Nâng hạng chứng khoán: Kinh nghiệm từ Thái Lan

Yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài ký quỹ 100% trước khi giao dịch bị coi như trở ngại quan trọng với việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nâng hạng thị trường là một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới. Đặc biệt, theo các tổ chức tài chính quốc tế, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể mang lại 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế.

Vẫn còn vướng mắc

Thời gian qua, Việt Nam đã theo đuổi mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số vướng mắc cần được giải quyết để đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), cho biết để nâng hạng thị trường chứng khoán, đến nay Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí. Nhưng hiện còn hai tiêu chí mà Việt Nam cần hoàn thiện là ký quỹ trước giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài và tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Công ty cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu FTSE Russell mới đây đã công bố cập nhật xếp hạng các thị trường chứng khoán. “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực phát triển thị trường của Việt Nam, tuy nhiên cần phải có thêm các thay đổi để giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ tiếp cận thị trường hơn cũng như cần phải giải quyết những vấn đề liên quan đến xử lý giao dịch. Ngoài ra, yêu cầu buộc nhà đầu tư nước ngoài ký quỹ 100% trước khi giao dịch bị coi như trở ngại quan trọng với việc nâng hạng” - FTSE Russell cho biết.

 Nhiều tổ chức trong và ngoài nước tỏ ra lạc quan về khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều tổ chức trong và ngoài nước tỏ ra lạc quan về khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: HOÀNG GIANG

FTSE Russell từng nhấn mạnh việc Việt Nam yêu cầu phải có đủ tiền trước khi đặt lệnh (yêu cầu ký quỹ trước giao dịch) không đáp ứng được tiêu chí xử lý thanh toán của thị trường mới nổi. Ngoài ra, quá trình mở mới tài khoản cũng khiến nhà đầu tư ngoại đương đầu với những vướng mắc về thủ tục.

Quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán vào 2025

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 mới đây, Thủ tướng nêu rõ phát triển thị trường chứng khoán là một yêu cầu khách quan. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta quyết tâm nâng hạng thị trường Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025”.

Thủ tướng chỉ đạo phải tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được”.

Từ góc độ của nhà đầu tư, một số quy định đang khiến họ gặp khó, như tỉ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, ông Johan Nyvene, Giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), đề xuất điều chỉnh hoặc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhất là đối với các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài.

“Loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch sẽ làm tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài và đương nhiên sẽ giúp cho việc nâng hạng thị trường Việt Nam gần với hiện thực hơn” - ông nhấn mạnh.

Bài học kinh nghiệm từ Thái Lan

Phía cơ quan quản lý đang thể hiện những động thái rất mạnh mẽ để tháo gỡ vướng mắc cũng như gia tăng sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán Việt.

Bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN, cho biết: Chúng tôi đã trao đổi với các tổ chức xếp hạng quốc tế để tìm giải pháp về ký quỹ trước giao dịch. UBCKNN cũng đã trình Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số văn bản, trước mắt không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, đảm bảo hoạt động nước ngoài, hoạt động thanh toán.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang thử nghiệm hệ thống giao dịch mới nhằm giải quyết vấn đề tiền gửi, đồng thời rút ngắn quá trình xử lý giao dịch.

Bà Phạm Thị Thùy Linh thông tin thêm: UBCKNN cùng với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đang rà soát ngành nghề, đồng thời công bố thông tin minh bạch bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nắm thông tin tỉ lệ sở hữu của các doanh nghiệp một cách dễ dàng nhất. Song song đó, chúng tôi kiến nghị Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ, ngành khác để rà soát các ngành nghề, có thể mở rộng tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài với một số ngành nghề không thiết yếu.

Nói thêm về điều này, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Công ty CP Chứng khoán VPBankS, đề xuất phía Việt Nam có thể cung cấp thêm cho nhà đầu tư nước ngoài sản phẩm cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Đây là giải pháp hiệu quả trong thời điểm hiện tại, bởi nếu rà soát văn bản pháp quy về thay đổi tỉ lệ sở hữu tại các công ty niêm yết, đặc biệt là tại các ngân hàng thì phải sửa đổi rất nhiều văn bản pháp luật.

Câu chuyện cổ phiếu không có quyền biểu quyết đã được áp dụng rất thành công tại Thái Lan. Áp dụng chứng chỉ không có quyền biểu quyết sẽ giúp giải bài toán giao dịch, nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài muốn giao dịch cổ phiếu tại Việt Nam không cần có quyền biểu quyết.

“Thái Lan đã giải quyết nhu cầu giao dịch ngay lập tức của nhà đầu tư nước ngoài bằng giải pháp này và đây là yếu tố quan trọng giúp Thái Lan nâng hạng lên thị trường mới nổi, giúp tăng thêm 20% tổng giao dịch toàn thị trường nước này. Với điều kiện như Việt Nam, khoảng thời gian rất gấp rút để triển khai cho nâng hạng, chứng chỉ này sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất và ngắn nhất” - ông Sơn phân tích.

Việt Nam là ứng viên hàng đầu để được nâng hạng

Nhiều tổ chức trong và ngoài nước tỏ ra lạc quan về khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bloomberg mới đây đã phân tích cả về thuận lợi và thách thức của Việt Nam trong việc nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán.

Cụ thể, tổ chức tài chính JP Morgan Chase và Ngân hàng HSBC đều dự báo thị trường chứng khoán quy mô 269 tỉ USD của Việt Nam sẽ được FTSE Russell nâng hạng trong năm nay, còn phía Việt Nam đã đặt mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025.

“Việt Nam có thể coi như ứng viên hàng đầu để được nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á. Việt Nam cũng được coi như trung tâm sản xuất toàn cầu, 3/5 năm trở lại đây thị trường đều tăng trưởng hai chữ số mỗi năm.

Cũng theo Bloomberg, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, Việt Nam sẽ cùng gia nhập nhóm thị trường mới nổi tại Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines. Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện giờ đã lớn hơn Philippines.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/nang-hang-chung-khoan-kinh-nghiem-tu-thai-lan-post783898.html