Năng lượng địa nhiệt ở Nhật Bản: Tiềm năng lớn nhưng khó phát triển
Với hàng trăm ngọn núi lửa đang hoạt động, Nhật Bản có nguồn tài nguyên địa nhiệt lớn thứ ba thế giới. Nhưng khả năng khai thác năng lượng của họ không cao, vì sự phản đối từ những chủ sở hữu của những suối nước nóng có mặt khắp nơi trong quần đảo.
Ẩn mình trong những ngọn núi xanh dọc theo một con sông uốn lượn gần thành phố Fukushima phía đông bắc Nhật Bản, khu nghỉ mát Tsuchiyu-onsen là một trường hợp khá đặc biệt ở Nhật Bản. Bị thiệt hại nghiêm trọng bởi trận động đất khủng khiếp năm 2011 trong khu vực, cùng một cơn sóng thần và vụ tai nạn hạt nhân Fukushima, ngôi làng 300 cư dân này đã quyết định dựa vào năng lượng địa nhiệt để phục hồi.
"Người dân nơi đây ý thức được rằng các suối nước nóng có thể được sử dụng cho việc khác" thay vì làm các bồn tắm hơi, nhưng họ không biết làm thế nào để thực hiện điều đó, Takayuki Kato, chủ tịch của Genki Up Tsuchiyu chia sẻ. Mọi thứ đã thay đổi kể từ năm 2011. Đặc biệt nhờ vào các quỹ công lập cho việc tái thiết, năm 2015 Tsuchiyu-onsen đã có thể mua lại một nhà máy điện địa nhiệt nhỏ, được xây dựng ở đầu ngôi làng, phía trên một giếng nước nóng đã có từ trước.
Các điều kiện đều vô cùng thuận lợi, ông Kato nói. Một điều kì diệu khác là nhà máy "không làm thay đổi chất lượng hoặc khối lượng nước" của các suối nước nóng, vốn là nỗi sợ hãi lớn của các chủ khách sạn đối với năng lượng địa nhiệt ở Nhật Bản. Trước đại dịch, nhà máy điện địa nhiệt của ngôi làng đã thu hút khoảng 2.500 du khách mỗi năm, bao gồm cả các chuyên gia suối nước nóng từ khắp cả nước. Nhưng "rất ít người thành công" trong việc bắt chước lại mô hình này, ông Kato chia sẻ.
Nhiều thách thức
Trong báo cáo tài chính thường niên 2021/22 (kết thúc vào ngày 31/3), Nhật Bản chỉ sản xuất được 0,3% lượng điện bằng năng lượng địa nhiệt và mục tiêu năm 2030 của chính phủ vẫn còn rất khiêm tốn: 1%. Thật nghịch lý khi Nhật Bản có nguồn tài nguyên vô cùng lớn trong lĩnh vực này, đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Indonesia, ước tính khoảng 23 gigawatt - tương đương với hai mươi lò phản ứng hạt nhân – thế nhưng quốc gia này hiện vẫn đang phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng.
Trở ngại chính đến từ các suối nước nóng, một lĩnh vực "rất mạnh ở Nhật Bản", Kasumi Yasukawa, người đứng đầu bộ phận địa nhiệt của cơ quan công quyền Nhật Bản JOGMEC, chuyên về an ninh năng lượng của đất nước, cho biết. Những trụ cột này của ngành du lịch ở Nhật Bản "đôi khi từ chối thậm chí phản bác lại" về khả năng của một dự án địa nhiệt trong khu vực của họ, bà Yasukawa cho biết.
Các dự án này cũng đòi hỏi khoản chi phí ban đầu lớn, rất nhiều bất ổn ngay từ đầu cùng các thủ tục hành chính kéo dài. Tuy nhiên, một số hạn chế đã được chính phủ tháo gỡ trong những năm gần đây, cho phép thăm dò tiềm năng địa nhiệt trong các công viên quốc gia, khoảng 80% các nguồn tài nguyên tập trung tại đây.
Lo ngại mức độ can thiệp
"Thành thật mà nói, nếu có thể, chúng tôi muốn việc phát triển năng lượng địa nhiệt sẽ bị dừng lại" tại Nhật Bản, Yoshiyasu Sato, Phó chủ tịch Hiệp hội suối nước nóng Nhật Bản bày tỏ. Ông từ chối coi nó là "năng lượng tái tạo", đồng thời đưa ra dẫn chứng về các nhà máy điện địa nhiệt ở nước này có năng lực sản xuất giảm theo thời gian.
Hơn nữa, mạch nước nóng cung cấp cho các suối nước nóng rất dễ vỡ, vì vậy dòng chảy và nhiệt độ của chúng có thể giảm xuống trong trường hợp bị khai thác quá mức, ông nói. "Có vẻ như nỗi sợ hãi của chủ sở hữu suối nước nóng chỉ dựa trên những đồn đoán", bà Yasukawa nhận định. Các dự án địa nhiệt sẽ khai thác các tầng nước ngầm và "không có sự can thiệp" nào đến các suối nước nóng - có nước đến từ các hồ chứa riêng biệt, là nguồn nước gần mặt đất, bà nói.
Về việc suy giảm sản lượng từ một số nhà máy điện địa nhiệt cũ của đất nước, bắt nguồn từ việc họ đã "đánh giá quá cao" tiềm năng năng lượng, do thiếu kiến thức khoa học về các tầng chứa nước sâu, theo bà Yasukawa.
Jogmec và những người ủng hộ địa nhiệt tại Nhật Bản hy vọng sẽ có thể thay đổi thái độ các chủ suối nước nóng bằng cách thúc đẩy các tác động tích cực của địa nhiệt đối với cộng đồng địa phương.
Nhờ việc buôn bán điện từ nhà máy điện địa nhiệt, Tsuchiyu-onsen đã giúp trẻ em và người cao niên tại địa phương có thể đi xe buýt miễn phí, hỗ trợ thợ thủ công và cải tạo các tòa nhà bỏ hoang. Nguồn nước nóng dư ra của nhà máy đã tạo ra một điểm thu hút khách du lịch mới: một trang trại nhỏ nuôi tôm nước ngọt và du khách có thể đánh bắt để nướng và sau đó thưởng thức.
Thế nhưng, những lập luận này không có nhiều sức nặng với các chủ suối nước nóng. Nếu những người ủng hộ địa nhiệt "có các phương pháp khoa học mới có thể giải quyết được mối lo ngại của chúng tôi, điều đó thật tuyệt vời. Nhưng tiếc là họ không có chúng", Sato nói.