Năng lượng cho tái sinh

Nếu phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát môi trường từ các dự án năng lượng nói chung cũng như sự nỗ lực đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân thì chắc chắn chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính ở mức 15% vào năm 2030 và mức 20% vào năm 2045, từ Kế hoạch 216/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ đạt được.

Năng lượng cho tái sinh

Bài 1:Thời điểm chín mùi đầu tư điện gió

Bài 2: Những “mảnh ghép” năng lượng xanh

Bài 3: Bước chuyển sang bền vững

Dự án điện gió Thăng Long Wind nằm ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (tính từ mũi Kê Gà trở ra) khoảng 50 km, diện tích trên 2.000 km2. Ảnh minh họa.

Dự án điện gió Thăng Long Wind nằm ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (tính từ mũi Kê Gà trở ra) khoảng 50 km, diện tích trên 2.000 km2. Ảnh minh họa.

Sức hút triển vọng

Dù có trở ngại nhưng các nhà đầu tư vẫn quan tâm điện gió, điện mặt trời tại tỉnh, trước hết vì các nhà máy đang hoạt động vẫn đạt lộ trình có lời. Ngay cả các nhà máy điện mặt trời tại Tuy Phong, dù sau tháng 6/2019 bị cắt giảm công suất nhiều nên tính toán bị lỗ nhưng sang năm 2020 đến giờ, cuối năm chốt lại vẫn phát đạt trung bình 80% công suất nhà máy, tính ra có lời. Cuộc thay đổi từ “không” thành “có” ấy là kết quả mà Bình Thuận đã làm việc với Trung ương ở trong thế rất gấp và quyết liệt.

Theo các lãnh đạo UBND tỉnh giai đoạn 2015 – 2020, sau khi nắm rõ tình hình cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy tại Tuy Phong, khoảng cuối năm 2019, tỉnh đã có nhiều cuộc họp với Bộ Công Thương, EVN để tìm hướng giải tỏa công suất các nhà máy và đầu tư các đường dây truyền tải khu vực phía Bắc tỉnh. Sau đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã về tỉnh, tính toán và có 4 công trình lưới điện phải được xây dựng. Đó là Lộ ra 110kV trạm 220kV Phan Rí, đường dây 110kV mạch 2 Ninh Phước – Tuy Phong - Phan Rí; đường dây 110kV mạch 2 Lương Sơn - Phan Rí và đường dây 110kV mạch 2 Đại Ninh - Phan Rí. Đồng thời, trước mắt cũng nhanh chóng nâng cấp đường dây 110kV mạch 1, Ninh Phước – Tuy Phong – Phan Rí nên sang năm 2020, đã góp phần giải phóng thêm công suất phát điện cho các nhà máy lên được 80%...

Đó là lý do vùng có cường suất nắng cao như Tuy Phong, các dự án vẫn tiếp tục triển khai và cũng dễ hiểu khi ở các huyện, thị khác vẫn thu hút dự án. Bởi điều thấy rõ trong 2 năm qua là sản xuất kinh doanh điện ít bị ảnh hưởng dịch bệnh hơn các ngành khác. Hơn tất cả, điều quyết định cho sức hút ấy là cả nước vẫn đang thiếu điện và rất cần điện sạch, nhất là tháng 2/2020, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành. Theo đó, ngày 12/8/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) đã ban hành Kế hoạch số 216 triển khai thực hiện Nghị quyết 55 với mục đích được nhấn mạnh là khai thác, sử dụng và phát huy có hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng trên địa bàn tỉnh, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Nhiều giải pháp được đưa ra để có thể phát triển cùng lúc đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi; điện mặt trời trên mặt nước, trên mái nhà; thủy điện nhỏ; điện sinh khối… và loại hình điện khí hóa lỏng, phấn đấu đưa Bình Thuận sớm trở thành Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia.

Tiếp đến tháng 10/2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV xác định phát triển công nghiệp, cụ thể năng lượng, chế biến là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Trả lời báo chí, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bình Thuận quyết tâm thực hiện mục tiêu trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo theo tinh thần Nghị quyết 55 năm 2020 của Bộ Chính trị. Theo đó, cuối tháng 2/2021, sau khi rà soát, UBND tỉnh đã có báo cáo đề xuất Trung ương đưa 74 dự án gồm 62 điện mặt trời, 11 điện gió và 1 điện khí vào Quy hoạch điện VIII. Đồng thời kiến nghị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các hệ thống đường dây truyền tải và các trạm biến áp một cách đồng bộ để phục vụ đấu nối, truyền tải, giải tỏa công suất và phát huy hiệu quả các dự án điện.

Linh hoạt đầu tư truyền tải

Với những dự án điện gió ngoài khơi có công suất lớn, chuyện truyền tải điện sẽ như thế nào là điều nhiều người quan tâm. Đại diện Tập đoàn EE, đơn vị đầu tư Thăng Long Wind cho biết: “Trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã đưa ra các kịch bản phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với phát triển nguồn điện tại khu vực Nam Trung bộ, trong đó có tỉnh Bình Thuận. Dự kiến hệ thống đường dây truyền tải 500KV mạch kép với tổng chiều dài 270 km từ Bình Thuận về Đồng Nai và Bình Dương đã được đưa vào các tính toán trong dự án Thăng Long Wind. Tập đoàn EE đã đề xuất lên Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương phương án tập đoàn sẽ đầu tư hệ thống này. Việc phát triển đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện đối với các dự án có quy mô công suất lên đến 3.400 MW như dự án Thăng Long Wind là phổ biến trên thế giới. Vì vậy, Tập đoàn EE hoàn toàn tin tưởng dự án Thăng Long Wind sẽ góp phần đưa tỉnh Bình Thuận vào vị trí trung tâm năng lượng tái tạo tầm cỡ thế giới trong tương lai”.

Kế hoạch đầu tư đường dây truyền tải của Tập đoàn EE được xem là quyết định cho sự xuất hiện sớm lẫn hiệu quả từ Thăng Long Wind. Chuyện cho tư nhân đầu tư lĩnh vực truyền tải điện đã từng gây tranh cãi từ cuối năm 2019, vì chưa đúng tinh thần của Luật Điện lực cũng như lo ngại ảnh hưởng an ninh năng lượng và an ninh quốc gia mà bài học của Philippines là một ví dụ. Tuy nhiên, trong Nghị quyết 55/2020 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh: “Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải quốc gia”. Nhiều phương án được đưa ra nhằm mục đích vừa giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng nhưng vẫn bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh quốc gia. Và vào giữa năm 2020, doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đã được phép làm hạ tầng truyền tải điện 500kV dài 17 km tại Ninh Thuận theo cách đầu tư rồi chuyển giao EVN quản lý vận hành… Từ đây, mở ra hướng cho những trạm biến áp, những đường dây 500kV mạch kép mà Bình Thuận kiến nghị Trung ương sớm bổ sung quy hoạch, đầu tư trong thời gian tới như TBA 500 kV Kê Gà - Hàm Thuận Nam, TBA 500 kV điện gió La Gàn, đường dây 500 kV mạch kép Hàm Thuận Nam - Long Thành, Hàm Thuận Nam - Bình Dương… có cơ hội nhanh xuất hiện trên thực tế. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là điều kiện cần…

Cần điều kiện đủ

Điều kiện đủ ở đây không chỉ khắc phục mặt chưa ổn định của năng lượng tái tạo do nắng gió lúc mạnh, lúc yếu, rất cần các nhà máy đầu tư hệ thống pin dự trữ mà còn liên quan đến nhận thức phối hợp của người dân. Chuyện đền bù cho thi công đường dây 110kV mạch 2 Ninh Phước – Tuy Phong – Phan Rí kéo dài từ năm 2020 đến nay trong bối cảnh các nhà máy điện gió, điện mặt trời mong ngóng công trình sớm hình thành để được giải phóng hết công suất là một ví dụ chứng minh rất rõ tác hại của sự chưa nhận thức đầy đủ của dân. Dân đòi tiền đền bù, hỗ trợ rất cao, vì so sánh năm 2019, thời điểm các chủ dự án điện mặt trời do muốn kịp tiến độ hưởng giá ưu đãi 20 năm mà chấp nhận hỗ trợ thêm tiền tỷ. Điều này đã tạo ra tiền lệ xấu. Khi đường dây 110kV trên do Nhà nước đầu tư, dù các doanh nghiệp năng lượng có liên quan muốn hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ nhưng ngành chức năng không đồng ý, vì nếu vậy sẽ rất khó trong thực hiện đền bù cho cao tốc Bắc – Nam và kết quả chậm diễn ra như đã thấy. Do đó, trong Kế hoạch 216/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có nhấn mạnh giải pháp: “Vận động tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của ngành năng lượng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh”. Thực tế, nếu người dân đồng thuận giao đất, không gian, chắc chắn đường dây trên đã sớm hoàn thành, không chỉ giúp nhiều dự án giải tỏa công suất giai đoạn 1, làm thêm giai đoạn 2, mà còn tạo thêm công việc làm, nâng trình độ nghề nghiệp và tăng thu nhập cho người dân tại địa phương cũng như ngân sách tỉnh.

Từ đó cho thấy, nếu người dân hiểu, đồng thuận vì cái chung hợp lý trong đền bù tại các dự án năng lượng trong thời gian tới thì chính người dân ở các vùng dự án mà vốn dĩ đều thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, xa sẽ được đổi thay cuộc sống rõ nhất. Hơn thế, nếu phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát môi trường từ các dự án năng lượng nói chung cũng như sự nỗ lực đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân thì chắc chắn chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính ở mức 15% vào năm 2030 và mức 20% vào năm 2045, từ Kế hoạch 216/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ đạt được. Lúc này, người dân Bình Thuận, vùng trung tâm năng lượng tái tạo sẽ có 1 đời sống khác - sung túc, hiện đại và văn minh. Điều đó không quá ảo tưởng, vì nhìn lại các vùng nông thôn có các dự án năng lượng ở Bắc Bình, Tuy Phong thời gian qua cũng đã thấy rõ sự đổi thay. Vì nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon từng đánh giá rằng năng lượng tái tạo có khả năng nâng những nước nghèo lên một tầm mới thịnh vượng hơn. Thực tế, tên gọi năng lượng ấy không chỉ thể hiện đúng cơ chế hoạt động của từ “tái tạo” mà còn vì những gì loại điện xanh sạch này mang lại là đổi thay tốt đẹp như tên gọi khác của nó: Năng lượng tái sinh.

Theo Kế hoạch 216/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, dự kiến đến năm 2025, Bình Thuận sẽ phát triển, nâng tổng công suất của các nguồn điện đạt khoảng 13,85 GW, sản lượng điện đạt 68 tỷ kWh; đến năm 2030 lên 22,6 GW với sản lượng khoảng 106 tỷ kWh và đến năm 2045 đạt khoảng 38,3 GW, sản lượng điện lên 164 tỷ kWh. Trong đó, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió trên bờ, ngoài khơi; điện mặt trời và điện khí hóa lỏng.

Bích Nghị

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/nang-luong-cho-tai-sinh-bai-3-139951.html