Nắng hạn lịch sử, người dân Thanh Hóa phải bỏ ruộng
Dù đã quá thời vụ, nhưng hàng nghìn héc ta ruộng ở Thanh Hóa đang trong tình trạng phơi nắng, người dân mòn mỏi chờ mưa
Người dân các tỉnh Bắc Trung bộ nói chung, Thanh Hóa nói riêng đang đối mặt với đợt nắng nóng kỷ lục. Dù đã quá thời vụ, nhưng hàng nghìn héc-ta ruộng ở Thanh Hóa đang trong tình trạng phơi nắng, người dân mòm mỏi chờ mưa. Không thể gieo cấy, người dân Thanh Hóa đối diện với vụ mùa trắng tay.
Những cánh đồng rộng hàng trăm héc ta, những tảng đất lật lên lổm chổm, bạc phếch, dưới cái nắng oi ả. Không một giọt nước, hơn 200 héc ta ruộng ở xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh đứng trước nguy cơ bỏ vụ mùa. Ông Nguyễn Thanh Ba, người dân xã Phú Nhận, huyện Như Thanh cho biết, nhà ông có hơn 1 mẫu nhưng chưa cấy được ruộng nào, trong khi khung thời vụ đã qua, mạ đã quá ngày “nước thì không có, trời không mưa, rất là gay, cho nên bà con chịu thôi, vụ này có khi không cấy được nữa vì mạ quá ngày rồi”, ông Ba cho biết.
Theo ông Lê Văn Khánh, Trưởng thôn Thanh Sơn, xã Phú Nhuận, Như Thanh, đây là đợt nắng hạn lịch sử mà người dân Như Thanh đang phải đối mặt. Nhiều diện tích không thể gieo cấy, người dân Như Thanh sẽ đối mặt với vụ mùa không có thu nhập “Mạ đến thời điểm này là hết thời vụ, nước ăn đã thiếu lại phải gánh nước đi tưới mạ. Sau 5 ngày nữa nếu không mưa coi như mạ hỏng, nếu có mưa thì chuyển sang phương án xạ”, ông Khánh nói.
Những nơi chưa cấy được thì đứng trước nguy cơ bỏ ruộng, nhưng với diện tích đã gieo cấy cũng khó khăn trong việc chống hạn.
Những chiếc máy bơm nước đặt ở cửa chính hồ Mậu Lâm đã chạy hết công suất mấy ngày nay với mong muốn cứu vãn những cây lúa non. Theo phương châm “còn nước còn tát”, tát cho đến khi trời có mưa, nếu không nước ở hồ cũng đã cạn trơ đáy. Ông Nguyễn Tiến Quý, Phó Chủ tịch xã Phú Nhuận cho biết, ông chưa chứng kiến trận hạn hán nào lớn mà ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân như lần này “tình hình nhận định tiếp tục nắng nóng nên diện tích còn lại không cấy được rồi. Xã đã có phương án, từ nay đến 15/7 trời có mưa thì cho dân bắc mạ sân và cho xạ với diện tích có nước kịp thời vụ. Còn diện tích không cấy được chúng tôi chuyển đổi sang cây trồng khác”, Chủ tịch xã Phú Nhuận nói.
Cùng với lý do khách quan là thời tiết nắng hạn kéo dài, việc hàng trăm héc ta ruộng ở Phú Nhuận, Như Thanh không thể gieo cấy được còn do dự án cải tạo, nạo vét lòng hồ Mậu Lâm. Dự án do công ty TNHH Trường Minh chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Mặc dù đã triển khai từ năm 2017, nhưng đến nay dự án này vẫn dậm chân tại chỗ. Đơn vị thi công chưa thực hiện nạo vét mà chú trọng tận thu cát sỏi ở khu vực thượng nguồn, điều này càng khiến cho việc tích nước, cung cấp sản xuất cho bà con nhân dân không thể.
Thông tin thêm về tình hình nắng hạn tại Thanh Hóa, ông Vũ Quang Trung, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đến ngày 7/7, toàn tỉnh Thanh Hóa đã gieo cấy được hơn 11.300 ha lúa. Hiện vẫn còn khoảng 5.080 ha chưa thể gieo cấy được vì khô hạn, thiếu nước. Ngoài huyện Như Thanh bị ảnh hưởng nặng nhất bởi hạn hán còn có các huyện như Quan Sơn với 558 ha, Quan Hóa 500 ha… chưa thể gieo cấy được. Sở đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tận dụng tối đa nguồn nước ở một số nơi có mưa để gieo cấy đúng thời vụ, chăm sóc lúa đã gieo cấy để đảm bảo diện tích. Ngoài ra Sở cũng khuyến cáo bà con sau 10/7 nếu diện tích nào chưa gieo cấy được thì chuyển đổi sang trồng một số loại cây ngắn ngày làm thức ăn chăn nuôi, rau quả thời vụ…”./.
Một số hình ảnh nắng nóng trên đồng ruộng ở Thanh Hóa:
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nang-han-lich-su-nguoi-dan-thanh-hoa-phai-bo-ruong-1068534.vov