Nâng hạng thị trường qua góc nhìn nhà đầu tư
Dù chậm so với kỳ vọng, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đang từng bước đáp ứng các điều kiện để được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Trong văn bản được FTSE Russel công bố ngày 5/3/2024, Việt Nam nằm trong danh sách được cân nhắc phân loại từ vị thế thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp, nhưng FTSE khuyến nghị, họ cần nhìn thấy các hành động tích cực hơn. Kết quả này tương tự trong kỳ đánh giá tháng 9/2023, FTSE xác định Việt Nam là thị trường mới nổi thứ cấp và đặt trong danh sách theo dõi. Để cải thiện tình hình, có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần giải quyết gồm yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room).
Nói về vấn đề này, trong buổi tọa đàm do Báo Đầu tư tổ chức tuần qua, bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý đang ưu tiên giải quyết tiêu chí được FTSE đề cập.
Trên thực tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nghiên cứu và đề xuất sửa đổi một số văn bản pháp lý như Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, Thông tư 96/2020/TT-BTC về công bố thông tin, Thông tư 119/2020/TT-BTC về lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, Thông tư 120/2020/TT-BTC về giao dịch chứng khoán.
Có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần giải quyết gồm yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Với nhóm vấn đề thứ nhất, đến thời điểm thanh toán mà nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không có đủ tiền thì nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư sẽ được chuyển sang công ty chứng khoán (CTCK).
Theo đó, Thông tư 96/2020/TT-BTC dự kiến được sửa đổi theo hướng bổ sung khoản 7a Điều 33: “Trường hợp CTCK là người có liên quan của người nội bộ của tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch hoặc quỹ đại chúng niêm yết, khi thực hiện thanh toán thay cho nhà đầu tư không đủ khả năng thanh toán thông qua nghiệp vụ tự doanh của mình, CTCK không phải thực hiện công bố thông tin trước khi giao dịch và phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch hoặc công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm hoàn thành giao dịch về việc miễn trừ trách nhiệm công bố thông tin trước giao dịch của người nội bộ, người có liên quan của người nội bộ là CTCK khi CTCK thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho nhà đầu tư nước ngoài sử dụng dịch vụ giao dịch không ký quỹ 100% tiền bị mất khả năng thanh toán”.
Đồng thời, cơ quan quản lý dự kiến bổ sung khoản 7b Điều 33: “Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tại thời điểm thanh toán, CTCK nơi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đặt lệnh giao dịch phải thực hiện công bố thông tin về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm thực hiện thanh toán thay cho nhà đầu tư”. Điều này nhằm tăng cường tính răn đe, kỷ luật thanh toán và ngăn chặn khả năng CTCK lợi dụng cơ chế đó để cấp tín dụng cho nhà đầu tư ngoại.
Về room ngoại, hiện nay, Việt Nam có quy định ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, chưa có hướng dẫn cụ thể về cách xác định chính xác giới hạn sở hữu nước ngoài tương ứng với ngành nghề doanh nghiệp đang hoạt động. Vì thế, cần làm rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận thông tin này. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tăng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của các doanh nghiệp nhà nước niêm yết.
Giải pháp được đưa ra là sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP, yêu cầu các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán phải công bố về room ngoại trên trang thông tin của công ty và Sở giao dịch chứng khoán. Ngoài ra, công bố một số loại thông tin nhất định bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trong tiếp cận thông tin.
Cụ thể hơn, công ty đại chúng quy mô lớn (vốn góp chủ sở hữu từ 120 tỷ đồng trở lên) công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các thông tin công bố định kỳ. Công ty đại chúng có vốn góp chủ sở hữu dưới 120 tỷ đồng và việc công bố thông tin bất thường sẽ thực hiện sau theo lộ trình.
Đề cập đến câu chuyện nâng hạng thị trường, tại buổi lễ kỷ niệm 25 năm thành lập PYN Elite Fund tuần qua, ông Petri Deryng, nhà sáng lập và tổng giám đốc quỹ này chia sẻ: “Chúng ta đều hy vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi từ cách đây 5 - 7 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nhà đầu tư vẫn phải kiên nhẫn, nhưng nhìn vào động thái gần đây từ cơ quan quản lý, dường như có sự chuyển động và quyết tâm thực hiện. Chắc chắn sẽ có một số điều khiến chúng ta phải ngạc nhiên và thấy rằng, chúng ta đang đạt được điều đó từng chút một”.