Nâng giá trị cho nông sản Việt xuất khẩu

Tăng cường đầu tư công nghệ chế biến sâu để gia tăng tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu tinh nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng chất lượng và giá trị cho nông sản xuất khẩu là giải pháp bền vững mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện.

Nhiều lợi ích từ đầu tư chế biến sâu

Những năm qua, nhờ đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, chinh phục được các thị trường khó tính nên sản phẩm rau quả của Việt Nam có giá bán cao gấp 3 - 4 lần so với sản phẩm thông thường.

Một dây chuyền chế biến chah leo xuất khẩu. Ảnh minh họa

Một dây chuyền chế biến chah leo xuất khẩu. Ảnh minh họa

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) Đinh Cao Khuê chia sẻ: công ty đã xây dựng được những vùng nguyên liệu tập trung và các nhà máy chế biến rau quả hiện đại. Đơn cử, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai có thể chế biến 300 tấn nguyên liệu chanh dây/ngày, 500 tấn dứa/ngày và 200 tấn xoài/ngày, và hàng trăm tấn chuối, bơ, thanh long, bắp ngọt, đậu bắp, khoai lang… Nhờ chế biến sâu, sản phẩm của công ty đã có mặt tại hơn 60 quốc gia, chinh phục các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil, Israel.

Nói về lợi ích của chế biến sâu, Tổng Thư ký Hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đánh giá: Chế biến sâu giúp doanh nghiệp chủ động nguồn hàng nhờ bảo quản lâu hơn. Từ đó, xóa dần áp lực bán nhanh do tính chất thời vụ và phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu.

Còn theo bà Kim Thu - chuyên gia thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong năm 2024, các mặt hàng thủy sản chủ lực, nhất là mặt hàng tôm cần phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách lựa chọn giải pháp thúc đẩy hoạt động chế biến sâu. Đơn cử như sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng đang ở mức cao trên thế giới. Đây là những lợi thế cạnh tranh lớn các sản phẩm tôm Việt.

Thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam là nhà cung ứng đứng thứ hai thế giới về cà phê, thứ nhất về hạt điều, thứ nhất về hạt tiêu, và thứ ba về gạo. Các hiệp định thương mại đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan. Đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đầu tư bắt kịp xu thế

Dù đã có nhiều nỗ lực song hiện nay, tỷ lệ chế biến sâu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa cao. Thống kê của Hiệp Hội Rau quả Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có khoảng 150 cơ sở, doanh nghiệp có nhà máy chế biến hiện đại, đầu tư mới. Công suất thiết kế là 1 triệu tấn nguyên liệu/năm. Con số này mới chỉ chiếm hơn 10% trong số nguyên liệu Việt Nam sản xuất hàng năm. Vì vậy, ngành rau quả cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm và cạnh tranh xuất khẩu bền vững.

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh minh họa

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh minh họa

Hoặc đối với ngành chè, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mức giá bình quân chè xuất khẩu trong tháng 7/2024 đạt 1.796,3 USD/ tấn, mức giá này mới chỉ bằng chưa tới 70% so với giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới. Giá chè xuất khẩu bình quân toàn cầu trong năm 2023 đạt 2.600 USD/tấn. Nguyên nhân là do chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp, trong khi nhu cầu tiêu dùng chè trên thế giới đã thay đổi rất nhanh, chuyển từ các sản phẩm chè thông thường, sang các sản phẩm chè chế biến sâu, chè đặc sản.

Đề cập về giải pháp chế biến sâu, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa khuyến cáo, các doanh nghiệp chế biến cần không ngừng tiếp cận xu thế và thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như của thị trường để có những sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhu cầu. Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến sẽ ngày càng được chú ý.

Ở góc độ của doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh Phạm Minh Thông cho rằng, để ngành cà phê và hồ tiêu của Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới, cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào khâu chế biến sâu. Doanh nghiệp cần nhìn nhận thẳng vấn đề là không thể mãi kinh doanh theo kiểu thương mại thuần túy mà cần xây nhà máy, đầu tư chế biến sâu và năm nào cũng phải chú trọng cập nhật công nghệ. Bởi đó là điểm mấu chốt, lợi thế để giúp Việt Nam có thể xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao hơn.

Theo Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, giai đoạn 2026 - 2030, Việt Nam phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản, thủy sản chế biến sâu; hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đây là động lực quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh chế biến sâu, gia tăng giá trị xuất khẩu.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-gia-tri-cho-nong-san-viet-xuat-khau.html