'Nàng Kiều' qua cách kể của 4 đạo diễn tài năng
Cả bốn đạo diễn đã chọn những lát cắt éo le về cuộc đời Kiều nhưng không phải kể lể mà cùng khán giả đi tìm lời giải: Thế nào là sự đồng cảm của con người đương đại về Kiều?
Tối 19-10, khán giả tại TP HCM đã đón chào vở "Nàng Kiều" tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Đây là dự án mang ý nghĩa tìm cách tiếp cận mới một di sản văn hóa lừng danh của Việt Nam, đó là "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du - một sáng kiến do Viện Goethe khởi xướng.
Cảm xúc dâng trào
Với bốn lát cắt ngắn từ 20-25 phút, vở "Nàng Kiều" của 4 đạo diễn, gồm: Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi Trẻ), Trần Lực (Đoàn kịch LucTeam), Hồng Vân (Sân khấu Kịch Hồng Vân) và nữ đạo diễn người Đức, Amélie Niermeyer, đã mang đến những xúc cảm thú vị qua cách kể bằng những chất liệu đương đại. Nữ đạo diễn Amélie Niermeyer chọn cách kể "Thảo luận Kiều". Cô bày ra một buổi sinh nhật mà nhân vật chính đại diện cho Kiều, nhân vật người chồng là Thúc Sinh, còn cô gái cố tình tìm đến buổi tiệc chính là Hoạn Thư. Họ tranh luận về Kiều, vạch trần bộ mặt thật của Thúc Sinh. Đạo diễn đã phá bỏ bức tường ngăn cách khán giả, để người xem như được nhập vào câu chuyện của những bạn trẻ, nghe họ phán đoán, bình phẩm những điều họ nghĩ về thân phận ngang trái của Kiều; cảm nhận được rằng trong đời sống hôm nay, quanh chúng ta vẫn còn biết bao nàng Kiều truân chuyên, dâu bể. Bình đẳng giới và trả lại đúng phẩm giá cho họ được bắt đầu từ đâu? Phải chăng từ suy nghĩ của chính thế hệ trẻ hôm nay?
Đạo diễn Bùi Như Lai kể về Kiều trong cách dàn dựng bỏ trống cái kết. Vì anh cho rằng định kiến xã hội vẫn còn khắt khe với thân phận của Kiều. Là đạo diễn đã có nhiều tác phẩm đề cập đến bạo lực gia đình, anh gửi gắm vào "Nàng Kiều" bốn vấn đề: định mệnh, tình yêu, sự chịu đựng và tự do. Chính vì thế, bằng thủ pháp dàn dựng sinh động, anh truyền được tinh thần khao khát tự do của Kiều, làm nổi bật trang trí với rất nhiều dây thừng, tượng trưng cho sự bị trói buộc của thân phận Kiều. Khán giả thổn thức khi có lúc nhân vật dùng cây kéo để cắt đi những sợi dây, để cởi trói cho mình. Có lúc sự gò bó của tấn trò đời mà Kiều chịu đựng tìm được sự đồng cảm của chính những cô Kiều ngày nay. Bùi Như Lai không lựa chọn dựng Kiều ở giai đoạn thơ mộng mà anh tìm sự bao quát trong thân phận nhân vật ở đoạn gặp lại những người đã khiến đời Kiều chịu cảnh lênh đênh. Không gian u ám đó với sự bủa vây từ dư luận, từ định kiến, dồn nén Kiều đến tội nghiệp. Ánh sáng, âm thanh và tiếng động của cuộc sống là ngôn ngữ diễn đạt tuyệt vời mà Bùi Như Lai đưa vào vở của mình.
Trong khi đó, đạo diễn Trần Lực hợp tác với nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng để ba nhân vật Kiều - Từ Hải - Sở Khanh gặp nhau. Bằng áng thơ lục bát, kịch bản và cách dựng của "LucTeam" lôi cuốn nhất. Đi theo phương pháp ước lệ - biểu hiện, "LucTeam" đã sử dụng ngôn ngữ tuồng, chèo pha với kịch câm vào vở diễn, tài năng diễn xuất thượng thặng của diễn viên Hoàng Tùng đã chinh phục khán giả. Bộ trống, gõ là âm nhạc duy nhất được đạo diễn Trần Lực ứng biến. Khán giả trầm trồ khi thấy vũ đạo của hát bội lại ăn khớp với động tác kịch câm. Các nhân vật lại ăn mặc gần gũi với người xem, kể về Kiều với cảm nhận mang hơi thở thời đại.
Với bản dựng của đạo diễn Hồng Vân, kịch bản của Lê Quốc Nam, "Nàng Kiều" được kể lại dung dị, mộc mạc qua cách dẫn chuyện của Ốc Thanh Vân. Vận dụng thành công của dòng kịch kinh dị, lớp diễn Kiều bị ám ảnh bởi lời căn dặn của Đạm Tiên, với diễn xuất bản lĩnh của Khả Như, Lê Lộc, Hòa Hiệp, Trịnh Duy Anh và Yến Phạm làm khán giả thót tim. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác ca khúc, dàn dựng âm nhạc cho vở, tạo dấu ấn đậm nét, khiến người xem thú vị khi xem vở " Nàng Kiều" nhưng lại được thả hồn trong những giai điệu nhạc trẻ.
Góc nhìn mới đầy thuyết phục
Cách kể về "Nàng Kiều" rất độc đáo, khác hẳn với những gì được xem trên sân khấu lâu nay về nhân vật Kiều, sự thử nghiệm, phá cách độc đáo đã khiến người xem không rời mắt khỏi sàn diễn.
Bốn đạo diễn cùng dàn dựng tác phẩm mang tính thử nghiệm này hài lòng với hiệu quả của dự án khi đem lại cho khán giả, nhất là khán giả trẻ cảm giác lạ lẫm, bồi hồi.
Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam đã tìm được chìa khóa để kết nối 4 đạo diễn có nhiều kinh nghiệm trong cuộc chơi "khó đỡ" này. Sáng kiến của Viện Goethe Việt Nam trong cách tiếp cận mới về thân phận Kiều đã đặt họ ngồi vào bàn cờ cân não.
Để tạo góc nhìn mới trong cách thể hiện, cả bốn đạo diễn đã chọn 4 lát cắt éo le về cuộc đời Kiều nhưng không phải kể lể mà cùng khán giả đi tìm lời giải: Thế nào là sự đồng cảm của con người đương đại về Kiều? Và họ đã tìm được câu trả lời của công chúng sau 2 suất diễn tại Hà Nội (12, 13-10) và suất diễn tối 19-10 tại TP HCM.
Đạo diễn Trần Minh Ngọc nói đây là cách giải đáp thắc mắc của người làm nghề khi mà chất liệu kinh điển của tác phẩm văn học có thể đưa lên sân khấu đương đại và tác động đến giới trẻ. Ông nhấn mạnh: Vở "Nàng Kiều" thành công báo hiệu sân khấu tìm được đối tượng khán giả chịu tiếp nhận cái mới.
Không để "Nàng Kiều" chết yểu
Không để "Nàng Kiều" chết yểu, ba đạo diễn của Việt Nam đã lên kế hoạch triển khai ngay vở "Nàng Kiều" theo phong cách của mình. Cụ thể, đạo diễn Hồng Vân sẽ dàn dựng vở thành 120 phút, công diễn tại sân khấu The Garden Mall (190 Hồng Bàng, quận 5) tối 15-11. Đạo diễn Bùi Như Lai sẽ công diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ tối 9-11 và đạo diễn Trần Lực sẽ dàn dựng thêm phần kết để diễn tại sân khấu "LucTeam" trong tháng 11. Đó là tín hiệu vui cho một dự án giao lưu văn hóa nhưng không bị cất kho, phí phạm tiền bạc, công sức, mà hướng đến công chúng mua vé.
Thực hiện đề án này, phía Viện Goethe và Nhà hát Tuổi Trẻ đã thành công trong việc đưa tác phẩm đến công chúng hôm nay, qua đó khơi gợi tình yêu văn học, nghệ thuật và tác phẩm kinh điển mang tầm vóc nhân loại.