như tâm sự về sự khao khát tình yêu thương gia đình của học trò này, đề nghị ông vượt đường xa đến trường thăm để động viên cháu có tinh thần chữa bệnh. Nhưng, người ông đáp lại: "Ờ, nhưng bố không biết đường đi, bố lại không có tiền, làm sao đi?". Đại tá Trung trả lời: "Bố đừng lo, bố đi xe khách xuống bến xe Mỹ Đình ở Hà Nội, con trả tiền vé, lo cho bố đến tận bệnh viện thăm cháu nội".

Đúng như lời hứa, thầy Trung bố trí một thầy giáo trong trường biếu ông tiền xe, tiền ăn ở, đi lại để hai ông cháu gặp nhau. Được gặp ông, em có thêm động lực để chữa bệnh, sau đó trở lại trường học tập, rèn luyện. Sau này, khi ra trường, em đã quay trở lại, xiết bao lưu luyến. Em nói: "Con rất biết ơn thầy Trung, nhưng con chẳng có gì đền đáp cả, con sẽ cố kiếm việc làm tử tế để không phụ ơn chỉ dạy của thầy".

Còn với Trung tá Phạm Thị Mậu, chị đã nhận được nhiều lá thư cảm động của những học trò đặc biệt mà chị từng dạy dỗ. Chị tạo dựng được niềm tin, tiếp thêm nghị lực cho những học trò từng vấp ngã khi vừa bước vào đời. Có những học trò sau này trưởng thành, gặp đổ vỡ riêng tư cũng tâm sự với chị. Trung tá Mậu thấy ấm lòng khi có học trò tin chị như người mẹ, giây phút đuối lòng đã được cô Mậu an ủi, khích lệ, vượt qua những đau khổ nhất thời, rồi tìm thấy hạnh phúc trở lại. Có em viết thư bày tỏ: "Cô ơi, em rất nhớ trường, nhớ cô, nhất định em sẽ trở lại thăm trường, nhất định!".

Các thầy cô trong Trường Giáo dưỡng số 2, ngoài thời gian chủ nhiệm, đi dạy nghề, cứ mỗi tuần phải trực 3 ngày, từ 6h sáng đến 9h tối. Như trường hợp của vợ chồng Thiếu tá Tô Vân Anh, Đại úy Hoàng Nhật Minh, một tuần lễ, họ chỉ ở nhà ăn với nhau được một bữa cơm chiều cùng các con. Còn thường ngày, mâm cơm gia đình chiều chiều chỉ có bố hoặc mẹ. Để sắp xếp việc nhà, hai vợ chồng phải phân công trực lệch ca, để có mẹ hoặc bố ở nhà với con nhỏ. Thời gian ở nhà trường chăm lo cho các trò đặc biệt nhiều hơn thời gian ở tổ ấm của họ. Thiên chức làm cha, làm mẹ như các thầy cô ở trường giáo dưỡng có sự hy sinh vô bờ bến, không sao so sánh, tính hết, vì thiên chức thầy cô, áo xanh, quân hàm đỏ, luôn vì nhân dân quên mình. Họ mong muốn sớm trả lại cho gia đình, cho xã hội những con người có việc làm lương thiện, được học hành dạy dỗ đến nơi đến chốn, làm người tốt cho xã hội.

Ví như em học trò của thầy Trung ra trường, vào đời lập nghiệp đã làm nên một cơ sở nước mắm thành đạt. Can nước mắm tình nghĩa dành cho thầy không chỉ có lòng biết ơn bằng muối mặn, đã mãi mãi đọng lại trong ký ức người thầy, là một bông hoa tươi thắm chứng minh cho sự thành công trong sự nghiệp trồng người của những người thầy, người cô, người cán bộ CAND Trường Giáo dưỡng số 2, Bộ Công an.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/nang-do-nhung-buoc-chan-truot-nga-i736251/