Năng lượng - Nền tảng của sự phát triển bền vững
Đầu tư phát triển các ngành năng lượng là vô cùng cần thiết. Vì trong tương lai những tài nguyên như than, dầu khí… không phải là vô tận, trong khi đó nguồn vốn và ngân sách nhà nước cũng có hạn. Phát triển năng lượng phải đi trước một bước, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Phải có một chiến lược khai thác, sử dụng có hiệu quả nhất
“Để xây dựng chiến lược phát triển năng lượng bền vững sẽ có rất nhiều cách tiếp cận và bao hàm rất nhiều nội dung khác nhau. Nhưng để nói một cách tổng thể nhất, để đảm bảo cho chiến lược an ninh năng lượng thì phải xây dựng trên nền tảng một ngành năng lượng, kể cả sơ cấp và thứ cấp, kể cả nguồn năng lượng tái tạo và nguồn năng lượng không tái tạo.
Phải có một chiến lược khai thác, sử dụng có hiệu quả nhất, để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, cũng như nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, thời điểm hiện nay đã cho thấy sự phát triển của vấn đề năng lượng không chỉ đơn thuần là với tốc độ và sự tăng trưởng đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế- xã hội mà còn phải hướng tới yếu tố bền vững, phải hướng tới bảo vệ môi trường, gắn với sử dụng năng lượng có hiệu quả”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong một trả lời báo giới gần đây cho biết- “Định hướng của Việt Nam đến năm 2020 và lâu dài hơn nữa đều dựa trên nguyên tắc phát triển năng lượng như vậy”.
Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng: “Phải tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh về mặt thể chế của nền kinh tế thị trường, trong đó có thị trường năng lượng, vận hành trên những nguyên tắc của kinh tế thị trường. Điều đó có nghĩa là phải cải cách, cải tổ lại cơ cấu tổ chức của các ngành năng lượng của chúng ta hiện nay và tới đây đang là những ưu tiên quan trọng, để đảm bảo cơ chế vận hành theo nguyên tắc cơ chế thị trường trong toàn hệ thống của nền kinh tế, cũng như đáp ứng được những yêu cầu phát triển của đất nước, trong thời kỳ hội nhập rất sâu và rộng”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định- “Khi đặt ra những yêu cầu phát triển nhanh thì cũng phải đặt ra yêu cầu về phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng cho đất nước”.
Phát triển năng lượng phải đi trước một bước, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi công nghệ phức tạp mang tính đặc thù cao, nguồn đầu tư rất lớn. Việc thu xếp nguồn vốn đầu tư cho phát triển năng lượng được xem là vấn đề tiên quyết và phải có giải pháp trước tiên để các dự án năng lượng, khi đã được khẳng định về nguồn vốn sẽ là cơ sở để triển khai thành công các bước đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhận định: “Chiến lược phát triển bền vững của chúng ta vẫn phải dựa trên nền tảng, yếu tố đầu tiên hết sức quan trọng, đó là khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng chúng ta đang có một cách hiệu quả và tiết kiệm. Chúng ta cũng phải tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng một cách hài hòa, hợp lý, trên cơ sở bảo đảm phát triển của cả nước trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội, nhưng đồng thời cũng gắn với yếu tố bảo vệ môi trường, gắn với chất lượng tăng trưởng trên thực tế, kể cả về kinh tế- xã hội cũng như về năng lượng. Phải tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh về mặt thể chế nền kinh tế thị trường, trong đó có thị trường năng lượng vận hành theo những nguyên tắc của cơ chế thị trường”.
“Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là phải cải cách, cải tổ lại cơ cấu tổ chức ngành năng lượng hiện nay và tới đây đang là ưu tiên quan trọng để đảm bảo sự vận hành các cơ chế theo nguyên tắc kinh tế thị trường trong tổng thể nền kinh tế, cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian hội nhập đang rất sâu và rộng”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Hợp tác để đối mặt với thách thức và khó khăn
Chiến lược phát triển nền năng lượng Việt Nam, ngoài tính dài hạn còn phải tính tới các nhu cầu bức thiết và tính chất đồng bộ và toàn diện trong cả cách tiếp cận và việc triển khai. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta đều biết rằng câu chuyện về biến đổi khí hậu đang đặt ra những vấn đề về tác động rất lớn, rất sâu rộng đến các mặt đời sống kinh tế- xã hội của đất nước cũng như của nhân dân. Đó là một thực tiễn. Dù muốn hay không thì Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức và nhưng nguy cơ lớn về biển đổi khí hậu.
Do đó, bắt buộc trong phát triển các chính sách lớn đều phải tính đến các khía cạnh bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm trong đó có cả những chính sách về năng lượng. Cũng không thể tách rời ra những nhu cầu về an ninh năng lượng, hay giữa nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng không tái tạo, đây là thực tế mà chiến lược về năng lượng phải tính đến cả quan điểm, cách tiếp cận và chiến lược mang tính hài hòa, đồng bộ và toàn diện, để đảm bảo hiệu quả trong sử dụng năng lượng, đặc biệt là hiệu quả trong khai thác và sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả.
Chính phủ Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường cơ chế phối hợp và đối thoại, không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho ngành năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các cam kết quốc tế hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh trong một phát biểu mới đây, rằng: “Phát triển năng lượng bền vững là mục tiêu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam và chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ cố gắng hết mức để giúp Việt Nam giải quyết thách thức này. Công việc này đòi hỏi một phương án toàn diện có tính đến những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đạt được nền kinh tế xanh hơn thông qua năng lượng bền vững là rất tốt đối với Việt Nam”.
Theo Đại sứ Bruno Angelet: “Sự tham gia của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài trợ quốc tế và đặc biệt là sự tham gia của các quốc gia thành viên như trong Liên minh châu Âu hay các thành viên trong các tổ chức khác trong Nhóm đối tác năng lượng của Việt Nam, sẽ tạo ra các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương với sự tham gia của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, tạo điều kiện để có động lực và sự tin tưởng bao gồm cả những cơ chế cụ thể, nhằm hỗ trợ cho đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực về phát triển năng lượng của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng các cơ chế chính sách của các đối tác cũng tạo ra cho Việt Nam những uy tín trong hội nhập và phát triển lĩnh vực này”.
Ngành năng lượng giữ vai trò cốt yếu cho quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và giành ưu tiên cao cho các nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể đến năm 2020 đạt khoảng 100- 110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và khoảng 310- 320 triệu TOE vào năm 2050.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 đặt ra các mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm trong giai đoạn 2016- 2030. Theo đó, dự kiến đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 60.000 MW, định hướng đến năm 2030, con số này đạt khoảng 129.500 MW.