Năng lực, trí tuệ, đạo đức của người làm báo phải được rèn giũa thường xuyên
'Đối với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và lãnh đạo cơ quan báo chí, phải đề ra quy định chặt chẽ về đạo đức của phóng viên, đồng thời phải có những kênh thông tin đa chiều để phát hiện dấu hiệu các nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp'.
Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Nhà báo & Công luận.
+ Thưa Thượng tướng, ông nhìn nhận như thế nào về đạo đức của người làm báo trong bối cảnh hiện nay?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn các nhà báo: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Người coi tính trung thực của nhà báo là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp báo chí.
Chúng ta phải khẳng định, báo chí cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã để lại dấu ấn sâu sắc.
Đến giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là giai đoạn phát triển và hội nhập thì báo chí cách mạng “bùng nổ” trên tất cả các phương diện. Khoa học công nghệ phát triển càng đòi hỏi năng lực, trí tuệ, đạo đức của người làm báo phải được rèn rũa thường xuyên.
Các nhà báo là những người phản ánh trung thực tình hình của đất nước, của dân tộc. Trong giai đoạn khoa học công nghệ phát triển mạnh như hiện nay thì càng đòi hỏi phẩm chất của người làm báo phải cao hơn, tinh tường hơn để phân biệt được giữa cái đúng, cái sai, cái thật, cái giả. Bởi vì trong thông tin đa chiều sẽ có những thông tin thật, thông tin giả, bóp méo sự thật.
Nhà báo phải là những người kết nối tinh hoa văn hóa của dân tộc trong truyền tải thông điệp cho cộng đồng, cho các tầng lớp nhân dân. Chính nhà báo góp phần vào xây dựng nền văn hóa của dân tộc Việt Nam, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Có niềm tin thì mới có sức mạnh. Rất nhiều nhà báo dám đấu tranh với tiêu cực, có những bài viết sắc sảo, tạo dấu ấn trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, chính trị, ngoại giao…
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có hiện tượng một số nhà báo đưa thông tin sai lệch hoặc chú trọng quá nhiều những thông tin mang tính phán xét một chiều thay vì phản biện khách quan, trung thực mang tính xây dựng… Người viết lợi dụng uy tín và cái “bóng” của Báo chí Cách mạng Việt Nam, cố tình đưa tin sai sự thật vì mục đích cá nhân, khiến dư luận phân hóa, không hiểu đâu là thật, đâu là giả, làm ảnh hưởng đến uy tín của Báo chí Cách mạng Việt Nam nói chung và của các nhà báo nói riêng. Một số nhà báo, phóng viên lợi dụng việc nắm được những thông tin nội bộ một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp rồi gây sức ép, đe dọa để thu lợi bất chính...
+ Vậy, theo Thượng tướng, nguyên nhân của hiện tượng một số nhà báo đánh đổi đạo đức và chất lượng thông tin là do đâu?
- Một trong những nguyên nhân là các nhà báo đó “chạy theo lợi nhuận” kinh tế thị trường, do lợi ích nhóm hoặc cũng có thể do bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của người làm báo bị “thương mại hóa” vì đồng tiền, thậm chí tiếp tay cho đối tượng chống phá. Điều này tác động tiêu cực đến xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân. Bên cạnh đó, sự buông lỏng quản lý, giáo dục của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí đã khiến một bộ phận phóng viên, cộng tác viên không thực chất hoạt động nghiệp vụ mà chỉ lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi.
Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “không có vùng cấm”, đã có rất nhiều nhà báo tiên phong, góp phần khui ra các vụ án tham nhũng. Nhờ phát hiện của báo chí nên nhiều vụ tham nhũng đã bị đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh. Chính vì “không có vùng cấm” nên báo chí có quyền khai thác rất nhiều, góp phần xây dựng sức mạnh của hệ thống chính trị, làm trong sạch nội bộ bộ máy của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng Việt Nam hội nhập có uy tín ở khu vực và quốc tế. Quốc tế cũng ca ngợi Việt Nam đấu tranh chống tham nhũng hết sức quyết liệt, kiên trì, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam ngày càng bền vững và phát triển.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cũng có hiện tượng một số nhà báo lợi dụng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh nên đã tìm những vi phạm, sai phạm của một số quan chức, lãnh đạo, doanh nghiệp để “dọa nạt”, “ép buộc” người có dấu hiệu vi phạm phải thực hiện điều kiện mà nhà báo đó đặt ra, vì động cơ cá nhân. Điều đó đã tạo ra dư luận không trong sáng trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.
+ Cá nhân Thượng tướng, đã khi nào nhận được phản ánh về tình trạng nhà báo lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu doanh nghiệp, hoạt động trái pháp luật hay chưa?
- Thi thoảng tôi cũng có nghe được dư luận, anh em phản ánh về việc phóng viên báo chí đến làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp đang có “vấn đề” khuyết điểm, sai sót và đặt vấn đề luôn là nếu đáp ứng điều kiện này, điều kiện kia thì không đưa lên báo chí. Nhưng nhìn chung, các trường hợp đó đều đã bị phát hiện, xử lý sau khi đơn vị, doanh nghiệp có phản ánh. Tôi cho rằng, cơ chế để doanh nghiệp phản ánh việc đơn vị mình bị phóng viên “dọa nạt” cũng rất quan trọng, cần được quy định rõ ràng.
+ Theo ông, để giải quyết vấn đề “núp bóng” báo chí rồi “dọa nạt, tống tiền” cá nhân, doanh nghiệp thì cần những quy định gì?
- Xử lý chuyện này - quan trọng nhất là phải công khai hóa, minh bạch các vụ án tham nhũng. Tức là các vụ án xử lý đến đâu, làm như thế nào thì phải công khai, chứ không để “nửa úp nửa mở”, để một số cá nhân lợi dụng vào dư luận nghe đơn vị này, doanh nghiệp kia, cá nhân nọ có chuyện này, chuyện khác để “tống tiền” bằng nhiều thủ đoạn. Tất nhiên là cái này cũng rất khó đấy, không phải dễ dàng. Người ta có tật giật mình nên dễ đáp ứng yêu cầu của người khác để che lấp khuyết điểm.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và lãnh đạo cơ quan báo chí, phải đề ra quy định chặt chẽ về đạo đức của phóng viên, đồng thời phải có những kênh thông tin đa chiều để phát hiện dấu hiệu các nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Việc phát hiện các cá nhân lợi dụng danh nghĩa báo chí để “tống tiền” cơ quan, doanh nghiệp thì cũng không phải là quá khó. Nếu như cá nhân nào có “tính” đó thì rất dễ bị tố giác, nên phải khuyến khích những người dám tố giác và bảo vệ những người dám tố giác. Cần có cơ chế bảo vệ cho người dân hoặc doanh nghiệp dám tố giác, phản ảnh trường hợp lợi dụng danh nghĩa báo chí để làm những việc phi pháp. Bên cạnh đó, khi đã phát hiện được thì phải xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm để làm gương cho các nhà báo khác.
Chúng ta cần phải chấn chỉnh tình trạng này. Hiện nay, tiêu cực đang xảy ra ở nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng báo chí. Chúng ta đang phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở tất cả các lĩnh vực, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Báo chí đấu tranh với tiêu cực, song cũng cần chống tiêu cực ngay trong cơ quan báo chí, trong mỗi nhà báo.
Sắp tới, trong công cuộc đổi mới và hội nhập đất nước ngày càng sâu thì phải tăng cường xây dựng đạo đức của người làm báo và văn hóa của người làm báo. Người làm báo phải đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân mình. Các nhà báo phải có văn hóa bên cạnh đạo đức, phẩm chất, năng lực, trí tuệ, sáng tạo. Có nền tảng văn hóa mới truyền tải được các thông điệp cho cộng đồng, cho nhân dân, không những ở Việt Nam mà còn lan tỏa ra khu vực và thế giới.
Văn hóa là cội nguồn của dân tộc. Nếu nhà báo đặt mình vào vị trí lan tỏa nền văn hóa của dân tộc Việt Nam thì chắc chắn sẽ phát huy được năng lực, trí tuệ, đóng góp cho đất nước.
+ Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!
Nguyễn Hường (Thực hiện)