Nặng lòng với công tác hội
Với sự năng động, sáng tạo và tâm huyết, những năm gần đây, chị Trương Thị Hường, người dân tộc Thổ có nhiều đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng Chi hội Phụ nữ xóm Kẻo, xã Nghĩa Phúc (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) ngày càng phát triển.
Tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào, năm 2002, chị Trương Thị Hường được chị em phụ nữ xóm Kẻo tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng. Xóm Kẻo nằm ở phía bắc xã Nghĩa Phúc, nơi có 182 hộ dân, 783 nhân khẩu, trong đó hộ đồng bào dân tộc dân tộc thiểu số chiếm 98%. Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, đời sống của chị em hội viên phụ nữ còn nhiều khó khăn. Để giúp chị em vươn lên trong cuộc sống, chị Hường cùng các hội viên trong chi hội bàn bạc, thảo luận xây dựng mô hình tiết kiệm với tên gọi: “Ống tre tiết kiệm”, giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn mua cây, con giống để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2012 đến nay, mô hình thu được hơn 34 triệu đồng. Số tiền này đã giúp cho 20 chị em giảm bớt khó khăn.
Nhận thấy nhiều hội viên muốn vượt khó vươn lên nhưng không có nguồn vốn, chị Hường tham mưu, khâu nối với hội cấp trên ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, giúp chị em được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đến nay, chi hội đã quản lý tổng nguồn vốn vay hơn 1,7 tỷ đồng. Năm 2013, UBND huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tân Kỳ khảo sát và tin tưởng đặt dự án “Chăn nuôi gà thả vườn” tại chi hội xóm Kẻo số vốn 200 triệu đồng, không tính lãi suất. Được sự quan tâm của hội cấp trên, chị Trương Thị Hường đã họp chi hội, chọn 5 gia đình để thực hiện mô hình. Chỉ sau hai năm triển khai, trung bình mỗi hộ cho thu nhập 80 triệu đồng/năm. Ngoài ra, để tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho các gia đình hội viên lúc nông nhàn, phát huy và lưu giữ nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ, chị vận động chị em thành lập tổ làm nghề mây tre đan với sự tham gia của 11 người. Năm 2018, chị Hường lặn lội về làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Hà Nội để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm do chị em đan lát đã được thu mua, cho thu nhập từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/ tháng.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Trương Thị Hường chia sẻ: “Bản Kẻo còn nghèo, chị em hội viên hầu hết làm nông nghiệp, bản thân tôi cũng thế, nên tôi luôn trăn trở, tìm hướng làm sao để cùng chị em vươn lên thoát nghèo”. Được biết, cùng với tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế gia đình, chị Hường còn có sáng kiến gây quỹ bằng việc huy động chị em tham gia ngày công lao động như làm cỏ mía, sắn, thu hoạch mía. Đến nay, Chi hội Phụ nữ xóm Kẻo đã quản lý số tiền quỹ hội gần 30 triệu đồng. Nhận xét về chị Hường, bà Nguyễn Thị Hợi, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ khẳng định: “Trong số các chi hội trưởng phụ nữ trên địa bàn xã, chị Hường là người nhiều tuổi nhất, nhưng lại điển hình và toàn diện nhất, việc gì chị cũng làm tốt”.
Tâm huyết cùng những nỗ lực, cố gắng của chị Trương Thị Hường đã tạo niềm tin cho chị em phụ nữ bản Kẻo trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của hội và các phong trào thi đua tại địa phương, Chi hội Phụ nữ xóm Kẻo nhiều năm liền được xếp loại xuất sắc, bản thân chị Hường nhiều năm liền được Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nang-long-voi-cong-tac-hoi-655039