Năng lượng tái tạo suy yếu, các 'ông lớn' dầu mỏ đặt cược vào LNG
Các 'gã khổng lồ' dầu mỏ tiếp tục đặt cược vào khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong khi thu hẹp các dự án và vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo vì lợi nhuận từ dầu khí vẫn vượt trội hơn so với mảng năng lượng sạch.
Điều chỉnh kế hoạch đầu tư, tìm hướng đi có lợi hơn
Các công ty dầu khí hàng đầu thế giới đang xem xét phê duyệt các dự án LNG mới và mua cổ phần trong các dự án phát triển mới vì họ nhận thấy nhu cầu khí tự nhiên sẽ tăng trong trung hạn đến dài hạn.
Bị ràng buộc bởi các cam kết trả cổ tức nhiều tiền mặt hơn cho cổ đông, các "Big Oil" - thuật ngữ thường được nhắc đến nhiều nhất đến các "siêu doanh nghiệp" dầu mỏ như ExxonMobil, Chevron, BP, Shell, Eni, TotalEnergies, và ConocoPhillips - đang đặt cược vào việc phát triển hoạt động kinh doanh LNG vốn sinh lời nhiều hơn so với năng lượng gió, năng lượng mặt trời hoặc nhiên liệu sinh học. Thực tế cho thấy trong nhiều năm qua, năng lượng sạch là mảng sinh lời kém hơn và chưa thực sự cất cánh mặc dù công suất bổ sung toàn cầu tăng vọt.
Trong khi đó, các giao dịch LNG vài năm trở lại đây lại mang đến rất nhiều lợi nhuận cho các công ty lớn của châu Âu, bất luận hầu hết trong số họ đều phải chịu những đòn giáng vào giá trị suy giảm của các dự án năng lượng tái tạo ở châu Âu và Mỹ.
Thị trường LNG toàn cầu được dự báo sẽ chứng kiến một làn sóng nguồn cung mới từ năm 2026 và có thể bị cung vượt cầu từ năm 2026-2027 cho đến cuối thập kỷ.
Tuy nhiên, các "ông lớn" dầu mỏ vẫn xác định nhu cầu LNG sẽ vẫn được duy trì trong dài hạn và họ kỳ vọng các chiến lược giao dịch cùng động thái bắt tay chặt chẽ với khách hàng ở các dự án LNG sẽ mang lại hiệu quả.
Theo ghi nhận của chuyên trang năng lượng Oil Price, các công ty dầu khí hàng đầu châu Âu vẫn chưa thấy điều kiện kinh doanh và thị trường được cải thiện đủ mạnh để đảm bảo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo mà họ đã cam kết trước cuộc khủng hoảng năng lượng và giá cả tăng vọt vào năm 2022.
Cần nhắc lại rằng châu Âu đối diện cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng sau một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, làm gián đoạn hợp tác vận chuyển và tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt, sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Đơn cử, tập đoàn dầu khí BP (Vương quốc Anh) đã ghi nhận khoản suy giảm giá trị tài sản trước thuế là 540 triệu USD vào quý III năm ngoái đối với các dự án điện gió ngoài khơi tại Mỹ. Hồ sơ của BP và đối tác Na Uy Equinor để đàm phán lại các thỏa thuận mua điện liên quan đến các trang trại điện gió Empire Wind 1 và 2 và Beacon Wind 1 ngoài khơi bờ biển New York đã bị từ chối.
Mới đây, BP cho biết năm nay họ đang thu hẹp kế hoạch phát triển các dự án nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và nhiên liệu sinh học diesel tái tạo mới tại các cơ sở hiện có, tạm dừng lập kế hoạch cho hai dự án tiềm năng và tiếp tục đánh giá tiến độ của ba dự án khác.
"Điều này phù hợp với nỗ lực đơn giản hóa danh mục đầu tư của BP là tập trung vào giá trị và lợi nhuận", tập đoàn BP cho biết.
Sau BP, một "gã khổng lồ" năng lượng khác của Anh - Shell - cho biết họ đang tạm dừng công việc xây dựng tại chỗ đối với dự án nhà máy nhiên liệu sinh học ở Rotterdam (Hà Lan) trong bối cảnh thị trường yếu kém và tập đoàn này phải gánh chịu khoản suy giảm giá trị tài sản 780 triệu USD trong quý II vì vấn đề này.
Shell cho biết việc tạm dừng tại cơ sở nhiên liệu sinh học có công suất 820.000 tấn/năm tại Khu năng lượng và hóa chất Shell Rotterdam là cần thiết "để giải quyết việc triển khai dự án và đảm bảo khả năng cạnh tranh trong tương lai trong điều kiện thị trường hiện tại".
Ván cược LNG
Các "ông lớn" dầu khí đang định vị rằng nhu cầu LNG toàn cầu tăng mạnh như một kênh kiếm thêm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi trong bối cảnh mảng năng lượng tái tạo mang lại lợi nhuận thấp hoặc âm.
Cả Shell và BP, cũng như TotalEnergies của Pháp, đều đang tìm cách mở rộng danh mục đầu tư LNG của mình hơn nữa bằng cách tăng khối lượng khí hóa lỏng của riêng họ và tiếp cận thêm nguồn cung từ bên thứ ba.
"Trong hoạt động kinh doanh khí tích hợp của mình, chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư LNG của mình bằng cách tăng cả khối lượng hóa lỏng và tiếp cận khối lượng của bên thứ ba", Giám đốc điều hành Shell, Wael Sawan, cho biết vào tuần trước khi tập đoàn này công bố lợi nhuận quý II tốt hơn dự kiến.
Shell đã mở rộng quan hệ đối tác hiện có tại quốc gia Trung Đông Oman, đầu tư vào các dự án lấp đầy tại mỏ khí Manatee ở Cộng hòa Trinidad và Tobago. Ngoài ra, tập đoàn khí đốt Anh đã đồng ý mua lại Pavilion Energy tại Singapore để tăng thời hạn danh mục đầu tư.
Ngoài ra, Giám đốc điều hành Wael Sawan cho hay Shell cũng đang thúc đẩy dự án liên doanh LNG Canada tại Kitimat, British Columbia, nơi tập đoàn này đang "nỗ lực hết mình để đạt được sản lượng đầu tiên" vào giữa năm 2025.
Bên cạnh đó, Shell, BP, TotalEnergies và Mitsui của Nhật Bản vừa ký một thỏa thuận với công ty dầu khí quốc gia ADNOC của Abu Dhabi để mỗi bên nắm giữ 10% cổ phần trong dự án LNG Ruwais tại UAE với tư cách là đối tác quốc tế.
BP đang nỗ lực xây dựng danh mục LNG đạt 30 triệu tấn vào năm 2030, tăng từ 23 triệu tấn danh mục LNG dài hạn vào năm ngoái. Bà Carol Howle, Phó chủ tịch điều hành mảng giao dịch và vận chuyển tại BP, mới đây cho biết rằng tập đoàn đang xem xét các hợp đồng dài hạn và các cơ hội thị trường ngắn hạn.
Tương tự, TotalEnergies cũng đang bận rộn phê duyệt các dự án LNG trong những tháng gần đây. Tập đoàn năng lượng Pháp đã bật đèn xanh cho nhà máy Marsa LNG ở Oman cũng như dự án khí đốt Ubeta ở Nigeria, nơi sẽ cung cấp LNG cho Nigeria.
"Những dự án này không chỉ đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng thượng nguồn của chúng tôi từ 2% đến 3% mỗi năm trong năm năm tới mà còn thúc đẩy dòng tiền tự do cơ bản và cuối cùng là phân phối cho cổ đông", Giám đốc điều hành TotalEnergies, ông Patrick Pouyanné, cho biết.
"Tôi nghĩ rằng có một nhu cầu cơ bản về cấu trúc đến từ Ấn Độ và chúng tôi tin rằng thị trường Ấn Độ sẽ tiếp bước cho thị trường truyền thống, Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí là Trung Quốc", ông Pouyanné đánh giá.
Nhu cầu LNG tại Trung Quốc đang trở nên thời vụ hơn vì Bắc Kinh đang "phát triển rất nhanh các nguồn năng lượng tái tạo này, tiếp tục tăng sản lượng than", Giám đốc điều hành TotalEnergies nhận định.
Theo báo cáo mới công bố của Nhóm các nhà nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng quốc tế (GIIGNL), thương mại LNG toàn cầu năm 2023 tăng mức 3,1%, đạt mức trung bình 52,9 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcf/d), tăng 1,6 tỷ feet khối mỗi ngày so với năm 2022.
Các nước châu Á tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng nhập khẩu LNG trên toàn cầu, với lượng nhập khẩu tăng 3,5% trong năm 2023. Trung Quốc ghi nhận lượng nhập khẩu LNG tăng 12%, cao nhất trong số các quốc gia nhập khẩu LNG trên thế giới. Lượng nhập khẩu LNG tại Ấn Độ tăng 11% do các trạm tái khí hóa khí LNG mới được đưa vào hoạt động và giá LNG giảm.