Năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Văn Ngữ, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (TP. Sông Công) đã xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, trở thành tấm gương điển hình trong phong trào 'Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững'.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình kinh tế của gia đình, ông Ngữ chia sẻ: Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, tôi luôn trăn trở tìm ra hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế bền vững. Chính vì thế, tôi không ngừng tìm tòi, học hỏi và rút kinh nghiệm từ thực tế. Những năm đầu khởi nghiệp (năm 2000), tôi rong ruổi khắp các tỉnh để tham quan mô hình kinh tế, sưu tầm cách làm hay ở mỗi vùng miền, nhằm trang bị cho mình những kiến thức để áp dụng vào thực tế của gia đình.
Điển hình như khi nhiều hộ dân lựa chọn hình thức chăn nuôi công nghiệp, ông Ngữ là người tiên phong nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học ở địa phương. Theo đó, ngô, cám, rau xanh tự trồng cùng với khô đậu và axit amin được ông phối trộn để ủ lên men rồi cho vật nuôi ăn. Toàn bộ phế phẩm trong chăn nuôi cũng được gia đình ông sử dụng để phục vụ trồng trọt.
Theo tính toán của ông Ngữ, chi phí chăn nuôi an toàn sinh học chỉ tương đương chăn nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm thịt được đánh giá ngon hơn, an toàn với người tiêu dùng. Từ năm 2017 đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình ông chăn nuôi 40 con lợn nái, 400 con lợn thịt và khoảng 1.000 con gà/lứa, mang lại lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.
Từ những kinh nghiệm tích lũy được và mong muốn chia sẻ với nhiều người để cùng phát triển kinh tế, năm 2013, ông Ngữ đã vận động, thành lập nhóm sở thích, giúp việc chăn nuôi hiệu quả hơn. Với vai trò trưởng nhóm, ông đã cùng trên 30 thành viên của nhóm xây dựng kế hoạch chăn nuôi phù hợp thực tế, tư vấn quy mô đàn, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi, phù hợp với điều kiện của mỗi hộ… Định kỳ hằng tháng, nhóm tổ chức sinh hoạt cùng chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Anh Nguyễn Kiên Cường, một thành viên trong nhóm, nói: Việc liên kết chăn nuôi theo nhóm đã giúp chúng tôi giảm một phần chi phí, nhờ mua được nguồn thức ăn, vắc-xin phòng bệnh với giá cả phù hợp. Nhờ chăn nuôi có định hướng, kế hoạch cụ thể nên việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn.
Hiệu quả từ liên kết trong chăn nuôi là tiền đề giúp ông Ngữ mạnh dạn đứng ra thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi xanh vào năm 2017, thu hút 9 thành viên tham gia. Đây cũng là hợp tác xã đầu tiên trên địa bàn TP. Sông Công áp dụng hình thức sản xuất theo hướng an toàn sinh học.
Không chỉ thành công với chăn nuôi, hiện nay, mô hình trồng hơn 1.500m2 dưa chuột bao tử trong nhà màng của gia đình ông Ngữ cũng được đánh giá cao. Dự kiến, năng suất đạt hơn 6 tấn quả, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/vụ. Theo ông Ngữ, dưa chuột còn được trồng trên giá thể, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt lại trồng trong nhà màng nên ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, sản xuất được nhiều vụ trong năm. Ngoài dưa chuột bao tử, hiện ông Ngữ cũng đang trồng thử nghiệm một số giống dưa khác.
Nói về những thành quả có được, ông Ngữ khẳng định: Ngoài sự nỗ lực không ngừng, việc chủ động thay đổi tư duy, dám nghĩ, dám làm… đã giúp tôi có được thành công ngày hôm nay. Nếu khởi nghiệp lại, tôi vẫn chọn nông nghiệp. Khi đã tích lũy được kinh nghiệm, làm chủ khoa học kỹ thuật, làm nông nghiệp với tôi không còn quá khó.
Ông Trần Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Sông Công, đánh giá: Ông Ngữ không chỉ là người ham học hỏi, có ý chí vươn lên, mà còn rất nhạy bén với khoa học kỹ thuật, tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi. Ngoài làm giàu cho gia đình, ông còn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ về con giống, kỹ thuật gieo trồng, động viên bà con lối xóm cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…