Nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu, Việt Nam ngược dòng thế giới
Câu chuyện ồn ào nhất của TTCK Việt Nam tuần qua vẫn tiếp tục là việc hệ thống giao dịch HOSE liên tục 'nghỉ giải lao' bất thình lình và có những phiên 'dừng nghỉ' ngay trong buổi sáng sung sức, trong khi lãnh đạo HOSE lên tiếng rằng sở này tiếp tục đề xuất nâng lô từ 100 lên 1.000 cổ phiếu.
Các lý lẽ để bảo vệ cho giải pháp không mới này, sau đó đều bị giới chuyên gia, cộng đồng nhà đầu tư và nhiều lãnh đạo công ty quản lý quỹ, dẫn chứng dữ liệu để cho thấy sự thiếu thuyết phục.
Trước hết là xu hướng thế giới. TTCK Singapore giảm từ 1.000 xuống 100 cổ phiếu/lô từ 5 năm trước và đang xem xét đề xuất 1 cổ phiếu/lô; TTCK Nhật Bản có lộ trình đưa giao dịch xuống 1 cổ phiếu/lô; Đài Loan đã cho phép giao dịch lô lẻ 1-999 cổ phiếu/lô; trong khi Anh, Mỹ chấp nhận lô 1 cổ phiếu từ lâu...
Quay trở lại nhìn vào mặt bằng nhà đầu tư trong nước, nếu tăng lô giao dịch tối thiểu gấp tới 10 lần như hiện nay có thể khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ hết đường đầu tư và theo lý giải, điều này sẽ nắn dòng đầu tư đó qua các quỹ, giúp gia tăng nhà đầu tư tổ chức.
Tuy nhiên, phản đối điều này, cộng đồng nhà đầu tư dẫn chiếu thành tích của nhiều quỹ nội luôn thấp hơn mức tăng trưởng của VN-Index, đồng thời nhà đầu tư cá nhân tham gia quỹ phải gánh nhiều loại thuế, phí và còn phải chịu cả rủi ro đạo đức nếu có của các nhân viên quản lý quỹ khi không thực sự theo dõi và quản trị được danh mục đầu tư của mình.
Từ việc nâng lô 10 lên 100, rồi nay là đề xuất lên 1.000 cổ phiếu, rất dễ thấy các giải pháp xử lý căn bệnh nghẽn lệnh mãn tính là tập trung vào các giải pháp giao dịch để xử lý “điểm chết” về công nghệ.
Trò chuyện với người viết, giám đốc một số công ty quản lý quỹ còn cho rằng, sàn nghẽn như hiện nay về cơ bản giống với đóng cửa sớm, nhưng ai cũng được giao dịch, còn nâng lô đồng nghĩa với việc đuổi khách khỏi “chợ”. Nguy hiểm hơn là ảnh hưởng tâm lý dây chuyền, mất niềm tin vào thị trường chứng khoán.
Những giải pháp về công nghệ như nâng cấp hệ thống hiện tại, các phương án xử lý nhanh (nếu có) là gì... hầu như chưa được đề cập đến. Vì sao nghẽn lệnh, căn bệnh này đã phát tiết triệu chứng hơn 2 tháng, nhưng nguyên do thực sự là gì cũng chưa được nhà quản lý thị trường minh định rõ ràng và có công bố thông tin chính thống, rộng rãi. Bởi vậy, mớ bòng bong đang ngày một rối hơn…
Trước khi ban hành chính sách, thông thường các nhà quản lý đều phải nghiên cứu một cách thấu đáo, công bố các dữ liệu trước khi thực hiện để lấy ý kiến rộng rãi, thay vì áp đặt cứng nhắc tư duy của nhà quản lý thị trường. Đã có nhà đầu tư đặt câu hỏi, tăng lô từ 10 lên 100 vẫn tắc, vậy nếu từ 100 lên 1.000 hệ thống vẫn đơ, thì sao?
Công nghệ luôn là dòng chảy liên tục mà doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán và cả nhà đầu tư phải thích ứng, nâng cấp tư duy và học hỏi để không “chìm tàu”.
Cánh diều ngược gió thì bay cao, nhưng con tàu cần xuôi dòng chảy mới êm thuận. Có lẽ các nhà điều hành sở giao dịch chứng khoán lớn nhất Việt Nam và những cấp cao hơn cần tính toán lại những động thái đi ngược dòng chảy công nghệ thế giới đang đi và không “được lòng” hầu hết nhà đầu tư trên thị trường.
Nếu không, mục tiêu 5% dân số có tài khoản chứng khoán đến năm 2025, hay chứng khoán Việt Nam sớm lọt vào các thị trường mới nổi mà Chính phủ đã đặt ra sẽ rất xa vời.