Năng lực tên lửa hạt nhân Trung Quốc đối trọng với Mỹ
Trung tâm Tư tưởng chiến lược Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS) cho biết, Trung Quốc đã xây thêm 16 cơ sở phóng tên lửa tại vùng Nội Mông.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn bản báo cáo được FAS công bố tháng trước cho biết, 16 cơ sở, còn được biết đến là hầm silo phóng tên lửa, mới được Trung Quốc xây dựng tại vùng Ô Hải thuộc khu vực Nội Mông, được thiết kế để phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41 và DF-31AG có tầm bắn 10.000-14.000km. Các tên lửa này đủ khả năng chạm tới Mỹ.
Nội dung bản báo cáo ghi rõ, trong khi sự cạnh tranh quân sự giữa Trung Quốc với Mỹ đang ngày một gia tăng, thì chính quyền Bắc Kinh cũng dần mở rộng chiến lược răn đe hạt nhân, và những hầm silo tên lửa dưới lòng đất là một phần chiến lược đó.
Vị trí của từng hầm silo tên lửa xây tại Nội Mông cũng được giới chức Trung Quốc khá chú trọng. Chẳng hạn, hai hầm silo được xây tại một căn cứ huấn luyện giấu tên rộng hơn 200km2 trong khu vực Ô Hải được đặt cách nhau từ 2,2-4,4km, nên hai hầm phóng này không thể cùng bị phá hủy trong một đòn tấn công hạt nhân.
Bản báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi năm 2019 từng nêu rõ, Bắc Kinh đang xem xét tăng cường khả năng tấn công của DF-41, khi đưa ra các lựa chọn phóng tên lửa từ tàu hỏa hoặc từ các hầm silo ngầm dưới lòng đất.
Còn trong báo cáo năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết căn cứ huấn luyện nằm trong khu vực Ô Hải “có thể đã được dùng để phát triển các hoạt động phóng DF-41 từ silo ngầm”.
Bản báo cáo được FAS công bố hồi tháng trước cũng nói rõ, dù Bắc Kinh có tăng số lượng hầm silo chứa tên lửa, nhưng nước này vẫn thua xa Nga và Mỹ về khả năng tấn công hạt nhân. Mỹ hiện có khoảng 450 hầm silo, 400 hầm trong số đó được trang bị nhiều loại tên lửa. Còn Nga có khoảng 130 hầm silo đang hoạt động, so với 18-20 hầm phóng của Trung Quốc.
Nhà phân tích Antony Wong Tong thuộc Hiệp hội Quân sự quốc tế Macau nhận định, những hầm silo mới của Trung Quốc cho thấy nước này đang đẩy mạnh “số lượng và chất lượng” trong khả năng triển khai tên lửa đạn đạo trên mặt đất.
“Sử dụng hầm silo phóng tên lửa là biện pháp phản công đáng tin cậy nhất, nhưng những cơ sở này cũng dễ trở thành mục tiêu bị đối phương tấn công. Bởi chúng rất dễ bị vệ tinh phát hiện. Do vậy, những căn cứ này cần có sự hỗ trợ từ xe phóng tên lửa đạn đạo”, ông Wong nói.
Trong khi đó, nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình làm việc tại Hong Kong lại cho rằng, các hầm silo phóng tên lửa là phương án “phản công mạnh nhất” của Lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc.
“Xây thêm hầm silo phóng tên lửa là một phần trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hướng đến mục tiêu ‘bộ ba hạt nhân’ gồm ICBM phóng từ mặt đất, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm trên biển và tên lửa hạt nhân phóng từ máy bay chiến đấu trên không. Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là tăng cường khả năng răn đe hạt nhân”, ông Tống nói.