Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi từ 75 triệu lên 125 triệu đồng
Theo dự thảo mới nhất, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một cá nhân tối đa là 125 triệu đồng thay vì 75 triệu đồng như hiện nay.
Người gửi tiền sẽ được nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi
Chính phủ vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi (BHTG), với định hướng nâng lên so với mức áp dụng hiện nay. Theo dự thảo, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 125 triệu đồng.
Hiện tại, mức chi trả bảo hiểm tiền gửi đang được áp dụng ở mức 75 triệu đồng, từ năm 2017 đến nay, mức chi trả này được đánh giá là quá thấp. Từ thực tế bất cập này, cộng thêm xét năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện nay, NHNN đã trình Chính phủ nâng mức bảo hiểm để người dân an tâm gửi tiền.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, theo tính toán của NHNN, nếu nâng hạn mức BHTG lên mức 125 triệu đồng, tương đương 2 lần GDP bình quân đầu người thì quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% Quỹ tín dụng nhân dân.
Ông Đào Quốc Tính – Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, toàn hệ thống đang chuẩn bị sẵn sàng để triển khai hạn mức trả tiền bảo hiểm mới.
Theo số liệu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tính đến 30/6/2020, tổng tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt mức hơn 64 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 18% so với thời điểm 31/12/2019. Quy mô quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng đạt mức hơn 58 nghìn tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong năm 2019, cơ quan này không phải chi trả bất kỳ khoản bảo hiểm tiền gửi nào. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho hay, số tiền tạm thời nhàn rỗi hiện đang được cơ quan này đầu tư, đảm bảo nguyên tắc an toàn và phát triển vốn.
Từ nay đến cuối năm 2020, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết sẽ tập trung vào việc nghiên cứu và chủ động đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Đồng thời, sẽ tích cực tham gia vào quá trình xử lý các tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của NHNN. Phối hợp chặt chẽ với NHNN trước, trong và sau quá trình kiểm soát đặc biệt nhằm đảm bảo quyền lợi của ngưởi gửi tiền.