Năng lượng tái tạo - Bài 9: Từ nóc các tòa nhà chọc trời ở New York

New York là thành phố với bạt ngàn các nóc nhà cao tầng, đồng thời cũng là một trong những nơi giá điện đắt nhất nước Mỹ (đắt hơn mức trung bình 40%).

Công ty Stuyvesant Town- Peter Cooper Village ở Manhattan, quận trung tâm thành phố New York đã lắp đặt xong mạng lưới pin mặt trời lớn nhất nước Mỹ trên nóc khu phức hợp nhà cao tầng của mình. Ảnh: 6sqft.com

Công ty Stuyvesant Town- Peter Cooper Village ở Manhattan, quận trung tâm thành phố New York đã lắp đặt xong mạng lưới pin mặt trời lớn nhất nước Mỹ trên nóc khu phức hợp nhà cao tầng của mình. Ảnh: 6sqft.com

Trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, khi cả chính quyền bang New York cũng như lãnh đạo thành phố đều cam kết giảm dần việc sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, những nóc nhà cao tầng san sát ở New York đang biến dần thành các tấm pin mặt trời khổng lồ để tạo ra nguồn năng lượng vừa rẻ vừa sạch.

Mới đây, công ty Stuyvesant Town- Peter Cooper Village ở Manhattan, quận trung tâm thành phố New York đã lắp đặt xong mạng lưới pin mặt trời lớn nhất nước Mỹ trên nóc khu phức hợp nhà cao tầng của mình. Sắp tới quận Bronx cũng sẽ lắp một mạng lưới pin mặt trời thậm chí còn lớn hơn ở khu cao ốc mang tên Co-Op City.

Những dự án điện mặt trời quy mô lớn như vậy hoàn toàn do tư nhân tài trợ, có thể giúp New York bắt kịp với các thành phố khác như Los Angeles và San Diego, vốn là những nơi đi đầu trong công cuộc chuyển đổi từ sử dụng năng lượng thường sang các loại năng lượng sạch, nhất là năng lượng mặt trời ở nước Mỹ.

Chủ nhân của các tòa nhà cao tầng cũng muốn được hưởng lợi từ những chính sách của bang khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Thống đốc bang New York Andrew M. Cuomo và Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đều đưa ra các đề án hướng tới năng lượng sạch và kêu gọi người dân chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời theo lộ trình trong vài chục năm tới.

Tháng Sáu vừa qua, chính quyền bang đã đưa ra dự luật có tên gọi Đạo luật đi đầu chống Biến đổi khí hậu và bảo vệ cộng đồng. Theo dự luật này, tới năm 2030, 70% sản lượng điện của New York sẽ phải khai thác từ nguồn gió, mặt trời, nước và sau đó chuyển đổi hẳn sang các nguồn năng lượng phi carbon dioxide vào năm 2040.

Trước đó hai tháng, vào tháng Tư, Hội đồng thành phố New York đã thông qua quy định yêu cầu hầu hết các tòa nhà cao tầng phải lắp đặt các tấm pin điện mặt trời trên nóc hoặc nóc phải phủ cỏ xanh.
Dự án điện mặt trời ở khu nhà phức hợp Stuyvesant Town- Peter Cooper Village (gọi tắt là StuyTown) gồm 9.000 tấm điện mặt trời lắp trên nóc 56 tòa nhà cao tầng và hiện là mạng lưới điện mặt trời lớn nhất New York. Mạng lưới điện mặt trời này đã giúp sản lượng điện mặt trời được sản xuất từ khu vực này tăng lên gấp đôi với sản lượng điện tăng thêm là 3,9 megawatts hay nói cách khác là lượng điện đủ cho hơn 1.100 căn hộ sử dụng.

Tập đoàn Blackstone, đơn vị sở hữu khu nhà phức hợp StuyTown, cho biết họ đã đầu tư khoảng 10 triệu USD cho dự án này, trong đó khoảng gần 1/4 số tiền (2,3 triệu USD) được Cơ quan Nghiên cứu Phát triển năng lượng bang New York tài trợ, lấy từ nguồn ngân sách 1 tỷ USD bang New York dành cho phát triển năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, điện mặt trời mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu điện tiêu thụ ở khu phức hợp nhà cao tầng rộng lớn gồm 11.200 căn hộ này.

Thành phố New York và bang New York khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư và sử dụng điện mặt trời thông qua các chính sách như miễn thuế và áp dụng các hình thức khuyến khích khác đối với chủ nhà. Những chính sách khuyến khích sử dụng điện mặt trời ở bang New York đã có từ năm 2014 nhằm mục tiêu sản xuất được khoảng 3 gigawatts điện mặt trời (tức là 3.000 megawatts) từ đó đến năm 2023. Chưa bằng lòng với mục tiêu đã đặt ra, Thống đốc bang, ông Cuomo trong năm nay vừa nâng mục tiêu sản xuất điện mặt trời lên gấp đôi là 6 gigawatts.

Hiện chính quyền bang cũng đang bàn với chủ sở hữu khu phức hợp Co-op City, một trong những khu nhà cao tầng tư nhân lớn nhất nước Mỹ, có hơn 15.000 căn hộ trong 35 tòa nhà, để lên kế hoạch lắp đặt các tấm pin điện mặt trời trên nóc các khu đỗ xe ở các tòa cao ốc tại đây. Dự án này sẽ được đưa ra đấu thầu vào tháng Tám và có thể sẽ sản xuất được khoảng 5 megawatts điện, đủ dùng cho 1.500 hộ dân. Tuy lượng điện mặt trời sản xuất ra còn khá hạn chế và không thể đủ cho nhu cầu tiêu thụ điện của toàn bộ khu phức hợp, nhưng cũng góp phần giảm tải cho mạng lưới phân phối điện truyền thống vào những ngày Hè nắng nóng khi mà nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao.

Hiện tại thành phố New York và khu ngoại ô lân cận Westchester sản xuất được tổng cộng khoảng 250 megawatts điện mặt trời, trong khi vào lúc cao điểm nhu cầu sử dụng điện của khu vực này lên tới 13.400 megawatts. New York đứng thứ sáu trong các thành phố ở Mỹ về công suất sản xuất điện mặt trời từ các tấm pin mặt trời, theo số liệu của Hội Môi trường nước Mỹ.

Tuy nhiên, việc ứng dụng và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng mặt trời còn có những hạn chế, nhất là bởi điện mặt trời thường chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu sử dụng điện của người dân. Hơn nữa, ví dụ như ở khu StuyTown, 27.000 cư dân sinh sống ở đây cũng khó cảm nhận được lợi ích của việc sử dụng điện mặt trời bởi ở Mỹ các tòa nhà chung cư cao tầng thường tính tiền thuê nhà bao gồm điện, nước và chỉ có chủ tòa nhà là được hưởng lợi rõ rệt vì họ sẽ bớt được ít nhiều khoản tiền điện. Đây là vấn đề chính quyền New York cần tìm ra lời giải khi muốn phát triển điện mặt trời.

Theo bà Abigail Ross Hopper, Chủ tịch điều hành Hiệp hội Năng lượng điện mặt trời Mỹ, hiện nay điện mặt trời chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng điện toàn nước Mỹ. Bà hy vọng sản lượng điện mặt trời sẽ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện nước Mỹ vào năm 2030, mà nguồn chủ yếu là từ các nhà máy điện mặt trời của các công ty điện nằm ở các bang phía Tây và Tây Nam nước Mỹ, là những nơi có nhiều ánh nắng.

Hải Vân (Pv TTXVN tại New York)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/nang-luong-tai-tao-bai-9-tu-noc-cac-toa-nha-choc-troi-o-new-york-20190726175805197.htm