Năng lượng tái tạo: Điểm sáng trong Quy hoạch điện VII
Quy hoạch điện VIIVới những cơ chế, chính sách khuyến khích của Chính phủ, năng lượng tái tạo (NLTT) trong Quy hoạch điện VII đã có bước phát triển đột phá, vượt mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào việc cung cấp điện cho phát triển kinh tế đất nước.
Những chính sách đột phá
Theo Quy hoạch điện VII sửa đổi (tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016), mục tiêu đến năm 2020, công suất các nhà máy NLTT của cả nước là 2.060 MW. Trong đó, tổng công suất nguồn điện gió đạt khoảng 800 MW; tổng công suất nguồn điện mặt trời đạt khoảng 850 MW.
Bộ Công Thương cũng được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển các dự án NLTT. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua Bộ đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành nhiều quyết định khuyến khích, nhằm thúc đẩy phát triển NLTT, nhất là điện mặt trời và điện gió. Điển hình như Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; Quyết định 37/2011/QĐ-TTg, Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Nhờ đó, chỉ trong vòng vài ba năm gần đây, nguồn điện NLTT, đặc biệt là điện mặt trời đã có bước phát triển vượt bậc.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện từ NLTT của Việt Nam đã đạt gần 6.000 MW, trong đó có gần 5.245 MW điện mặt trời, 325 MW công suất điện sinh khối, gần 10 MW điện chất thải rắn và có trên 50.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt với tổng công suất khoảng 1.200 MWp. Đối với điện gió, ngoài các dự án đã vận hành (450MW), hiện cũng có khoảng 2.000 MW đang thi công, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm nay và năm 2021. Hiện tại, tổng công suất của điện NLTT đã chiếm trên 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện.
Các dự án đi vào vận hành không chỉ đóng góp sản lượng điện trên 3 tỷ kWh/tháng, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia mà còn giúp hình thành thị trường điện NLTT tại Việt Nam, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN), người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc phát triển NLTT sẽ giúp Việt Nam giảm được 60% nhiên liệu nhập khẩu, cũng như giảm rủi ro từ việc biến động giá nhiên liệu. Bên cạnh đó, có thể tạo ra hơn 465.000 việc làm mới trong tương lai.
Có thể nói, sự đột phá về chính sách đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và là điểm sáng trên thế giới về phát triển NLTT, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Bởi nếu nhìn lại cả giai đoạn trước năm 2017, NLTT tại Việt Nam gần như chưa phát triển, dù cũng có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đăng ký hàng trăm dự án.
Đánh giá kết quả này, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong công cuộc chuyển đổi NLTT, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.
Tiếp tục ưu tiên phát triển
Có thể khẳng định, cơ chế hỗ trợ giá cố định đối với các dạng NLTT đã tạo động lực phát triển thị trường điện NLTT ở Việt Nam. Cụ thể: Tạo động lực phát triển tốt thị trường công nghệ mới, gia tăng nhanh chóng lượng công suất lắp đặt điện từ NLTT trong thời gian ngắn; huy động mạnh mẽ nguồn tài chính, ngân hàng trong nước tham gia cho vay các dự án; thúc đẩy thị trường sản xuất thiết bị điện mặt trời trong nước phát triển; khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, nâng cao nhận thức của người dân đối với các nguồn điện NLTT...
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, do phát triển quá nóng các dự án NLTT nối lưới, đã có thời điểm, lưới điện truyền tải chưa theo kịp khiến công suất giải tỏa điện NLTT ở một số tỉnh miền Trung chưa đạt như mong muốn. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn bản số 7854/BCT-ĐL ngày 27/9/2018, bổ sung 15 công trình lưới điện truyền tải vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; đồng thời phê duyệt danh mục các công trình lưới 110 kV cần thực hiện để giải tỏa công suất các nguồn NLTT trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Đồng thời, đề xuất các giải pháp, chỉ đạo ngành điện đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án lưới điện truyền tải từ 110-500kV. Đến nay, đã cơ bản giải quyết xong những khúc mắc về giải tỏa công suất.
Để thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, nhất là Nghị quyết 55/NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương đã và đang hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, xét đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại đây, Bộ Công Thương đưa ra nhiều kịch bản, phương án ưu tiên phát triển nguồn NLTT trên cơ sở bám sát Nghị quyết 55. Theo đó, sẽ xem xét quy hoạch cho từng vùng, khu vực nhỏ hơn và kết nối trong tổng thể chung của quốc gia…
Nhiều ý kiến cho rằng, những thành quả của Việt Nam trong phát triển NLTT có đóng góp quan trọng của Bộ Công Thương với vai trò tham mưu, triển khai, đưa chính sách vào cuộc sống. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhiều lần khẳng định, cần phải bám sát với thực tiễn quy hoạch và nguồn lực tại địa phương, chú trọng sự trao đổi hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với DN, tạo dựng hành lang thông thoáng nhất cho DN và địa phương cùng đầu tư, phát triển NLTT theo hướng bền vững, hiệu quả.
Nghị quyết 55 - NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu, tỷ lệ nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030 và tăng lên 25 - 30% vào năm 2045.