Năng lượng tái tạo tại Châu Âu
Theo báo cáo của Hiệp hội Năng lượng gió châu Âu (WindEurope), trong năm 2019, 502 turbine điện gió ngoài khơi mới được lắp đặt tại 10 trang trại điện gió đã hòa lưới điện châu Âu.
Sản lượng điện gió, điện mặt trời cao
Tổ chức nghiên cứu khí hậu Sandbag hợp tác với tổ chức nghiên cứu Agora Energiewende mới đây công bố báo cáo thường niên “Lĩnh vực điện châu Âu năm 2019”.
Báo cáo cho hay, trong năm 2019, điện gió và điện mặt trời cung cấp 18% sản lượng điện của Liên minh châu Âu (EU), tương đương 569 TWh, trong khi sản lượng điện than chiếm 15% (469 TWh). So với năm 2018, sản lượng điện than đã giảm 24% ở EU, giúp giảm 12% lượng phát thải CO2 trong lĩnh vực điện, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1990.
Thay vào đó, sản lượng điện gió, điện mặt trời và một phần điện khí tăng lên. Giá CO2 cao và giá khí thấp đã thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các nhà máy điện khí, giúp tăng sản lượng điện khí.
Thống kê cho thấy, năm 2019, công suất điện gió tăng khoảng 14 GW; công suất điện mặt trời tăng khoảng 17 GW, gấp đôi so với năm 2018.
Năm 2019 chứng kiến việc giá đấu thầu điện gió ngoài khơi ở Anh và điện mặt trời ở Bồ Đào Nha xuống mức thấp kỷ lục. Các hiệp hội thương mại điện gió và điện mặt trời ở châu Âu dự báo, công suất lắp đặt mới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hy Lạp và Hungary có kế hoạch lần lượt loại bỏ nhiệt điện than vào năm 2028 và 2030, nâng tổng số quốc gia EU “nói không với điện than” lên 20 nước. Cộng hòa Séc năm 2019 cũng quyết định thành lập Ủy ban Than, nhằm xem xét thời điểm loại bỏ nhiệt điện than khỏi nước này.
Đức dư thừa năng lượng tái tạo
Đức gần đây liên tục gia tăng khai thác nguồn năng lượng tái tạo với mục tiêu đưa mức tiêu thụ năng lượng tái tạo lên 40% vào năm 2020, 50% năm 2030 và 80% năm 2050. Ở một số thời điểm, năng lượng tái tạo tại Đức đủ cung cấp gần 90% điện năng của mạng lưới điện quốc gia.
Song điều này không đồng nghĩa với việc nền kinh tế Đức đang tiến gần đến sử dụng hoàn toàn nguồn điện năng sạch. Thực tế, lượng CO2 của Đức bắt đầu tăng nhẹ kể từ năm 2015, nguyên nhân là Đức đã sản xuất một lượng điện năng nhiều hơn mức cần thiết. Do nguồn năng lượng tái tạo không ổn định, Đức buộc phải duy trì nguồn điện truyền thống.
Đức gần đây tái khởi động chiến lược năng lượng mang tên Energiewende (chương trình bắt đầu từ năm 2010) với hy vọng tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo và giảm 40% lượng CO2 vào năm 2020.
Tuy nhiên, một ủy ban độc lập gồm các chuyên gia cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cho rằng, mục tiêu 40% có thể không đạt được trong năm 2020. Cuộc cách mạng năng lượng dường như có vấn đề nội tại, dù Đức hiện là thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới và lượng CO2 trong năm 2014 đã giảm 27% so với năm 1990. Nguyên nhân là các nhà máy điện gió, điện mặt trời không dễ giảm công suất phát để thích ứng với sự dư thừa trên lưới điện. Những ngày nắng to hoặc gió lớn, điện dư thừa rất lớn. Các nhà máy thậm chí phải trả tiền cho lượng điện dư thừa.
Bên cạnh đó, chính các tổ chức môi trường và người dân Đức đang gia tăng sự phản đối với chương trình Energiewende. Theo họ, 30 nghìn turbine gió khổng lồ có thể gây nguy hiểm cho môi trường. Hầu hết mọi người không muốn sống gần những cối xay gió khổng lồ vì tiếng ồn và có thể phát sinh bức xạ siêu âm nguy hiểm. Ngoài ra, tai nạn có thể xảy ra trên các turbine. Các cánh quạt bị hỏng, bị vỡ, sẽ rơi và phá hủy các ngôi nhà ở gần đó, cũng như gây nguy hiểm đối với các loài chim di chuyển ban đêm.
Trước tình hình này, Quốc hội Đức đang cân nhắc dừng chương trình hỗ trợ của chính phủ đối với năng lượng tái tạo. Thay vì trợ giá cho các sản phẩm điện gió và điện mặt trời, chính phủ sẽ thiết lập hệ thống đấu giá, trong đó, công suất của các dự án năng lượng tái tạo sẽ do chính phủ quyết định. Nhiều người kỳ vọng hệ thống đấu giá sẽ giúp giảm tình trạng dư thừa năng lượng tái tạo.
Anh bùng nổ điện gió ngoài khơi
Anh hiện là quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện sinh khối. Năng lượng tái tạo ở Anh đã tăng 15% trong 3 năm qua, đặc biệt là nhờ sự bùng nổ của điện gió ngoài khơi vào năm 2018, theo số liệu từ Cục Thống kê quốc gia (ONS).
Anh là nước dẫn đầu thế giới về công suất điện gió ngoài khơi với 2 GW đã được lắp đặt trong năm 2018 và hướng tới mục tiêu 30 GW vào năm 2030. Điện gió hiện chiếm khoảng 10% năng lượng của nước Anh.
Năm 2012, Anh phải phụ thuộc 40% vào nhiệt điện than, nhưng tới năm 2019, con số này chỉ còn 6%.
Claire Perry, Bộ trưởng bộ Chiến lược công nghiệp, kinh doanh, năng lượng Anh, ước tính 1/3 tổng sản lượng điện của Anh đến từ năng lượng gió vào năm 2030. Cụ thể, Anh sẽ đầu tư 250 triệu bảng (327,5 triệu USD) để phát triển chuỗi cung ứng, với mục tiêu đến 2030 sẽ tăng gấp 5 lần xuất khẩu năng lượng tái tạo, lên 2,6 tỉ bảng.
Anh đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo, với tiềm năng đầu tư lớn hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Bộ trưởng Perry cho biết, mục tiêu đó sẽ thúc đẩy một cuộc cách mạng điện gió ở ngoài khơi nước Anh, đồng thời tạo ra hàng nghìn việc làm chất lượng cao.
Theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Năng lượng gió châu Âu (WindEurope) công bố ngày 6-2-2020, tính đến cuối năm 2019, châu Âu có 5.047 turbine điện gió ngoài khơi được kết nối với lưới điện tại 12 quốc gia
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nang-luong-tai-tao-tai-chau-au-570204.html