Nàng Kiều lại một phen lao đao
Được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng khác nhau với trên 35 bản dịch trên khắp thế giới nhưng 'Truyện Kiều' của đại thi hào Nguyễn Du lại chưa một lần được chuyển thể thành phim điện ảnh. Song, ngay từ bước thử nghiệm đầu tiên, những tác phẩm chuyển thể này đã gây tranh cãi dữ dội.
Sức sống đương đại của “Truyện Kiều”
“Truyện Kiều” được biết đến đầu tiên với tên gọi “Đoạn trường tân thanh”, là tác phẩm đồ sộ gồm 3.254 câu thơ lục bát viết bằng chữ Nôm của đại thi hào nổi tiếng Nguyễn Du. Nội dung bài thơ xoay quanh Thúy Kiều - một thiếu nữ trẻ tài sắc vẹn toàn phải chôn vùi tuổi xuân và tình yêu của mình trong những gian truân, bất hạnh của sóng gió cuộc đời.
Hàng trăm năm qua, Truyện Kiều luôn là đại thi phẩm được mọi người dân Việt Nam biết đến, trở nên quen thuộc như giếng nước, bờ ao, lũy tre quanh nhà. Mê Kiều, say Kiều, người dân nước Việt sáng tạo ra nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú và độc đáo như ngâm Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, dẫn Kiều, ru Kiều, bói Kiều, nhại Kiều... Không chỉ đi vào đời sống dân gian, “Truyện Kiều” còn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khác ra đời.
Ở thời hiện đại, sức sống của Kiều càng mạnh mẽ khi được chuyển thể sang nhiều loại hình sân khấu. Đó là phim “Kim Vân Kiều” của Công ty Phim và Chiếu bóng Đông Dương (Indochine Films et Cinémas); là vở opera “Định mệnh bất chợt” của Nguyễn Thiện Đạo; hợp xướng “Truyện Kiều” của Vũ Đình Ân; vở chèo “Dòng lệ Tố Như”; kịch hình thể Nguyễn Du với Kiều của NSND Lan Hương; kịch nói “Kiều” của NSND Anh Tú; các vở rối “Thân phận nàng Kiều”; nhạc kịch “Kim Vân Kiều”; ballet Kiều; múa Kiều...
Trong đó, vở múa rối “Thân phận nàng Kiều” (tác giả NSƯT Lê Chức và nhà văn Nguyễn Hiếu; đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng dàn dựng) từng đoạt Huy chương Vàng cho vở diễn xuất sắc, giải Đạo diễn xuất sắc, giải Họa sĩ tạo hình xuất sắc, 2 Huy chương Vàng cho diễn viên xuất sắc, 5 Huy chương Bạc cho các diễn viên tham gia tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm, tháng 10-2020. Đây cũng là lần đầu nhân vật nàng Kiều từ thơ Nôm lục bát của đại thi hào Nguyễn Du được giải mã bằng ngôn ngữ rối cạn (rối và người). Mới đây nhất, “Truyện Kiều” còn được đưa lên màn ảnh rộng với hai tác phẩm “Kiều @” của đạo diễn Vũ Thành An và “Kiều” của đạo diễn Trần Bửu Lộc.
Liên tục gây tranh cãi
Không thể phủ nhận sức sống mãnh liệt và nỗ lực sáng tạo của hậu thế đối với “Truyện Kiều”. Tuy vậy, xung quanh những dự án chuyển thể này vẫn có tranh cãi, người khen kẻ chê. Nhất là việc nàng Kiều được “thổi” lên quá mức, được chuyển sang một dạng khác mà người xem không thấy được con người “cơ bản” như họ vẫn thấy, vẫn hình dung về nàng Kiều.
Đơn cử như tác phẩm điện ảnh “Kiều” được giới thiệu cách đây vài tháng. Bộ phim gây chú ý khi hé lộ chân dung nữ diễn viên hóa thân vai Thúy Kiều cùng tạo hình nhân vật. Không ngoài dự đoán, nữ chính là Trình Thị Mỹ Duyên, sinh năm 1995, người đẹp đến từ tỉnh Tuyên Quang. Cô từng gây ấn tượng với khán giả khi là thí sinh thuộc đội của huấn luyện viên Lan Khuê tại chương trình The Face 2017 và cũng là người đẹp đoạt danh hiệu “Người đẹp áo dài” trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017.
Ngay khi tạo hình Thúy Kiều được hé lộ, trên các diễn đàn, trang mạng, những ý kiến trái chiều xuất hiện. Một số người cho rằng Mỹ Duyên đẹp sắc nét, phù hợp với nhân vật: “Trong tưởng tượng của mình, Thúy Kiều là kiểu con gái da trắng, mặt hơi mị hoặc chút ít có nét ngây thơ, bạn này xinh đấy!”; “Cô ấy đẹp đúng mẫu, chờ diễn xuất nữa thôi!”; “Cô ấy đẹp đúng kiểu Á Đông đấy, chờ diễn xuất”; “Đôi mắt nhìn mị ghê, hợp đấy”... Một số người lại chê Mỹ Duyên chưa đủ độ đẹp của Kiều mà Nguyễn Du mô tả. Ngoài tranh luận ngoại hình, nhiều người chê bai phục trang của Kiều chưa phù hợp. Đặc biệt, màu sắc phục trang là màu vàng trong khi Kiều rơi vào chốn lầu xanh. Màu vàng vốn là màu dành cho vua chúa, hoàng tộc mà sử dụng ở bối cảnh này thì có vẻ bất hợp lý.
Phim “Kiều” đã từng gây tranh cãi một lần sau khi công bố hình ảnh và đoạn video clip đầu tiên. Thời điểm đó, phim bị ý kiến trái chiều về việc sử dụng chữ quốc ngữ được đánh giá không đúng mà phải dùng chữ Nôm. Phần phục trang khi đó cũng bị chê hở hang quá đà. Trước các tranh cãi, phía nhà sản xuất cũng lên tiếng biện giải, cảm ơn những đóng góp từ công chúng và tiếp thu các góp ý.
Còn phim “Kiều @” quy tụ diễn viên Phan Thị Mơ, Cao Thái Hà, nghệ sĩ Công Ninh... vừa ra rạp sau tết Nguyên đán 2021 lại khiến giới mộ điệu ngán ngẩm. Tác phẩm từng gây chú ý khi được giới thiệu là phim điện ảnh trong nước đầu tiên áp dụng kỹ thuật quay one-shot (quay liên tục bằng cú máy dài, không cắt cảnh).
Với thời lượng hơn 2 tiếng, đạo diễn chọn cách kể câu chuyện qua dòng hồi tưởng của một nhân vật. Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính - Hương (Phan Thị Mơ) - cô gái từ quê lên thành phố học. Cô sa vào lưới tình của một thanh niên xảo trá, sau đó bị bạn trai ép đi phục vụ các đại gia. Cô thoát ra, làm lại cuộc đời với Tùng (Mạnh Luân) - một bác sĩ tốt bụng. Ra tù, bạn trai cũ lại tìm đến, đe dọa cô, tiếp cận Phấn (Cao Thái Hà) - em gái Hương. Vì sự an toàn của Phấn và gia đình, cô buộc lựa chọn: hoặc tiếp tục chuyện tình với Tùng hoặc trở lại con đường làm gái bán hoa.
Được quảng bá lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều”, tuy nhiên, nội dung phim không liên quan nhiều đến tác phẩm của thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm chỉ nhắc đến “Truyện Kiều” ở một số chi tiết nhỏ, như phân đoạn hai chị em Hương - Phấn bói Kiều ở đầu phim. Thay vào đó, nội dung phim giống vở cải lương “Nửa đời hương phấn” của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, tên nhân vật cũng tương đồng như Hương, Tùng, Cang...
Đỉnh điểm gây tranh cãi của “Kiều @” và việc đạo diễn cài cắm quá nhiều cảnh “nóng” để xoáy vào nỗi ê chề, nhục nhã của nhân vật Hương mỗi khi bị ép tiếp khách. Dù vậy, những phân cảnh dễ tạo tranh cãi vì các góc máy thiếu tính thẩm mỹ. Hình ảnh nhân vật chính khoe lưng trần có hình xăm của huyền thoại Hollywood - Marilyn Monroe được lặp đi lặp lại mà không rõ dụng ý. Ở một cảnh Hương tiếp một gã giang hồ, camera bắt cận cảnh người này liếm mật trên lưng cô gái gây phản cảm thô tục hơn là một thông điệp nghệ thuật.
Chuyển thể “Truyện Kiều” khó đến đâu?
Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Nguyễn Du - Truyện Kiều qua văn bản và các liên văn bản văn chương, nghệ thuật”, tháng 11-2020, Th.s Đào Thị Diễm Trang (Viện Văn học) cho rằng: “Xét về ý nghĩa học thuật, việc chuyển thể “Truyện Kiều” là một cuộc trình diễn văn học mà lời thơ dù có được xướng lên đúng với nguyên tác thì vẫn mang đặc tính của lời nói, không còn ngôn ngữ viết. Từ đó tạo nên một đứa con tinh thần từ cuộc hôn phối giữa văn bản, văn hóa và sân khấu”.
Sau tất cả những tranh cãi, vậy “Truyện Kiều” có nhiều chất điện ảnh không? - là một câu hỏi khá hóc búa đối với các nhà phim Việt. Bởi, cái hay nhất của “Truyện Kiều” chính là những vần thơ Nôm, gửi gắm trong một cốt truyện đi mượn được sử dụng một cách đầy sáng tạo phù hợp với thể loại truyện thơ Nôm dân tộc. Nhưng, để hiện thực hóa “Truyện Kiều” bằng phim ảnh thì phải miêu tả cụ thể các tình tiết và chi tiết đời sống, mà nếu không cẩn thận sẽ rơi vào cái bẫy minh họa cho cốt truyện tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của tác giả gốc, vốn được đánh giá là không có gì đặc sắc xưa nay.
Theo một giảng viên môn Văn học Việt Nam tại Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, triết lý “Truyện Kiều” chủ yếu nằm ở hai chữ Tài - Sắc và Tài - Tình, họ đều thống nhất cho rằng, câu chuyện Kiều - Kim thực ra nằm ở chữ Tình: “Lại mang lấy một chữ tình/ Khư khư mình buộc lấy mình vào trong”. Sự phong phú uyển chuyển của tâm lý nhân vật Kiều xuất phát và ảnh hưởng nhiều bởi chữ Tình như thế.
Hay, theo cách nói của GS Trần Đình Sử trong cuốn “Thi pháp Truyện Kiều” là “sự vận động của tấm lòng”. qua các sự kiện, tình huống bi kịch trong Truyện Kiều: “Tấm lòng Kiều được thể hiện trong một giới hạn rộng rãi nhất, từ những ý nghĩ cao cả nhất tới những suy tư trần tục nhất. Điều này chỉ có ý nghĩa riêng đối với tình cảm của nàng”. Chính suy nghĩ này đã đưa đẩy cuộc đời của Kiều đến nhiều biến cố - một chi tiết rất gần gũi với điện ảnh tâm lý hiện đại. Điều đó chúng ta hầu như không thể tìm thấy ở nhân vật Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, một cô gái nhiều lời nhưng ít suy tư (tính toán thì có), đời sống tâm hồn chủ yếu bộc lộ qua việc giãi bày đạo lý và kể lể những suy tính, quan sát của mình.
Trong cuốn “Thi pháp văn học trung đại Việt Nam”, GS Trần Đình Sử viết: “Mức độ cá thể hóa, cá tính hóa cao nhất được thể hiện ở “Truyện Kiều”... nhân vật “Truyện Kiều” đã thoát khỏi nhân vật mang nghĩa lý để biểu hiện con người tâm lý. Tâm lý đây là những tình cảm đối nghịch, lưỡng tính, vừa ứng xử theo hoàn cảnh, vừa bộc lộ con người không đồng nhất với nó, không đồng nhất với chính mình..., là dục vọng, ham muốn, cảm giác”. Đây cũng chính là một đặc trưng tiêu biểu của nhân vật điện ảnh thế kỷ XX, XXI.
Rõ ràng, “Truyện Kiều” có chất điện ảnh. Nhưng vì sao vẫn gây nhiều tranh cãi? Theo biên kịch Châu Quang Phước, “Truyện Kiều” nói riêng và chuyển thể từ nhiều loại hình nghệ thuật nói chung (như từ truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện tranh, game...) đều luôn nhận được những bình luận trái chiều. Đặc biệt là với các tác phẩm gốc vốn dĩ đã trở thành kỷ niệm hồi ức có phần cá nhân hóa qua nhiều thế hệ của đại chúng. Áp lực ấy, thực ra cũng chính là hấp lực đối với bất kỳ người làm nghề làm phim nào, với việc chuyển thể.
“Độ khó dễ khi làm phim chuyển thể từ một loại hình gốc nào đó, là chuyện hiển nhiên mà người làm nghề buộc phải đối mặt, xử lý bằng ngôn ngữ nghề. “Búa rìu dư luận”, nếu có, cũng là chuyện tất yếu của ngành nghề. Đó là chưa kể, xét từ góc độ làm dự án phim, nếu thu hút được sự quan tâm đa dạng của dư luận đại chúng ngay từ khi sản xuất, đó hẳn nhiên sẽ là thuận lợi bước đầu và cũng khá quan trọng về nền tảng truyền thông phim trong từng giai đoạn chuẩn bị phát hành”.
Sân khấu hóa để Thúy Kiều hiện lên bằng da bằng thịt luôn là những thử thách của các nghệ sĩ. Phần đông giới chuyên môn đều khẳng định, hiếm có hình ảnh nào xây dựng nhân vật Kiều “10 phân vẹn 10” như trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Cả biên kịch Châu Quang Phước và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đều cho rằng, thể hiện “Truyện Kiều” thông qua ngôn ngữ điện ảnh đồng thời nắm bắt được cái chất thơ đặc biệt của “Truyện Kiều” trong từng tâm trạng, từng cảnh ngộ để thổi vào cảnh phim là một điều không dễ dàng. Quam điểm sáng tác, tài năng của người thực hiện là yếu tố quan trọng quyết định sự thành - bại của tác phẩm chuyển thể từ “Truyện Kiều”.
“Tùy vào quan điểm sáng tác của người làm phim mà câu chuyện nên được bám sát vào nguyên tác hoặc không, hoặc thậm chí có khi ngược lại với nguyên tác. Với tác phẩm đã trở thành tài sản, di sản văn hóa chung của một cộng đồng thì quan điểm chuyển thể cùng khả năng làm phim sẽ là thước đo cho của người nghệ sĩ - người làm phim”, ông Châu Quang Phước nhấn mạnh.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nang-kieu-lai-mot-phen-lao-dao-634301/