Nâng giá trị cho thành phố sáng tạo

Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long - tên gọi đã hàm chứa mục đích làm nổi bật giá trị toàn cầu của di sản.

Hà Nội sẽ bố trí 798 tỷ đồng thực hiện dự án bảo tồn khu vực khảo cổ học số 18 phố Hoàng Diệu; 136 tỷ đồng thực hiện dự án nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long thuộc Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là những thông tin đáng mừng không chỉ cho một khu di sản. Những dự án này đang nằm trong kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, khi hoàn thành sẽ tạo nên bước tiến mới trong công tác bảo tồn di sản của TP nghìn năm, TP sáng tạo.

Từ bảo tàng trong nhà

Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long - tên gọi đã hàm chứa mục đích làm nổi bật giá trị toàn cầu của di sản. Bởi vì, hàng nghìn di vật thu thập được trong các đợt khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long hàng chục năm qua, thực tế chưa thể phát huy hết giá trị. Trưng bày ở di tích tại khu thành cổ số 9 Hoàng Diệu, một phần di vật trưng bày dưới tầng hầm nhà Quốc hội từ cuộc khảo cổ 18 Hoàng Diệu mới chỉ giới thiệu phần nhỏ kho báu của Hoàng thành. Chính vì thế, khu di sản Hoàng thành cần bảo tàng Hoàng cung xứng tầm.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng

“Chúng ta cần những hình dung rõ hơn về lầu son gác tía, cung điện nguy nga từng được mô tả trong sử sách. Đây là điều các trưng bày cần làm. Đó cũng là lý do chúng ta cần thêm trưng bày tại bảo tàng Hoàng cung”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết lý do cần thực hiện dự án. Theo PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: “Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long sẽ tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn khách trong nước và quốc tế”.

Bảo tàng Hoàng cung được đề xuất tạo dựng tại tòa nhà số 1 Hoàng Diệu, nằm trong phạm vi khu thành cổ ở góc Tây Bắc, đã được Bộ Quốc phòng bàn giao lại cho Hà Nội. Đây là công trình thời Pháp thuộc, được xây dựng từ năm 1906, vốn là Sở Binh lương của người Pháp và hiện vẫn được biết tới với cái tên Vaxuco. Tòa nhà này có diện tích rất lớn (khoảng 2.000m2), phần mặt tiền nhìn ra đường Hoàng Diệu dài tới 70m, có kiến trúc cổ điển, đặc trưng với hệ thống ống khói, cầu thang và mái nhà lớp bằng đá phiến lớn nên rất thuận lợi để cải tạo làm bảo tàng trưng bày.

Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, sau khi được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng, việc trùng tu và cải tạo tòa nhà Vaxuco đã được tiến hành, cơ bản hoàn thiện khoảng 90% hạng mục dự kiến. Trong thời gian tới, phía trung tâm sẽ tập trung xây dựng các nội dung hoạt động và trưng bày, để Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long có thể khai trương vào dịp 10/10 năm 2024. Như lời ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, đây sẽ là một bảo tàng có cách trưng bày hiện đại, áp dụng các công nghệ mới và được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn phục vụ du khách tới Hoàng thành.

Đến bảo tàng khảo cổ ngoài trời

Ở không gian đối xứng với Thành cổ Hà Nội qua trục đường Hoàng Diệu, khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, cũng đã được lên kế hoạch đầu tư vài hạng mục lớn, trong đó có bảo tàng khảo cổ ngoài trời.

Thực tế, khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu phát lộ từ năm 2002 và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp quần thể Hoàng thành Thăng Long nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới của UNESCO vào 8 năm sau đó. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khu vực này vẫn chưa được khai thác xứng tầm, dù vào năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng khu di tích này, trong đó bao gồm nhiều hạng mục như khu trưng bày, bảo quản hiện vật tại chỗ.

Theo báo cáo mới nhất trong chương trình sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025” năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, dự án Bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu đã được HĐND TP Hà Nội thông qua chủ trương thực hiện, bố trí 798 tỷ đồng tiền vốn. Dự kiến, Bảo tàng Trưng bày khảo cổ Hoàng Diệu sẽ được hoàn thành vào thời điểm trước năm 2025.

Tại cuộc tọa đàm vào giữa tháng 4/2023, trong khuôn khổ hợp tác giữa UBND TP Hà Nội phối hợp với Tòa thị chính TP Toulouse và Cơ quan phát triển Pháp, KTS Jean Francois Milou (Pháp) - người có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án tại khu vực châu Á đã bày tỏ, khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu là một địa điểm mang đặc trưng của Hà Nội trong quá khứ và tương lai. Do yêu cầu về quy hoạch rất nghiêm ngặt của khu vực này, nên kiến trúc sư này cho rằng chỉ có thể xây dựng nơi đây thành một công viên, dành riêng cho khu khảo cổ học của Hoàng thành Thăng Long.

Khu công viên này sẽ được nhìn thấy từ phía Tòa nhà Quốc hội. Hình ảnh hai công trình kế bên nhau biểu tượng cho mối liên hệ giữa Hà Nội ngày nay và Hà Nội trong quá khứ. Đây là thông điệp mang tính biểu tượng rất cao. Đồng thời, hình ảnh công viên được thiết kế trải theo phương ngang của công viên không hề làm ảnh hưởng đến hình ảnh của công trình nhà Quốc hội.

“Điều chúng tôi thấy trong dự án này, đó là cơ hội tạo nên một trong những công viên đẹp nhất của Hà Nội, và mang tới khuôn viên công viên tuyệt đẹp này những diễn giải khoa học về những gì đã diễn ra tại Thăng Long - Hà Nội trong quá khứ”, KTS Jean Francois Milou nhấn mạnh.

Một nhân tố quan trọng nhất của khu vườn này, tất nhiên đó chính là bảo tàng khảo cổ học ngầm rộng lớn với lối tiếp cận trực tiếp tới các hố khảo cổ. Bảo tàng khảo cổ học sẽ mang đến một thông điệp có chiều sâu hơn tới những du khách mong muốn được tìm hiểu kỹ hơn về điều đã xảy ra tại khu vực khảo cổ này, cũng như với Thăng Long - Hà Nội trước đây.

Tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long không có khu trưng bày riêng để giới thiệu các giá trị về hoàng cung cũng như lịch sử quân sự là một thực tế diễn ra nhiều năm nay. Chính vì vậy, gần 1.000 tỷ đồng đầu tư cho 2 bảo tàng là sự cần thiết, bởi các dự án này đang được gửi gắm kể nên câu chuyện nhiều giá trị của Thăng Long Hà Nội bằng các hình thức trưng bày độc đáo.

"Với phương án bảo tồn khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, tôi đề xuất xây dựng một bảo tàng tại chỗ mang chủ đề các dấu tích Cung điện Thăng Long. Mô hình tốt nhất là học tập theo mô hình của Pháp ở Ferigeux, với thiết kế đẹp và bền vững - một trong những thiết kế đẹp nhất trong tất cả bảo tàng tại chỗ hiện có trên thế giới.

Cùng với đó là các giải pháp bổ trợ để phát huy hiệu quả giá trị khu di sản như: nghiên cứu tiến đến khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên, nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long, nghiên cứu phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc Hoàng cung Thăng Long." - PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam

Thành Bảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-gia-tri-cho-thanh-pho-sang-tao.html