Năng động, sáng tạo, đổi mới, lãnh đạo, điều hành hệ thống chính trị hiệu lực, hiệu quả, đưa tỉnh Sóc Trăng tiến lên bước mới

Với tâm huyết và tình cảm đặc biệt dành cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng, nhân dịp đầu năm 2022, đồng chí Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã có thư gửi Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng góp ý về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021 và định hướng phát triển năm 2022 của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng. Nhằm kế thừa truyền thống quý báu của tỉnh nhà sau 30 năm tái lập, Báo Sóc Trăng xin trân trọng tổng hợp các ý kiến góp ý của đồng chí Lê Phước Thọ và giới thiệu đến bạn đọc.

Đồng chí Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: Q.K

Đồng chí Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: Q.K

Nhân dịp năm mới, năm Nhâm Dần, tôi thân ái xin chúc các đồng chí và gia đình mạnh khỏe, vui tươi và hạnh phúc. Sau đây tôi đóng góp vài vấn đề trong báo cáo năm 2021 và nghị quyết năm 2022 như dưới đây:

1. Trong những thập niên vừa qua, nhất là năm 2021 và đầu năm 2022, trong cả nước nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã trải qua nhiều khó khăn thách thức, nào là biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây cho ta nhiều tổn thất về kinh tế và cướp đi sinh mạng con người; các hộ nghèo và cận nghèo gặp nhiều khó khăn về đời sống... Nhưng dưới sự lãnh đạo và quyết tâm của các đồng chí đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, có ý nghĩa, nổi bật là sản xuất lương thực, lúa đặc sản, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo; thành tích đó đáng hoan nghênh. Thành tích đó có ý nghĩa quan trọng cho những bước tiếp theo, trước hết do sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ tỉnh và sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Thành tích đó đã nói lên sự lãnh đạo của Tỉnh ủy - UBND tỉnh đúng hướng.

2. Báo cáo năm 2021 và nghị quyết nói về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, nói khá đầy đủ nhưng còn một số nhược điểm; những điển hình tốt, mô hình tốt nói chưa rõ cụ thể là:

- Báo cáo về phòng, chống đại dịch Covid-19, nhất là lực lượng chủ lực tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19, đội ngũ đó bao gồm: y - bác sĩ, lực lượng quân sự, công an và dân chính đảng, các đồng chí rất tâm huyết, chăm sóc bệnh nhân cả ngày đêm để cứu mạng người, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, như chiến sĩ ra mặt trận để tiêu diệt quân thù... Do đó, trong báo cáo cần nói rõ tinh thần, thái độ phục vụ chống dịch bệnh Covid-19 và khen thưởng cho tổ chức và cá nhân xuất sắc; đồng thời, cũng phê phán những cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy sàng lọc số tích cực đưa vào diện quy hoạch hoặc đề bạt, bổ nhiệm theo quy chế; đồng thời phê bình hoặc kỷ luật cán bộ, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ.

- Về mô hình “Sư sãi và phật tử tham gia cùng với địa phương, phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự của huyện Kế Sách” (Báo Sóc Trăng thông tin): mô hình này rất tốt, độc đáo, các đồng chí cần sơ kết, rút kinh nghiệm và phổ biến rộng rãi để ngăn chặn tội phạm từ đầu, còn biện pháp hành chính bắt giam là hạ sách.

Nếu các đồng chí đồng ý theo ý kiến của tôi, nên tiếp tục mở rộng mô hình của huyện Kế sách và cho thí điểm tại một số địa phương như: một số xã của TX. Vĩnh Châu, xã Đại Tâm hoặc 1 phường của TP. Sóc Trăng.

- Mô hình nuôi tôm nước lợ đem lại hiệu quả kinh tế cao, cần đánh giá và rút kinh nghiệm.

- Mô hình sản xuất lúa đặc sản của đồng chí Hồ Quang Cua, vì cả nước chưa có mô hình này, độc đáo lắm nên tiếp tục phát huy, mở rộng.

Tóm lại, báo cáo năm 2021 cần điều chỉnh bổ sung cho có chất lượng cao hơn.

Đồng chí Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (bìa phải) về thăm lại khu di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng tại rừng tràm xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Ảnh: Q.K

Đồng chí Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (bìa phải) về thăm lại khu di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng tại rừng tràm xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Ảnh: Q.K

3. Về nghị quyết năm 2022:

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ năm 2020 - 2025 đã nói rõ “Mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị”. Nội dung này chỉ rõ mục tiêu chiến lược 5 năm.

Nghị quyết năm 2022 là cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, ta dựa vào “5 năm nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá” để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là 3 khâu đột phá là chọn khâu nào đưa vào nghị quyết năm 2022.

Qua nghiên cứu dự thảo nghị quyết năm 2022 tôi có nhiều trăn trở cho tỉnh nhà, vì năm 2021 đã kết thúc và bắt đầu thực hiện nghị quyết năm 2022 như các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra trong dự thảo nghị quyết chỉ chuyển biến đôi chút, chưa có đột biến, nhất là thu nhập bình quân đầu người và xóa nghèo. Nếu như lẩn quẩn cây lúa và con tôm, không tạo khâu đột phá mới, thì 5 - 10 năm tới thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi cũng chưa nói được điều gì có ý nghĩa. Theo ý kiến phát biểu của đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy: “Phấn đấu đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người ngang bằng với các tỉnh trong khu vực”. Nếu làm được điều đó nhân dân Sóc Trăng được nhiều hạnh phúc.

Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt vai trò của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là “ngôi sao sáng và trí tuệ của Đảng bộ”, do vậy, cần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xây dựng kinh tế để đưa tỉnh Sóc Trăng tiến lên bước mới, thay đổi về chất...

Đối với tỉnh Sóc Trăng, các đồng chí nên lưu ý việc biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, Sóc Trăng là vùng nước mặn, sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Do vậy, tỉnh cần chỉ đạo các huyện, xã chống xâm nhập mặn, giữ ngọt, bảo đảm cho sản xuất và tiêu dùng, do đó động viên các hộ gia đình làm hồ chứa nước; còn tỉnh, huyện, xã tận dụng kênh, mương, ao hồ chứa nước ngọt để tiêu dùng cho mùa khô, hạn.

Năm 2022, cần tập trung chỉ đạo các vấn đề sau đây: đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; quy hoạch xây dựng điện gió ven biển, phủ kín ven biển; xây dựng các khu du lịch có trọng điểm. Những nội dung này cần chú ý, khi nói định tính, cần rõ định lượng mới có chất lượng. Đặc biệt về kinh tế, ngoài cây lúa và thủy sản, cần tạo quỹ đất sạch để kêu gọi tư nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo với quy mô lớn, vừa, nhỏ; có làm được lĩnh vực này mới làm thay đổi nền kinh tế tỉnh đi lên, công nghiệp, hiện đại hóa cho tương lai.

Vấn đề cuối cùng là công tác xây dựng Đảng, công tác then chốt, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là yếu tố quyết định hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đối với Sóc Trăng, các đồng chí quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho cả trước mắt và lâu dài. Đối tượng chủ yếu đào tạo là cán bộ lãnh đạo, cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ chuyên môn... Nguồn đào tạo chủ yếu ở cấp huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có nguồn cán bộ đông đảo và được thử thách trong thực tiễn. Tôi nói như thế, không phải xem nhẹ đào tạo cán bộ cấp tỉnh. Tăng cường đào tạo cấp huyện cho thật mạnh, vừa đảm bảo yêu cầu cho huyện, vừa có nguồn bổ sung cho tỉnh, đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc Khmer, cán bộ nữ.

Thân ái chúc các đồng chí và gia đình mạnh khỏe.

* Tựa do Báo Sóc Trăng đặt.

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/nang-dong-sang-tao-doi-moi-lanh-dao-dieu-hanh-he-thong-chinh-tri-hieu-luc-hieu-qua-dua-tinh-soc-trang-tien-len-buoc-moi-55024.html