Nắng hạn khiến hàng chục ngàn ha rừng trồng khô héo

Nắng hạn đã kéo dài hơn 7 tháng qua khiến hàng chục ngàn ha rừng trồng tại H.Xuân Lộc rơi vào cảnh khô héo trầm trọng. Ghi nhận tại 6 phân trường thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, đến nay đã có hơn 50ha cây keo lai và khoảng 10 ngàn cây gỗ lớn bị chết khô hoàn toàn.

Lô rừng tràm 5 tuổi do ông Võ Thanh Vũ (ngụ xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc) nhận khoán đất trồng rừng đã chết khô hoàn toàn, phải chặt bỏ. Ảnh: H.Đình

Lô rừng tràm 5 tuổi do ông Võ Thanh Vũ (ngụ xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc) nhận khoán đất trồng rừng đã chết khô hoàn toàn, phải chặt bỏ. Ảnh: H.Đình

Theo nhận định của đơn vị quản lý, nếu như vài ngày nữa vẫn chưa có mưa thì mức thiệt hại về tài sản rừng trồng tại Lâm trường Xuân Lộc là rất lớn; diện tích cây rừng bị chết có khả năng lên đến hàng ngàn ha.

* Rừng trồng đang dần chết khô hàng loạt

Mặc dù thời gian gần đây trên địa bàn Đồng Nai đã có lác đác vài cơn mưa chuyển mùa nhưng không "ăn thua" gì so với tình hình hạn hán tại các phân trường như: Láng Cát, Gia Phu, Đầm Voi... thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc. Các phân trường này nằm ở khu vực khí hậu cực Nam Trung bộ, tiếp giáp với tỉnh Bình Thuận, đến nay vẫn chưa có mưa. Nắng vẫn cứ chói chang, thời tiết khô khốc, khiến hàng ngàn ha cây rừng trút lá và khô, chết dần từng ngày. Nhiều diện tích cây rừng gỗ lớn trên 15 năm tuổi cũng bị chết.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, tính đến thời điểm này đã có gần 10 ngàn cây gỗ lớn và hơn 50ha tràm lai đã bị chết, tình hình cây rừng chết sẽ còn diễn biến phức tạp nếu như những ngày tới vẫn không có mưa.

Ông Tô Thế Mạnh, Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cho hay, trước tình hình này, vừa qua, đoàn công tác của Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở NN-PTNT đã phối hợp cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc tiến hành khảo sát, thống kê tại thực địa. Theo đó ghi nhận có khoảng 889ha rừng trồng có cây bị chết, với tỷ lệ từ 13-16%. Trong đó có khoảng 265 hộ dân trồng rừng bị thiệt hại.

Ông Võ Thanh Vũ (ngụ xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc), người dân nhận khoán đất trồng rừng cho biết, lô rừng tràm 5 năm tuổi gia đình ông chăm sóc đã chết hoàn toàn. Do cây tràm chưa đến tuổi khai thác nên ông chỉ có thể bán cho người khác làm củi với giá rẻ, chỉ khoảng 15 triệu đồng/ha. Riêng một số lô tràm 3-4 năm tuổi rất khó bán, bán rẻ cũng khó tìm được người mua.

“Đối với cây tràm lai (keo lai) đạt độ tuổi khai thác từ 6-7 năm tuổi bị chết khô thì có thể bán với giá từ 100-120 triệu đồng/ha. Mặc dù thua lỗ rất nặng nhưng bà con nơi đây vẫn chấp nhận bán. Bởi lẽ, nếu để lâu, mưa xuống đường lầy lội thì sẽ chẳng còn cơ hội để bán cho ai cả” - ông Vũ nói.

* Nỗ lực “cứu” cây rừng

Để khắc phục tình trạng trên, trong những ngày qua, ngoài việc tổ chức tuần tra, xử lý thực bì để phòng, chống cháy rừng thì lực cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc phải tổ chức đi tưới nước để “cứu” cây. Tuy nhiên, so với diện tích hơn 10 ngàn ha rừng thì diện tích được tưới cũng chẳng đáng là bao.

“Đến thời điểm này tất cả các ao, hồ dự trữ nước tại các phân trường đều đã cạn kiệt nước. Cán bộ, người dân nhận khoán đất trồng rừng nơi đây rơi vào cảnh lực bất tòng tâm, xót xa nhìn cây rừng khô chết” - ông Nguyễn Văn Thư, Phó phân trường trưởng Phân trường Gia Phu cho biết.

Ông Tô Thế Mạnh cho biết thêm, nguyên nhân chính khiến cây rừng chết là do thời tiết nắng hạn. Ngoài ra, việc lựa chọn một số cây rừng không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng đã gây thất thoát rất lớn. Cụ thể như tỷ lệ chết đối với cây gỗ dầu gần 43%, gỗ tếch là 32,7%, sao đen trên 26%, xà cừ 13,3%. Trong khi các loại gỗ như: giáng hương, gõ đỏ, gáo, tỷ lệ chết chỉ từ 1-5%.

Vì vậy, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc kiến nghị Sở NN-PTNT có hướng tìm chọn những cây rừng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để khắc phục hiệu quả tình trạng cây rừng bị khô chết do không thích nghi được đối với khí hậu khắc nghiệt. Ngoài ra, đơn vị cũng rất mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ để đơn vị cũng như người dân có điều kiện tái đầu tư, tái sinh đối với những diện tích rừng đã bị khô chết.

Nắng hạn gay gắt khiến cây rừng chết hàng loạt gây thiệt hại rất lớn về môi trường tự nhiên, tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Hiện tượng này cũng là hồi chuông cảnh báo về sự biến đổi khí hậu nghiêm trọng hiện nay. Để tái sinh cho những cánh rừng, đơn vị quản lý rừng và người dân nhận khoán đất trồng rừng ở H.Xuân Lộc rất mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ tích cực để người dân và đơn vị quản lý có điều kiện tiếp tục thực hiện công tác trồng cây, gây rừng vào mùa mưa tới.

Hải Đình

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202005/huyen-xuan-loc-nang-han-khien-hang-chuc-ngan-ha-rung-trong-kho-heo-3004256/